Tất cả các bệnh ung thư đều bắt nguồn từ đột biến gen. Trong đó nhiều bệnh ung thư phát triển sớm và thường gặp ở người trẻ tuổi có thể là do người bệnh được ‘thừa hưởng’ đột biến di truyền từ thế hệ đi trước.
Trong cuộc chiến chống ung thư, thắng hay thua nằm ở hai chữ “sớm” và “muộn”. Tầm soát sớm nguy cơ ung thư di truyền để phát hiện sớm bệnh ung thư sẽ giúp tỷ lệ sống càng cao, chi phí điều trị càng thấp.
Đừng để phải nói “giá như”…
Có không ít câu chuyện về ung thư kết thúc bằng từ “giá như” và thường là đã muộn. Chị Mai Hoa (Q.9, TP.HCM) kể lại câu chuyện buồn trong gia đình mình: “Dì tôi mất vì bị ung thư vú. Vài tuần sau đám tang của dì, mẹ tôi đột nhiên cũng đau quặn ở ngực. Cả nhà nghĩ chắc là mẹ đau lòng vì sự ra đi của dì nên dành nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc để mẹ vơi bớt nỗi buồn. Đến khi cơn đau ngày càng nhiều và dai dẳng, mẹ mới được đưa đi bệnh viện. Đến lúc này, cả nhà mới biết mẹ bị ung thư vú giai đoạn 3B. Giá như… chúng tôi biết quan tâm mẹ và quyết đoán hơn, hành động sớm hơn”.
Và cũng có những câu chuyện khiến người nghe thở phào nhẹ nhõm, vì chữ “sớm” đã được áp dụng kịp thời. Chị Hoài Hương (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Chị gái tôi khỏe mạnh, ăn uống khoa học, chăm tập thể thao thường xuyên. Vậy mà một ngày, chị sờ thấy khối u nhỏ bằng đầu ngón tay út trên ngực trái. Chị bèn đi khám ngay lập tức và phát hiện bị ung thư vú giai đoạn sớm. Thật may mắn vì chị tôi đã được áp dụng các biện pháp can thiệp kịp thời, sớm kiểm soát được căn bệnh đáng sợ này”.
Theo thống kê của Viện Di truyền Y học TP.HCM trên 1.165 người làm xét nghiệm gen tầm soát nguy cơ ung thư di truyền oncoSure trong năm 2020 cho thấy, có đến 3,2% người tham gia có mang đột biến ung thư di truyền. Tầm soát sớm nguy cơ ung thư do di truyền chính là cách chúng ta chủ động đối mặt với một trong 3 yếu tố nguy cơ phổ biến làm tăng nguy cơ ung thư là di truyền, lối sống – môi trường và tuổi tác để không phải thốt lên 2 từ “giá như”.
Bí quyết giúp phát hiện ung thư ở giai đoạn rất sớm
Hiện nay, thực hiện giải mã gen để tầm soát sớm nguy cơ ung thư vú di truyền là công nghệ mới đang được nhiều người quan tâm. Giải thích về phương pháp này, bác sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, đồng sáng lập Gene Solutions cho biết: “Giải mã gen giúp chúng ta phát hiện nguy cơ ung thư vú bằng cách khảo sát các “gen chống ung thư” có bị lỗi hay không và chúng ta có nằm trong nhóm nguy cơ mắc ung thư vú cao hay không. Nếu có mang đột biến gen thì từ năm 25 tuổi, chị em phải tầm soát hàng năm bằng phương pháp chụp nhũ ảnh và cả MRI. Nếu không thì phụ nữ chỉ nên chụp nhũ ảnh từ năm 40 tuổi, không nên thực hiện từ khi còn trẻ vì vừa tốn kém vừa làm tăng nguy cơ cho sức khỏe”.
Ở Việt Nam, Gene Solutions là một trong số ít đơn vị làm chủ công nghệ Giải trình tự Thế hệ mới (Next Generation Sequencing) Illumina, Hoa Kỳ. Công nghệ này cho kết quả giải mã gen chính xác tới 99%. Các xét nghiệm gen tầm soát nguy cơ ung thư di truyền của Gene Solutions có khả năng phân tích đột biến trên 17-132 gen xác định nguy cơ mắc các loại ung thư di truyền phổ biến nhất của người Việt Nam, chỉ cần thực hiện 1 lần và có giá trị suốt đời. Người đăng ký thực hiện giải mã gen có thể lấy mẫu DNA tại nhà với bộ kit nhỏ gọn, tự phết niêm mạc má trong khoang miệng và sau đó gửi mẫu đến Viện xét nghiệm và nhận kết quả sau 14 ngày.
Bản thân hoặc người thân mắc các dạng ung thư hiếm (ví dụ: ung thư vú ở nam giới); bản thân hoặc người thân phát hiện ung thư được chẩn đoán sớm so với độ tuổi thường gặp (trước 50 tuổi); bản thân hoặc người thân mắc cùng lúc nhiều loại ung thư, có thể xuất hiện ung thư ở 2 cơ quan khác nhau và gia đình có người mang gen đột biến làm tăng nguy cơ gây ung thư là 4 trường hợp cần ưu tiên tầm soát sớm bằng xét nghiệm gen. Ung thư, nếu được kiểm soát ngay từ khi đang là hạt mầm, sẽ khó có cơ hội đâm chồi nảy lộc, bám chặt rễ di căn vào cơ thể chúng ta. Nhờ vậy, việc điều trị sẽ càng hiệu quả, thời gian sống và chất lượng cuộc sống vì thế cũng được nâng cao.
Nguồn: Báo Thanh Niên