Ngày 26/10/2022, trong buổi tọa đàm trực tuyến “Cập nhật xu hướng thế giới về tầm soát sớm ung thư” do Gene Solutions phối hợp cùng VnExpress tổ chức, TS.BS Nguyễn Duy Sinh – Viện Di truyền Y học – Gene Solutions đã chia sẻ những kiến thức bổ ích về tầm soát sớm ung thư tại Việt Nam và thế giới.
Tọa đàm trực tuyến “Cập nhật xu hướng thế giới về tầm soát sớm ung thư” diễn ra vào ngày 26.10 vừa qua
Tham dự chương trình còn có GS.TS.BS Nguyễn Sào Trung – Ủy viên BCH Hội Phòng chống Ung thư Việt Nam và Hội Ung thư TP. HCM và BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh – Nguyên Trưởng Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân – Bệnh viện Nhân dân 115.
Phát hiện ung thư sớm giúp tăng tỷ lệ sống cho bệnh nhân
TS.BS Nguyễn Duy Sinh cho biết, ung thư xảy ra do đột biến gen. Khi có 4-6 đột biến gen xảy ra, tế bào bình thường sẽ chuyển thành tế bào ung thư.
Đa phần ung thư có thời gian diễn tiến dài – gọi là tiền ung thư – trước khi đến giai đoạn xâm lấn. Đến khi bệnh nhân cảm nhận được triệu chứng, bác sĩ phát hiện khối u thì thường là đã trễ.
“Phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, khi có chưa có triệu chứng là yếu tố quyết định để điều trị thành công” – BS. Sinh nhấn mạnh.
TS.BS Nguyễn Duy Sinh – Viện Di truyền Y học – Gene Solutions (trái) trong buổi tọa đàm “Cập nhật xu hướng thế giới về tầm soát sớm ung thư”
“Sớm” ở đây chính là nói về giai đoạn, tức khi phát hiện khối u ở giai đoạn 0, 1, 2; còn những giai đoạn 3,4 được đánh giá là trễ. Mục đích cuối cùng của việc tầm soát sớm chính là để tăng tỷ lệ sống của bệnh nhân ung thư.
“Sớm” còn liên quan đến tuổi tác. Tuổi càng lớn thì nguy cơ mắc ung thư càng cao, do tiếp xúc thời gian dài với các yếu tố sinh ung. Với những người mang đột biến gen liên quan đến ung thư di truyền, thì cần tầm soát ung thư sớm hơn so với độ tuổi khuyến cáo thông thường.
Người dân Việt Nam thường quan niệm ung thư “trời kêu ai nấy dạ”, nên còn nhiều chần chừ, do dự khi tầm soát ung thư. Họ sợ nếu đi khám mà ra bệnh thì thêm lo lắng. Trên thực tế, bản chất của ung thư xảy ra ở nội tại, tức là đột biến gen diễn tiến bên trong cơ thể, việc tầm soát sẽ giúp phát hiện bệnh để chữa trị kịp thời.
Xu hướng tầm soát sớm ung thư trên thế giới và Việt Nam
BS. Sinh cho biết: từ thập niên 1960, ở một số nước trên thế giới đã có chương trình tầm soát ung thư. Hiện nay, nhiều nơi ứng dụng phương pháp tầm soát một lần toàn bộ các cơ quan, như chụp CT toàn thân.
Trên thực tế, có những loại ung thư không thể tầm soát bằng phương pháp hình ảnh học. Hơn nữa, nếu một người lặp lại phương pháp tầm soát bằng hình ảnh 3-4 lần thì tỷ lệ dương tính giả sẽ cộng dồn, dẫn đến can thiệp quá mức. Do đó, việc tầm soát bằng phương pháp hình ảnh học thật sự không dễ thực hiện, vì đòi hỏi cao về điều kiện chuyên khoa.
Kể từ khi chỉ có khoảng 150 – 400 gen thực sự có thể gây ra ung thư (trong tổng số 20.000 – 30.000 gen), thì việc khảo sát tổn thương gen để hỗ trợ tầm soát và phát hiện sớm ung thư ngày càng được nghiên cứu nhiều hơn.
“Phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, khi có chưa có triệu chứng là yếu tố quyết định để điều trị thành công” – BS. Sinh (trái) chia sẻ
Gần đây, trên thế giới bắt đầu có những phương pháp nghiên cứu mới, tiếp cận những phân mảnh DNA do khối u phóng thích vào trong máu (gọi là ctDNA – circulating tumor DNA). Việc lấy máu tìm ctDNA có thể gợi ý là có hay không tế bào ung thư và truy tìm nguồn gốc khối u.
Theo TS.BS Nguyễn Duy Sinh, năm 2019, các nhà nghiên cứu đã liên kết sự methyl hóa DNA bất thường với một số bệnh lý, đặc biệt là ung thư. Ngoài ra, các nghiên cứu cũng cho thấy các phân mảnh ctDNA của khối u có chiều dài ngắn hơn đáng kể so với những phân mảnh của tế bào bình thường (gọi là cfDNA).
Cùng thời điểm đó, tại Việt Nam, Viện Di truyền Y học – Gene Solutions tiến hành nghiên cứu và phát triển quy trình công nghệ SPOT-MAS™ dựa vào phân tích ctDNA và kĩ thuật giải trình tự gen thế hệ mới. Kết quả nghiên cứu đã công bố trên Tạp chí Y học Việt Nam (tháng 4/2022) và nhiều tạp chí khoa học quốc tế.
TS.BS Nguyễn Duy Sinh cho biết: các nghiên cứu, chương trình lượng giá cho thấy công nghệ SPOT-MAS™ đạt hiệu quả cao trong phát hiện 5 loại ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay là: gan, phổi, vú, dạ dày, đại trực tràng – với độ đặc hiệu 95,9%.