Hội chứng Pfeiffer là gì?
Hội chứng Pfeiffer còn được gọi là bệnh dính khớp sọ, là rối loạn di truyền trội trên nhiễm sắc thể thường.
Đỉnh sọ không phải là một khối vững chắc mà được tạo thành từ nhiều xương có khớp nối đặc biệt. Điều này cho phép nó mở rộng để bộ não có chỗ để phát triển. Thông thường, xương sọ chỉ kết hợp với nhau sau khi đầu đạt kích thước tối đa. Trong khi đó, các xương hộp sọ của người mắc hội chứng Pfeiffer đóng lại trước khi não phát triển đầy đủ. Ước tính tỷ lệ mắc hội chứng Pfeiffer khoảng 1/100.000 trẻ sơ sinh.
Hội chứng này có tình trạng dính khớp sọ sớm giống như hội chứng Muenke, hội chứng Crouzon, hội chứng Antley Bixler, hội chứng Apert hay hội chứng Jackson Weiss.
Nguyên nhân hội chứng Pfeiffer
Các gen FGFR1 và FGFR2 cung cấp các hướng dẫn để tạo ra các protein tương ứng được gọi là thụ thể yếu tố tăng trưởng nguyên bào sợi 1 và 2. Trong số nhiều chức năng của chúng, những protein này báo hiệu cho các tế bào chưa trưởng thành trở thành tế bào xương trong quá trình phát triển phôi. Đột biến ở gen FGFR1 hoặc FGFR2 làm thay đổi chức năng của protein tương ứng, dẫn đến các khớp giữa các xương đóng lại trước khi não của trẻ phát triển đến kích thước bình thường. Đột biến ở gen này còn ảnh hưởng đến sự phát triển của xương ở tay và chân.
Rối loạn di truyền trội trên nhiễm sắc thể thường FGFR1 hoặc FGFR2 có tỷ lệ di truyền 50% cho con cái khi cha hoặc mẹ mắc bệnh. Chỉ một bản sao của gen FGFR1 hoặc FGFR bị thay đổi trong mỗi tế bào là đủ để gây ra hội chứng này. Các nghiên cứu cũng ghi nhận tình trạng đột biến gen FGFR1 hoặc FGFR2 lẻ tẻ, không có yếu tố di truyền từ gia đình do đột biến gen mới (de novo) gây ra. Những sai khác trong quá trình sao chép DNA có thể dẫn đến đột biến de novo phát sinh trong dòng mầm của mỗi trẻ mới sinh. Đây là nguyên nhân chính gây ra phần lớn các bệnh di truyền trội đơn gen sớm và nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tuổi thọ và làm tăng tỷ lệ tử vong ở người bệnh.
Triệu chứng hội chứng Pfeiffer
– Các xương của hộp sọ đóng sớm, hộp sọ ngắn, rộng.
– Bất thường hình dạng đầu và mặt như đầu to, trán cao, mắt lồi.
– Thiểu sản vùng giữa mặt gây ra hiện tượng mặt trăng lưỡi liềm hoặc khuôn mặt trũng xuống với sống mũi và mũi khoằm, hàm trên kém phát triển.
– Răng mọc chen chúc, khấp khểnh, có thể gặp các vấn đề về răng miệng khác.
– Mất thính giác.
– Bàn tay, bàn chân có thể tách ra hoặc dính lại với nhau, có màng.
Trẻ 6 tháng tuổi mắc hội chứng Pfeiffer với hộp sọ rộng nhưng ngắn và trán cao, sống mũi phẳng, thấp (Nguồn: Children hospital of Philadelphia)
Phân loại hội chứng Pfeiffer
Hội chứng Pfeiffer thường được chia làm 3 loại dựa trên mức độ nặng của bệnh, đều ảnh hưởng đến ngoại hình của trẻ, trong đó loại 1 là nhẹ nhất, nặng nhất là loại 3.
Loại 1: Hội chứng Pfeiffer loại 1 hoặc cổ điển là dạng nhẹ, với triệu chứng biến dạng khuôn mặt, các ngón tay và chân tách rời. Tuổi thọ ở mức trung bình và có thể phát triển trí não bình thường khi được điều trị.
Loại 2: Hội chứng Pfeiffer loại 2 sẽ nặng hơn loại một, với triệu chứng xương tay và chân bất thường hơn, ảnh hưởng đến khả năng vận động. Trẻ có thể bị thiểu năng trí tuệ, các vấn đề về thần kinh nên không thể phát triển trí não như trẻ bình thường. Bất thường về hộp sọ như phình ra ở hai bên và phía trước của người bệnh cần điều trị, nếu không có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Loại 3: Gần giống như loại 2 nhưng ngoại trừ hộp sọ không phình ra ở hai bên và phía trước. Trẻ mắc hội chứng Pfeiffer được phân thành loại 3 khi nền sọ ngắn, lồi mắt, có răng lúc mới sinh (răng sơ sinh), bất thường cơ quan nội tạng. Khớp xương ở khuỷu tay hoặc các khớp khác dính lại hạn chế khả năng vận động. Các bất thường ở mặt và đường thở có thể khiến người bệnh khó thở. Đây là loại nặng nhất, ảnh hưởng đến não và hệ thần kinh, dẫn đến thiểu năng trí tuệ. Người bệnh tử vong nếu không được điều trị các vấn đề về não.
Bé 3 tuổi mắc hội chứng Pfeiffer với phần giữa mặt bị hóp lại và mũi nhỏ (Nguồn: Children hospital of Philadelphia)
Biến chứng của hội chứng Pfeiffer
Trẻ mắc hội chứng Pfeiffer có thể bị biến chứng do hộp sọ trong não đóng lại quá sớm bao gồm:
– Tăng áp lực nội sọ.
– Não úng thủy.
– Tắc nghẽn đường thở, ngưng thở khi ngủ.
– Ảnh hưởng đến khả năng nhìn, nghe như mắt kém, mất thính lực.
Chẩn đoán hội chứng Pfeiffer
Các đặc điểm lâm sàng đặc trưng của hội chứng Pfeiffer giúp bác sĩ chẩn đoán trẻ mắc hội chứng Pfeiffer. Ngoài ra, các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm trước khi sinh, chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) cung cấp các thông tin chính xác về tình trạng bệnh để bác sĩ đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp cho bệnh nhân.
Trong một số trường hợp xét nghiệm di truyền FGFR1 và FGFR2 có thể được sử dụng để tìm kiếm các đột biến.
Điều trị hội chứng Pfeiffer
Hội chứng Pfeiffer cũng như nhiều rối loạn di truyền do đột biến gen FGFR1 hoặc FGFR2 không có phương pháp điều trị đặc hiệu. Do đó, trẻ phải sống chung với bệnh đến suốt đời, song các phương pháp điều trị có thể cải thiện triệu chứng bệnh để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trẻ mắc hội chứng Pfeiffer loại nặng như 2 và 3 cần điều trị để tránh nguy hiểm đến tính mạng người bệnh, kéo dài thời gian sống. Người bệnh khi có các triệu chứng bất thường như khó thở, đau đầu dữ dội, ngưng thở khi ngủ lặp đi lặp lại… thì nên đến bệnh viện thăm khám sớm. Bác sĩ có thể cho bệnh nhân đeo mặt nạ áp lực đường thở dương liên tục (CPAP) để cải thiện tình trạng ngưng thở khi ngủ.
Cũng như các bệnh dính khớp sọ sớm, trẻ có thể được bác sĩ cân nhắc phẫu thuật để chỉnh sửa lại hộp sọ, giải phóng áp lực nội sọ (nếu có). Ca mổ lần đầu tiên để định hình lại hộp sọ có thể thực hiện trước khi trẻ được 18 tháng tuổi. Hội chứng Pfeiffer ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, do đó, các bác sĩ liên chuyên khoa như Ngoại thần kinh, Phẫu thuật thẩm mỹ, Cơ xương khớp, Răng hàm mặt… có thể hội chẩn để đưa ra kế hoạch điều trị tối ưu cho bệnh nhân.
Ngoài hình dạng bất thường, các khuyết tật về trí não như thiếu năng trí tuệ có thể ảnh hưởng đến việc học tập và cuộc sống của trẻ. Bên cạnh điều trị để cải thiện triệu chứng, sự đồng hành của gia đình là điều cần thiết, giúp trẻ nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tư vấn di truyền
Hội chứng Pfeiffer là hội chứng di truyền trội trên nhiễm sắc thể thường. Một cá thể bị bệnh có thể do thừa hưởng đột biến từ cha hoặc mẹ mắc bệnh hoặc do biến thể de novo gây ra. Tuổi cha cao được chứng minh là có liên quan đến với các biến thể gây bệnh của hội chứng này. Nếu cha và mẹ xét nghiệm không có đột biến gen gây bệnh (thai/trẻ mắc bệnh mang đột biến de novo) thì tỉ lệ có con lần sau mang đột biến gen tăng khoảng 1-2%, do thể khảm khu trú tế bào sinh dục cần sàng lọc hoặc chẩn đoán trước sinh.
Nếu cha hoặc mẹ bị bệnh, nguy cơ truyền đột biến cho con là 50%.
Thời điểm tối ưu để xác định nguy cơ di truyền và thảo luận về khả năng thực hiện xét nghiệm trước sinh / tiền làm tổ là trước khi mang thai.
Cách phát hiện sớm hội chứng Pfeiffer
Hội chứng Pfeiffer xảy ra khi trẻ thừa hưởng gen đột biến FGFR1 hoặc FGFR từ bố hoặc mẹ với tỷ lệ di truyền 50%. Hoặc cả bố và mẹ đều không mang gen bệnh nhưng con vẫn có thể mắc bệnh do các đột biến mới de novo xuất hiện trong quá trình hình thành bào thai, không phải di truyền từ bố mẹ sang con hay tiền căn gia đình. Trẻ có nguy cơ mắc hội chứng Pfeiffer do đột biến mới tăng tỷ lệ thuận với độ tuổi của bố. Do đó, các bác sĩ, chuyên gia di truyền lưu ý phụ nữ mang thai khi có chồng lớn tuổi (trên 40 tuổi) nên thực hiện các sàng lọc gen để giảm nguy cơ sinh con bị dị tật.
Thai phụ có thể sàng lọc hội chứng Pfeiffer cho con với xét nghiệm triSure Procare
Là một trong những đơn vị đi đầu về xét nghiệm gen tại Việt Nam, Viện Di truyền Y học – Gene Solutions đã phát triển thành công triSure Procare. Đây là xét nghiệm NIPT mới được phát triển dựa trên bộ gen của người Việt nhằm sàng lọc toàn diện các bất thường các loại bất thường di truyền phổ biến.
Khi chọn triSure Procare, cha mẹ an tâm được sàng lọc toàn diện các loại bất thường di truyền nguy hiểm gồm 27 bất thường số lượng nhiễm sắc thể cho thai, 01 mất đoạn phổ biến duy nhất được khuyến cáo sàng lọc liên quan hội chứng DiGeorge cho thai, 7.000 đột biến gây bệnh liên quan 25 bệnh đơn gen trội phổ biến nhất cho thai, 2.800 đột biến gây bệnh liên quan 9 bệnh di truyền lặn đơn gen cho mẹ. Điểm đặc biệt của xét nghiệm NIPT này là sàng lọc hiệu quả các bệnh đơn gen trội không được tầm soát bởi NIPT truyền thống hoặc sàng lọc gen bệnh thể ẩn.
triSure Procare dành cho các thai phụ muốn sàng lọc toàn diện cho con, thai phụ có chồng trên 40 tuổi, siêu âm bất thường (theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa: như độ mờ da gáy tăng trong quý 1 thai kỳ…), gia đình mắc bệnh di truyền trong các gen được khảo sát của xét nghiệm này.
Đáng chú ý triSure Procare có thể sàng lọc được đột biến gen mới (de novo) dù các thành viên trong gia đình, cha mẹ không có tiền căn mắc bệnh di truyền. Độ chính xác cao với độ nhạy và độ đặc hiệu của xét nghiệm này trên 99%, được chứng minh hiệu quả qua nhiều công bố quốc tế.
Để đặt lịch tư vấn và xét nghiệm tại Gene Solutions, Quý khách vui lòng liên hệ số hotline 0287 101 8688.
Theo dõi Fanpage triSure NIPT – Gene Solutions và tham gia Cộng đồng Hội các mẹ bầu làm NIPT triSure – Gene Solutions để cùng thảo luận, giải đáp các thắc mắc về xét nghiệm sàng lọc trước sinh và chăm sóc sức khỏe thai kỳ cùng bác sĩ Sản khoa – Di truyền hàng đầu.
Nguồn tham khảo:
1. Boston Children’s Hospital, What is Pfeiffer syndrome? Retrieved from
https://www.childrenshospital.org/conditions/pfeiffer-syndrome#:~:text=What%20is%20Pfeiffer%20syndrome%3F,increased%20pressure%20around%20the%20brain.
2. Cleveland Clinic, Pfeiffer Syndrome, Retrieved from
https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/25125-pfeiffer-syndrome
3. Children hospital of Philadelphia, Pfeiffer Syndrome. Retrieved from
https://www.chop.edu/conditions-diseases/pfeiffer-syndrome#:~:text=Pfeiffer%20syndrome%2C%20also%20known%20as,those%20seen%20in%20Apert%20syndrome.
4. MedlinePlus, Pfeiffer syndrome. Retrieved from
https://medlineplus.gov/genetics/condition/pfeiffer-syndrome/
5. Osmosis, Pfeiffer Syndrome. Retrieved from
https://www.osmosis.org/answers/pfeiffer-syndrome
6. Web MD, What Is Pfeiffer Syndrome? . Retrieved from
https://www.webmd.com/children/what-is-pfeiffer-syndrome
7. FGFR Craniosynostosis Syndromes Overview
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK1455/