Hội chứng Sotos là gì?
Hội chứng Sotos hay còn gọi là chứng não khổng lồ, được Tiến sĩ nhi khoa người Mỹ – Juan Fernandez Sotos và các cộng sự mô tả lần đầu tiên trong báo cáo năm 1964. Đây là chứng rối loạn di truyền trội hiếm gặp do đột biến gen NSD1 trên nhiễm sắc thể số 5, gây ra sự phát triển thể chất quá mức trong khoảng 4-6 năm đầu đời của trẻ.
Tỷ lệ mắc phải của hội chứng Sotos ước tính vào khoảng 1/10.000 đến 1/14.000 trẻ, với đa dạng triệu chứng và mức độ nghiêm trọng khác nhau.
Triệu chứng của hội chứng Sotos
Hội chứng Sotos được đặc trưng bởi một số đặc điểm đặc biệt trên khuôn mặt, sự phát triển quá mức trước và sau sinh, cùng với những biểu hiện chậm phát triển/ suy giảm nhận thức.
Đặc điểm khuân mặt( thể hiện rõ ở thời thơ ấu):
– Khuôn mặt dài, hẹp, đầu to, trán cao, hình dạng giống quả lê ngược
– Má ửng đỏ
– Vòm miệng cao, cằm nhọn, nhỏ
– Hai mắt cách xa nhau, mi mắt xếch xuống
Hội chứng Sotos có thể nhận biết thông qua một số triệu chứng điển hình trên gương mặt (Nguồn: ScienceDirect)
Sự phát triển quá mức:
Trẻ mắc hội chứng Sotos thường chào đời với cân nặng và chiều dài vượt trội so với trẻ khác. Bàn tay và bàn chân của trẻ có kích thước to hơn hẳn từ lúc mới sinh. Tốc độ tăng trưởng đặc biệt cao trong 3 đến 4 năm đầu đời và sau đó tiến triển ở tốc độ bình thường nhưng ở phân vị cao.
Trong giai đoạn sơ sinh, hội chứng Sotos khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong ăn uống, hô hấp, đặc biệt là vàng da, hạ huyết áp và co giật do sốt. Trong suốt quá trình lớn lên và phát triển, trẻ mắc hội chứng Sotos có xu hướng tăng trưởng sớm hơn trẻ cùng trang lứa, sải tay dài hơn so với tỷ lệ chiều cao và xương phát triển sớm, dù hormone tăng trưởng ở mức bình thường.
Những biểu hiện chậm phát triển/ suy giảm nhận thức:
Hội chứng Sotos thường tác động trực tiếp đến sự phát triển trí não và hệ thần kinh trung ương của trẻ, khiến 60-80% trẻ chậm đạt được các mốc phát triển so với trẻ cùng lứa tuổi trong việc ngồi, bò, đứng, đi và đặc biệt là nói, cũng như giảm trương lực cơ (nhược cơ) và khớp lỏng lẻo. Trẻ mắc hội chứng Sotos có thể đến 15 – 17 tháng tuổi mới chập chững những bước đi đầu tiên. Trẻ cũng có thể gặp khó khăn khi thực hiện một số vận động đòi hỏi sự phối hợp (như đi xe đạp, chơi thể thao), kỹ năng vận động tinh (như khả năng cầm nắm các vật nhỏ) và có những biểu hiện vụng về khác thường. Trẻ mắc chứng Sotos thường chậm nói cho đến khoảng 2 – 3 tuổi. Tuy nhiên, hội chứng Sotos khiến 60 – 80% trẻ mọc răng sớm.
Đáng chú ý, có đến 80 – 85% trẻ mắc hội chứng Sotos rơi vào tình trạng suy giảm nhận thức, với chỉ số IQ trung bình 72, và nằm trong khoảng từ 40 đến thiểu năng trí tuệ mức độ nhẹ. Chỉ khoảng 15 – 20% trẻ mắc hội chứng Sotos có chỉ số IQ ở mức bình thường. Động kinh còn xuất hiện ở 30% số trẻ mắc hội chứng Sotos.
Người mắc hội chứng Sotos thường gặp các vấn đề về hành vi như tự kỷ, rối loạn tăng động giảm chú ý.
Các biểu hiện khác:
Có khoảng 8-35% trẻ mắc hội chứng Sotos bị dị tật tim nhưng phần lớn không nghiêm trọng. Những bất thường ở hệ thống sinh dục và/ hoặc tiết niệu xảy ra ở khoảng 20% số người mắc hội chứng Sotos.
Cong vẹo cột sống cũng gây ảnh hưởng đến khoảng 40% số người bệnh Sotos, nhưng thường không nghiêm trọng đến mức cần phải nẹp hoặc phẫu thuật.
Khoảng 2,2 – 3,9% người mắc hội chứng Sotos có khả năng phát triển các khối u bao gồm u quái cùng cụt, u nguyên bào thần kinh, u hạch trước xương cùng… bệnh bạch cầu nguyên bào lympho cấp tính…
Hội chứng Sotos cần được chẩn đoán ngay từ sớm để ngăn chặn những biến chứng tiến triển, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ (Nguồn: Freepik)
Chẩn đoán hội chứng Sotos
Ngay từ trong bào thai, các bác sĩ chẩn đoán hội chứng Sotos có thể phát hiện thông qua phân tích di truyền kết hợp siêu âm thai.
Còn với trẻ đã chào đời, hội chứng Sotos thường được nhận diện bằng những triệu chứng lâm sàng trên gương mặt, sự tăng trưởng bất thường của xương và sự chậm phát triển trong nhận thức, ngôn ngữ và vận động thường ngày.
Đặc biệt, hình ảnh chụp cộng hưởng từ MRI não hỗ trợ đắc lực cho bác sĩ nhìn thấy những biểu hiện điển hình của hội chứng Sotos trên não, như không có thể chai ở ngay dưới vỏ đại não, hoặc một số bất thường phổ biến ở não thất như giãn não thất, sừng chẩm não thất bên, phì đại não thất…
Hình ảnh chụp cộng hưởng từ MRI não của một bệnh nhân mắc hội chứng Sotos (Nguồn: MedLink)
Điều trị hội chứng Sotos
Y học hiện nay vẫn chưa tìm ra phương pháp điều trị triệt để, hiệu quả hội chứng Sotos. Các phương pháp điều trị hội chứng Sotos chủ yếu vẫn là điều trị triệu chứng, đồng thời hạn chế những biến chứng có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ về sau.
Do đó, các bậc phụ huynh cần theo dõi chặt chẽ sức khỏe của trẻ mắc hội chứng Sotos, đặc biệt trong những năm tháng đầu đời để phát hiện và điều trị các biến chứng như co giật do sốt, vẹo cột sống… Việc chẩn đoán sớm hội chứng Sotos đóng vai trò quan trọng trong phát hiện các vấn đề sức khỏe và sự phát triển của trẻ… cũng như phòng ngừa nhiều di chứng do sự tăng trưởng quá mức.
Việc điều trị cho trẻ mắc hội chứng Sotos đòi hỏi sự phối hợp của nhiều chuyên gia, bác sĩ đến từ nhiều khoa khác nhau, bao gồm nhi, nội tiết, thần kinh, ngoại khoa, chấn thương chỉnh hình, nhãn khoa, vật lý trị liệu, chuyên gia di truyền học, chuyên gia ngôn ngữ học… để có thể cần phải kiểm tra một cách có hệ thống; cũng như lên kế hoạch điều trị một cách toàn diện nhất.
Tư vấn di truyền
Hội chứng Sotos là bệnh lý di truyền trội trên nhiễm sắc thể thường. Khoảng 5% những người được chẩn đoán mắc hội chứng Sotos được di truyền từ bố hoặc mẹ bị bệnh, khoảng 95% trường hợp mắc hội chứng Sotos xảy ra ở người không có tiền sử bệnh trong gia đình, chủ yếu do đột biến mới ( de novo) liên quan đến gen NSD1. Tuổi cha cao được chứng minh là có liên quan đến với các biến thể gây bệnh của hội chứng này. Nếu cha và mẹ xét nghiệm không có đột biến gen gây bệnh (thai/trẻ mắc bệnh mang đột biến de novo) thì tỉ lệ có con lần sau mang đột biến gen tăng khoảng 1-2%, do thể khảm khu trú tế bào sinh dục cần sàng lọc hoặc chẩn đoán trước sinh.
Nếu một người mắc hội chứng Sotos, khi sinh con sẽ có 50% khả năng di truyền bệnh sang con. Trong trường hợp bố hoặc mẹ là người mắc hội chứng Sotos, nếu mang thai tự nhiên nên cân nhắc các phương pháp chẩn đoán trước sinh (như sinh thiết gai nhau – CVS, chọc dò nước ối) để chẩn đoán bệnh cho thai. Hoặc bố mẹ có thể lựa chọn phương pháp thụ tinh nhân tạo IVF và chẩn đoán di truyền phôi PGD/PGT – M.
Tuy nhiên phần lớn hội chứng Sotos do các đột biến mới (de novo) xảy ra trong quá trình tạo phôi, nên các cặp vợ chồng trong thời gian mang thai có thể chủ động làm xét nghiệm sàng lọc NIPT sớm ngay từ tuần thứ 9 để đánh giá nguy cơ bị hội chứng Sotos ở thai nhi.
Sàng lọc hội chứng Sotos
Hội chứng Sotos được xác định nguyên nhân là do đột biến trội ở gen NSD1. Tuy nhiên, phần lớn những trường hợp mắc hội chứng Sotos không mang yếu tố di truyền từ gia đình. Phân tích nhiễm sắc thể cả cha lẫn mẹ của trẻ mắc hội chứng Sotos, không phát hiện đột biến gen NSD1. Các nhà khoa học cho rằng, nguy cơ tái phát đối với gia đình có trẻ bị Sotos là rất thấp (<1%). Do đó, việc phòng ngừa hội chứng Sotos hầu như là không thể.
Dù vậy, các chuyên gia di truyền học khẳng định, việc tìm ra nguyên nhân gây hội chứng Sotos là bước đi quan trọng, mở ra cơ hội chẩn đoán, phát hiện bệnh ngay từ sớm để trẻ có thể được chăm sóc và phát triển tối ưu. Phụ nữ mang thai hoàn toàn có thể thực hiện một số xét nghiệm sàng lọc trước sinh để phát hiện sớm các nhóm bệnh di truyền do bất thường số lượng và cấu trúc nhiễm sắc thể, như tình trạng đột biến trội của gen NSD1 gây ra hội chứng Sotos nguy hiểm.
Sàng lọc hội chứng Sotos với xét nghiệm triSure Procare
Tại Việt Nam hiện nay, Gene Solutions cung cấp gói xét nghiệm triSure Procare giúp sàng lọc toàn diện các bất thường di truyền phổ biến trong thai kỳ: 27 bất thường số lượng nhiễm sắc thể cho thai, 01 mất đoạn phổ biến duy nhất được khuyến cáo sàng lọc liên quan hội chứng DiGeorge cho thai, 2.800 đột biến gây bệnh liên quan 9 bệnh di truyền lặn đơn gen cho mẹ, 7.000 đột biến gây bệnh liên quan 25 bệnh đơn gen trội phổ biến nhất cho thai (trong đó có cả tình trạng đột biến gen NSD1 ở nhiễm sắc thể số 5 gây ra hội chứng Sotos)
Với xét nghiệm triSure Procare, thai phụ chỉ cần một lần lấy mẫu máu duy nhất từ khi thai tròn 9 tuần và nhận kết quả sau 7 ngày.
Xét nghiệm triSure Procare là xét nghiệm trước sinh không xâm lấn (NIPT) giải trình tự gen bằng công nghệ giải trình tự thế hệ mới NGS với độ phủ sâu (ultra-deep sequencing) để phát hiện đồng thời nhiều bất thường di truyền trên DNA ngoại bào của thai nhi (cell-free DNA) với độ chính xác cao.
Các chuyên gia đánh giá, triSure Procare là xét nghiệm trước sinh không xâm lấn quan trọng để phát hiện sớm các bệnh di truyền trội phổ biến và nghiêm trọng cho bào thai, góp phần làm giảm gánh nặng bệnh tật, đồng thời nâng cao chất lượng dân số Việt Nam.
Nguồn tham khảo:
https://www.nature.com/articles/5201686
https://www.ninds.nih.gov/health-information/disorders/sotos-syndrome
https://rarediseases.org/rare-diseases/sotos-syndrome/
https://ojrd.biomedcentral.com/articles/10.1186/1750-1172-2-36
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK1479/