Ung thư dạ dày là bệnh nguy hiểm nhưng thường tiến triển thầm lặng, ít biểu hiện rõ ràng trong giai đoạn đầu. Do đó, việc nhận biết sớm các dấu hiệu ung thư dạ dày là rất cần thiết để bạn có thể đi khám và điều trị kịp thời. Hãy cùng Gene Solutions khám phá 10 dấu hiệu thường gặp nhất trong bài viết dưới đây.
Khái quát về ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày là một trong những loại ung thư phổ biến trên thế giới, đặc biệt tại các nước châu Á như Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc. Bệnh xảy ra khi các tế bào trong lớp niêm mạc dạ dày phát triển bất thường và mất kiểm soát, tạo thành khối u ác tính. Khối u này có thể phát triển rộng trong dạ dày hoặc di căn đến các cơ quan khác như gan, phổi và xương.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ung thư dạ dày, trong đó các yếu tố phổ biến bao gồm:
- Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori): Đây là nguyên nhân chính gây viêm niêm mạc dạ dày mạn tính, làm tổn thương tế bào và tăng nguy cơ ung thư.
- Chế độ ăn uống: Ăn nhiều thực phẩm muối chua, hun khói hoặc ít rau xanh và trái cây làm tăng khả năng mắc bệnh.
- Hút thuốc lá và uống rượu bia: Các chất độc hại trong thuốc và rượu làm tổn thương niêm mạc dạ dày, tăng nguy cơ ung thư.
- Yếu tố di truyền: Những người có nhiều người thân từng bị ung thư dạ dày, mang gen liên quan đến ung thư (PTEN, TP53, APC, CDH1,…) có nguy cơ ung thư cao hơn.
- Các bệnh lý dạ dày mạn tính: Viêm dạ dày kéo dài, loét dạ dày tá tràng hoặc các tổn thương tiền ung thư như viêm teo niêm mạc dạ dày, tăng sản tuyến niêm mạc cũng làm tăng nguy cơ.
- Tuổi tác và giới tính: Ung thư dạ dày thường gặp ở người trên 50 tuổi và phổ biến hơn ở nam giới.
Ung thư dạ dày thường được phát hiện muộn vì triệu chứng ban đầu không rõ ràng, khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, nhận biết các yếu tố nguy cơ và khám sức khỏe định kỳ là rất quan trọng để phát hiện bệnh sớm và tăng cơ hội chữa trị thành công.
10 dấu hiệu ung thư dạ dày thường gặp
-
Đau vùng thượng vị kéo dài
Đau vùng thượng vị là cảm giác đau hoặc khó chịu ở ngay phía trên bụng, ngay dưới xương ức. Đây là triệu chứng phổ biến nhất ở người bị ung thư dạ dày. Cơn đau có thể nhẹ nhàng, âm ỉ hoặc dữ dội, thường kéo dài trong nhiều tuần hoặc tháng.
Tuy vậy, đau vùng thượng vị không phải lúc nào cũng báo hiệu ung thư dạ dày. Nhiều người bị đau thượng vị là do các bệnh lý dạ dày khác như viêm hoặc loét. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân ung thư dạ dày đều có dấu hiệu đau vùng này. Vì thế, nếu cơn đau kéo dài không thuyên giảm hoặc ngày càng nặng hơn, bạn nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và có hướng xử trí phù hợp.

2. Ợ nóng, ợ chua thường xuyên
Ung thư dạ dày làm tổn thương niêm mạc và ảnh hưởng đến cơ vòng thực quản dưới, khiến axit trong dạ dày dễ trào ngược lên thực quản.
Đồng thời, khối u cũng làm rối loạn hoạt động co bóp của dạ dày, làm thức ăn và axit tồn đọng lâu hơn. Những thay đổi này khiến người bệnh thường xuyên bị ợ nóng, ợ chua.
3. Buồn nôn, nôn ói không rõ nguyên nhân
Ung thư dạ dày có thể gây ra cảm giác buồn nôn hoặc nôn mửa không lý do. Nguyên nhân chính là do khối u làm tắc nghẽn hoặc cản trở quá trình tiêu hóa thức ăn trong dạ dày.
Ngoài ra, tổn thương niêm mạc dạ dày do khối u cũng góp phần gây ra triệu chứng này. Trong một số trường hợp, nôn có thể kèm theo dịch hoặc máu. Đây là dấu hiệu cần được khám và xử trí kịp thời.
4. Chán ăn, đầy bụng sau khi ăn ít
Một dấu hiệu ung thư dạ dày thường gặp ở người ung thư dạ dày là cảm giác no nhanh và đầy bụng dù chỉ ăn một lượng thức ăn nhỏ. Khối u trong dạ dày làm giảm khả năng co bóp và tiêu hóa, đồng thời gây tổn thương niêm mạc, khiến người bệnh cảm thấy khó chịu kéo dài. Tình trạng này dẫn đến chán ăn, ảnh hưởng xấu đến dinh dưỡng và sức khỏe tổng thể.
5. Sụt cân bất thường không nguyên nhân
Sụt cân nhanh chóng mà không có nguyên nhân rõ ràng là một trong những biểu hiện ung thư dạ dày nghiêm trọng. Khi khối u phát triển, cơ thể suy yếu, khả năng hấp thu dưỡng chất giảm, dẫn đến mất cân nặng không kiểm soát dù không thay đổi chế độ ăn uống.
6. Mệt mỏi, thiếu máu nhẹ
Ung thư dạ dày có thể gây thiếu máu vì khối u làm tổn thương niêm mạc, dẫn đến chảy máu âm thầm trong dạ dày. Ngoài ra, tổn thương này còn làm giảm khả năng hấp thu sắt và các dưỡng chất cần thiết để tạo máu. Kết quả là người bệnh dễ bị thiếu máu, gây mệt mỏi và xanh xao.
7. Đau hay khó chịu khi nuốt
Ung thư dạ dày khi phát triển hoặc lan rộng đến gần vùng môn vị dạ dày hoặc thực quản, có thể gây ra tình trạng đau hoặc khó chịu khi nuốt thức ăn. Nguyên nhân là do khối u làm hẹp hoặc chèn ép đường đi của thức ăn từ thực quản vào dạ dày, khiến thức ăn khó xuống hơn.
Người bệnh có thể cảm thấy nghẹn, vướng hoặc cảm giác có vật gì đó cản trở trong cổ họng khi nuốt. Ngoài ra, tổn thương niêm mạc và viêm do khối u cũng gây ra cảm giác đau rát, khiến việc ăn uống trở nên khó khăn và gây mệt mỏi.
8. Phân đen
Đi ngoài phân đen là một trong những dấu hiệu ung thư dạ dày thường gặp. Điều này cho thấy có chảy máu trong đường tiêu hóa trên, trong đó có dạ dày. Máu khi bị tiêu hóa sẽ làm phân chuyển màu đen và nhớt. Đây là dấu hiệu nghiêm trọng cảnh báo tổn thương hoặc khối u trong dạ dày đang chảy máu, cần được khám và xử trí kịp thời để tránh nguy hiểm cho sức khỏe.
9. Cổ trướng hoặc bụng to bất thường
Ở giai đoạn muộn, một trong các triệu chứng của ung thư dạ dày là tình trạng khi các tế bào ung thư di căn gan hoặc khoang màng bụng sẽ gây nên. Dịch này khiến bụng to lên bất thường, căng tức và gây khó chịu. Đây là dấu hiệu cho thấy khối u đã lan rộng, ảnh hưởng đến các cơ quan xung quanh và làm rối loạn cân bằng dịch trong cơ thể.
10. Biểu hiện toàn thân: sốt nhẹ, đổ mồ hôi đêm
Ung thư dạ dày ở giai đoạn tiến triển có thể gây ra các triệu chứng toàn thân như sốt nhẹ kéo dài và đổ mồ hôi ban đêm. Những dấu hiệu này thường liên quan đến phản ứng viêm mạn tính hoặc nhiễm khuẩn thứ phát do khối u, đồng thời cho thấy cơ thể đang chịu áp lực và stress do bệnh lý ác tính.

Phương pháp tầm soát ung thư dạ dày mới nhất
Hiện nay, có nhiều phương pháp giúp phát hiện sớm ung thư dạ dày, trong đó nổi bật nhất là:
Nội soi tiêu hóa
Nội soi dạ dày là phương pháp tiêu chuẩn để quan sát trực tiếp niêm mạc dạ dày và phát hiện các tổn thương nghi ngờ. Các công nghệ nội soi tiên tiến như nội soi phóng đại, nhuộm màu hay sử dụng ánh sáng đặc biệt (NBI – Narrow Band Imaging) giúp phát hiện sớm những tổn thương nhỏ và thay đổi tế bào tiền ung thư, nâng cao độ chính xác so với nội soi thông thường.
Trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể lấy mẫu sinh thiết để phân tích mô, giúp xác định chẩn đoán chính xác.
Xét nghiệm phát hiện vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori)
Vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) là nguyên nhân chính gây viêm niêm mạc dạ dày và làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) đã xếp H. pylori vào nhóm tác nhân chắc chắn gây ung thư cho con người. Nhiễm vi khuẩn này gây viêm dạ dày mãn tính, tạo điều kiện hình thành tổn thương tiền ung thư và cuối cùng có thể dẫn đến ung thư.
Phát hiện sớm H. pylori thông qua các xét nghiệm máu, test hơi thở ure hoặc xét nghiệm phân giúp người bệnh được điều trị kịp thời, từ đó giảm nguy cơ ung thư dạ dày hiệu quả.
Nguồn tham khảo:
1. World Health Organization (WHO), International Agency for Research on Cancer (IARC) Monographs, Vol. 61 (1994): “Helicobacter pylori infection and gastric cancer”
2. American Cancer Society: Helicobacter pylori and Gastric Cancer
Xét nghiệm máu và marker ung thư
Xét nghiệm máu cơ bản như công thức máu và sinh hóa giúp đánh giá tình trạng sức khỏe chung, phát hiện các dấu hiệu thiếu máu do chảy máu dạ dày. Ngoài ra, xét nghiệm marker ung thư như CEA, CA 72-4 có thể hỗ trợ gợi ý nguy cơ ung thư dạ dày, nhưng không đặc hiệu nếu dùng riêng lẻ. Những xét nghiệm này thường được kết hợp trong quá trình theo dõi hoặc sàng lọc.
Xét nghiệm sinh học phân tử (ctDNA)
ctDNA là những đoạn nhỏ DNA có nguồn gốc từ khối u, được phóng thích vào trong máu tuần hoàn. Đây là công nghệ mới và rất triển vọng trong tầm soát ung thư dạ dày. Xét nghiệm tìm DNA của tế bào ung thư lưu hành trong máu (ctDNA) giúp phát hiện sớm tín hiệu ung thư ngay cả trước khi xuất hiện triệu chứng lâm sàng.
Phương pháp này chỉ cần thông qua mẫu máu để phân tích, không xâm lấn nên được đánh giá cao về sự tiện lợi, đi kèm theo đó là độ chính xác cao. Bên cạnh đó, ctDNA cũng được ứng dụng trong chẩn đoán và theo dõi nhiều loại ung thư khác nhau.
XEM THÊM: Xét nghiệm phân tích ctDNA SPOT-MAS
Các phương pháp hỗ trợ khác
- Chụp X-quang dạ dày có thuốc cản quang (baryt): Từng là phương pháp phổ biến trước đây để phát hiện các tổn thương niêm mạc, nhưng hiện nay ít được dùng do độ chính xác thấp hơn nội soi.
- Siêu âm ổ bụng, chụp CT, MRI: Thường áp dụng để đánh giá giai đoạn và phạm vi di căn của ung thư sau khi đã được chẩn đoán, không dùng làm phương pháp tầm soát ban đầu.
- Sinh thiết niêm mạc dạ dày: Được thực hiện trong quá trình nội soi nhằm lấy mẫu mô tế bào để xác định chính xác chẩn đoán ung thư hoặc tổn thương tiền ung thư.

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Ung thư dạ dày thường phát triển âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Vì vậy, việc đi khám và tầm soát định kỳ là cách tốt nhất để phát hiện sớm và bảo vệ sức khỏe. Bạn nên đặc biệt chú ý đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên nếu thuộc nhóm có nguy cơ cao như:
- Người trên 50 tuổi
- Người có tiền sử gia đình mắc ung thư dạ dày
- Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori chưa được điều trị
- Có các bệnh lý dạ dày mạn tính như viêm dạ dày, loét dạ dày tá tràng
- Thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều
- Chế độ ăn nhiều thực phẩm muối, đồ hun khói, ít rau quả tươi
Ngoài ra, nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu ung thư dạ dày như đau vùng thượng vị kéo dài, khó tiêu, sụt cân bất thường, nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen, hãy đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời.
Lưu ý trước khi gặp bác sĩ
- Ghi lại những triệu chứng bạn gặp phải, thời gian bắt đầu và mức độ nghiêm trọng.
- Chuẩn bị danh sách các thuốc, thực phẩm chức năng bạn đang sử dụng.
- Ghi nhớ tiền sử bệnh cá nhân và gia đình, đặc biệt liên quan đến các bệnh dạ dày và ung thư.
- Hãy chuẩn bị các câu hỏi mà bạn muốn hỏi bác sĩ để buổi khám hiệu quả hơn.
- Nếu đã từng làm xét nghiệm hoặc nội soi trước đây, mang theo kết quả để bác sĩ có thể so sánh và đánh giá chính xác hơn.
Câu hỏi thường gặp (FAQ)
Câu hỏi 1: Triệu chứng ung thư dạ dày đầu tiên là gì?
Ung thư dạ dày thường phát triển âm thầm và không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Một số dấu hiệu sớm bạn có thể gặp là đau hoặc khó chịu vùng thượng vị (phía trên bụng dưới xương ức), cảm giác đầy bụng, ợ nóng hoặc ợ chua kéo dài, buồn nôn hoặc chán ăn.
Tuy nhiên, không phải ai cũng xuất hiện triệu chứng ở giai đoạn sớm. Nếu xuất hiện, các triệu chứng cũng thường rất mơ hồ khó nhận ra. Vì vậy, hãy cố gắng tầm soát định kỳ để phát hiện bệnh kịp thời.
Câu hỏi 2: Tầm soát ung thư dạ dày ở độ tuổi nào?
Theo khuyến nghị của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society) và Hiệp hội Tiêu hóa Hoa Kỳ (American Gastroenterological Association), việc tầm soát ung thư dạ dày nên được bắt đầu từ tuổi 40-50, đặc biệt ở những người có yếu tố nguy cơ như tiền sử gia đình mắc ung thư dạ dày, nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori hoặc mắc các bệnh lý dạ dày mạn tính.
Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm các tổn thương tiền ung thư hoặc ung thư giai đoạn đầu, từ đó cải thiện hiệu quả điều trị.
Câu hỏi 3: Nội soi dạ dày có đau không?
Nội soi dạ dày thường được thực hiện qua đường miệng với ống nội soi nhỏ, mềm. Quá trình này có thể gây cảm giác khó chịu như vướng họng hoặc buồn nôn, nhưng thường không đau.
Để giảm khó chịu, bác sĩ có thể sử dụng thuốc gây tê họng hoặc thuốc an thần nhẹ. Thời gian nội soi nhanh, thường chỉ khoảng 5-10 phút và sau đó bạn có thể trở lại sinh hoạt bình thường.
Kết luận
Dấu hiệu ung thư dạ dày thường rất nhẹ nhàng và dễ nhầm với các vấn đề tiêu hóa thông thường. Vì thế, nếu bạn có những biểu hiện như đau vùng thượng vị kéo dài, ợ nóng, buồn nôn hay sụt cân không rõ nguyên nhân, hãy chủ động đi khám sớm.
Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các dấu hiệu ung thư dạ dày để tự chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Hẹn gặp lại bạn trong những bài viết tiếp theo!