10 dấu hiệu ung thư vú thường gặp

Ung thư vú – một trong những mối lo hàng đầu đối với sức khỏe phụ nữ hiện nay. Nhận biết những dấu hiệu ung thư vú là bước đầu tiên và quan trọng nhất để bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa rủi ro và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Khái quát về ung thư vú

Ung thư vú là một trong những loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ, chiếm khoảng 25% tổng số ca ung thư mới được chẩn đoán mỗi năm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2020 có hơn 2,3 triệu trường hợp ung thư vú mới và gần 685.000 ca tử vong do căn bệnh này. Ung thư vú xảy ra khi các tế bào trong mô vú phát triển bất thường và mất kiểm soát, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời , các tế bào ung thư có thể xâm lấn và di căn sang các cơ quan khác.

Ung thư vú là một trong những loại ung thư phổ biến nhất ở nữ giới
Ung thư vú là một trong những loại ung thư phổ biến nhất ở nữ giới

Ung thư vú là gì?

Ung thư vú bắt đầu khi các tế bào ở vú biến đổi, tăng sinh quá mức và hình thành khối u ác tính. Những tế bào này có thể xâm nhập vào mô lân cận hoặc di căn đến các cơ quan khác như xương, gan, phổi. Có nhiều loại ung thư vú khác nhau, tùy thuộc vào vị trí và loại tế bào khởi phát, phổ biến nhất là ung thư biểu mô ống tuyến vú (ductal carcinoma) và ung thư biểu mô tiểu thùy (lobular carcinoma).

Tương tự nhiều loại ung thư khác, ung thư vú thường tiến triển âm thầm, không bộc lộ triệu chứng ung thư vú rõ ràng ở giai đoạn sớm. Chỉ khi khối u phát triển lớn hơn hoặc bắt đầu lan rộng, người bệnh mới cảm nhận được các biểu hiện bất thường do bệnh gây ra. Vì vậy, khám sức khỏe định kỳ và tầm soát ung thư vú đóng vai trò then chốt trong việc phát hiện sớm và điều trị hiệu quả.

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ chính

Một số nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ra ung thư vú — đồng thời làm tăng khả năng xuất hiện dấu hiệu ung thư vú, bao gồm:

  • Yếu tố di truyền: Có khoảng 5-10% trường hợp ung thư vú liên quan đến đột biến gen di truyền như BRCA1 và BRCA2. Những người mang đột biến này có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn gấp 6-7 lần so với người bình thường.
  • Tuổi tác: Nguy cơ ung thư vú tăng theo tuổi, đặc biệt sau 50 tuổi, khi này khả năng kiểm soát sự phát triển tế bào giảm dần.
  • Thay đổi nội tiết tố: Các yếu tố làm thay đổi cân bằng hormone estrogen và progesterone trong cơ thể như bắt đầu có kinh sớm, mãn kinh muộn, không sinh con hoặc sinh con muộn, dùng thuốc tránh thai kéo dài đều làm tăng nguy cơ ung thư vú.
  • Lối sống: Thói quen sinh hoạt không lành mạnh như hút thuốc, uống rượu, thiếu vận động, béo phì cũng góp phần làm tăng nguy cơ.
  • Môi trường và chế độ ăn uống: Tiếp xúc với một số hóa chất độc hại, ô nhiễm môi trường hoặc ăn nhiều thực phẩm chứa chất bảo quản, dầu mỡ không tốt cũng có thể ảnh hưởng.

10 dấu hiệu ung thư vú thường gặp

Nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường ở vùng ngực là bước quan trọng giúp phát hiện ung thư vú kịp thời. Dưới đây là 10 dấu hiệu phổ biến mà chị em cần lưu ý:

1. Xuất hiện khối u hoặc cục cứng bất thường trong vú

Khi nói đến dấu hiệu ung thư vú, việc xuất hiện một khối u hoặc cục cứng bất thường trong vú là điều dễ nhận biết nhất. Khối u vú ác tính thường có tính chất cứng chắc, bờ không đều, khó xác định được giới hạn khối u, ấn gây đau ít hoặc không đau.

Xuất hiện khối u hoặc cục cứng trong vú là dấu hiệu ung thư vú dễ nhận biết nhất
Xuất hiện khối u hoặc cục cứng trong vú là dấu hiệu ung thư vú dễ nhận biết nhất

Ngoài ra, khối u vú ác tính thường khó di động khi sờ nắn hoặc thay đổi tư thế. Điều này xảy ra vì tế bào ung thư phát triển và bám chặt vào mô xung quanh (khác với các u lành tính có thể dễ dàng di động hơn).

Tuy nhiên, không phải khối u nào cũng là ung thư. Khi phát hiện một cục u cứng bất thường, hãy đi khám chuyên khoa để xác định tính chất của khối u và có hướng xử lý phù hợp.

2. Thay đổi kích thước hoặc hình dạng vú

Bình thường, hai bên vú của mỗi người có thể có kích thước khác nhau, nhưng sự chênh lệch này thường không gây chú ý. Tuy nhiên, khi một bên vú bỗng nhiên to lên hoặc nhỏ lại rõ rệt, mất cân đối so với bên kia, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo.

Nguyên nhân chủ yếu là do khối u ung thư phát triển trong mô vú, khiến cấu trúc bình thường của vú bị thay đổi. Khi khối u tăng kích thước, nó làm vùng vú đó phình to hơn, gây cảm giác nặng hoặc căng tức. Ngược lại, trong một số trường hợp, khối u có thể kéo căng hoặc làm co rút các mô xung quanh, khiến vú trở nên nhỏ hơn hoặc biến dạng so với bình thường.

3. Da vú bị đỏ, sưng hoặc sần sùi như vỏ cam

Các dấu hiệu như: Da vú bị đỏ, sưng hoặc sần sùi như vỏ cam thường bị bỏ qua vì nghĩ đó chỉ là các vấn đề da liễu thông thường. Thực tế, khi các tế bào ung thư phát triển dưới da, chúng có thể gây tắc nghẽn mạch bạch huyết. Điều này dẫn đến hiện tượng phù nề, khiến da vú bị căng, sưng và đổi màu đỏ hoặc hồng.

Bề mặt da lúc này có thể trở nên sần sùi, xuất hiện những vết lõm nhỏ li ti, giống như bề mặt của quả cam – được gọi là hiện tượng “da vú vỏ cam” (dimpling). Hiện tượng này xảy ra khi các mô ung thư kéo căng hoặc làm co rút các liên kết dưới da, tạo thành các vùng da bị lõm hoặc nhăn nheo.

4. Núm vú tụt vào trong hoặc biến dạng

Núm vú bình thường thường hướng ra ngoài và có hình dáng ổn định. Tuy nhiên, khi có sự xuất hiện của khối u, hình dạng núm vú có thể bị thay đổi rõ rệt, trong đó dấu hiệu ung thư vú dễ nhận biết là núm vú bị tụt vào trong hoặc biến dạng.

Hiện tượng này xảy ra do khối u phát triển trong mô vú, đặc biệt khi nó nằm gần vùng núm vú hoặc tác động lên các mô xung quanh. Khối u có thể kéo căng các liên kết mô và dây chằng quanh núm, làm núm vú bị kéo ngược vào trong thay vì hướng ra ngoài như bình thường. Ngoài ra, sự thay đổi cấu trúc này cũng có thể khiến núm vú bị biến dạng về hình dáng, kích thước, thậm chí có thể xuất hiện các vết sưng, lõm hoặc thụt sâu hơn.

5. Tiết dịch núm vú bất thường, có thể có máu

Tiết dịch bất thường từ núm vú có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm của ung thư vú, đặc biệt khi dịch này không liên quan đến mang thai hay cho con bú. Nguyên nhân thường là do tế bào ung thư xuất hiện trong các ống dẫn sữa hoặc mô xung quanh núm vú, gây tổn thương và kích thích tuyến vú tiết ra dịch lạ.

Dịch tiết bất thường của núm vú thường chảy tự do, ít gây đau.. Màu sắc của dịch đem lại nhiều thông tin quan trọng để đánh giá nguy cơ:

  • Dịch trong suốt hoặc vàng nhạt: thường liên quan đến những vấn đề lành tính.
  • Dịch màu đỏ, hồng, hoặc có máu: là dấu hiệu nghi ngờ cao hơn, có thể liên quan đến ung thư.

Nếu dịch tiết bất thường có mùi hôi, kéo dài liên tục nhiều ngày, hay đi khám chuyên khoa phụ khoa kịp thời để có những thăm khám, xét nghiệm và chẩn đoán phù hợp từ bác sĩ.

6. Đau hoặc cảm giác khó chịu ở vùng vú

Đau hoặc cảm giác khó chịu ở vùng vú cũng là dấu hiệu dễ gây nhầm lẫn với cơn đau do chu kỳ kinh nguyệt hoặc căng cơ. Tuy nhiên, trong trường hợp ung thư vú, cơn đau thường có đặc điểm khác biệt và cần được chú ý kỹ.

Đau, khó chịu ở vùng ngực do ung thư vú thường dễ bị nhầm lẫn với đau do kỳ kinh nguyệt hoặc căng cơ
Đau, khó chịu ở vùng ngực do ung thư vú thường dễ bị nhầm lẫn với đau do kỳ kinh nguyệt hoặc căng cơ

Thông thường, ung thư vú ở giai đoạn sớm không gây đau nhiều, nhưng khi khối u phát triển lớn hơn hoặc bắt đầu ảnh hưởng đến các mô xung quanh, người bệnh có thể cảm thấy đau âm ỉ hoặc cảm giác căng tức trong vùng ngực. Cơn đau này thường dai dẳng, không biến mất sau chu kỳ kinh hoặc không liên quan đến các nguyên nhân sinh lý khác.

Ngoài ra, đau có thể kèm theo cảm giác khó chịu, nóng rát hoặc thậm chí là đau khi chạm vào vùng vú hoặc nách. Điều này có thể xảy ra do khối u kích thích các dây thần kinh xung quanh hoặc gây viêm mô vú.

7. Sưng hạch bạch huyết ở nách hoặc xương đòn

Hạch bạch huyết là những cấu trúc nhỏ trong hệ miễn dịch, có nhiệm vụ lọc và tiêu diệt vi khuẩn, virus cũng như các tế bào bất thường. Khi ung thư vú phát triển, các tế bào ung thư có thể di căn qua hệ bạch huyết và tập trung tại các hạch này.

Khi đó, các hạch bạch huyết gần vú, đặc biệt ở vùng nách hoặc dưới xương đòn, sẽ sưng lên, to hơn bình thường, có cảm giác cứng khi sờ vào. Thường các hạch này không đau, vì vậy người bệnh dễ bỏ qua hoặc không nhận ra đây là dấu hiệu nghiêm trọng. Sưng hạch cho thấy ung thư đã bắt đầu di căn ra ngoài khối u ban đầu, đánh dấu giai đoạn tiến triển của bệnh.

8. Da vú có vảy, bong tróc hoặc viêm kéo dài

Ung thư vú thể viêm là một dạng ung thư hiếm nhưng rất nguy hiểm, vì bệnh thường phát triển nhanh và có biểu hiện không giống các dạng ung thư vú thông thường. Khi mắc loại ung thư này, các tế bào ung thư lan rộng dưới da vú và gây ra hiện tượng viêm. Lúc này, dấu hiệu ung thư vú có thể xuất hiện trên da bao gồm: đỏ, sưng to, nóng rát, và đau.

Vùng da tổn thương cũng có thể bong tróc, đóng vảy hoặc sần sùi. Điểm đặc biệt là tình trạng này kéo dài dai dẳng, không thuyên giảm, khác với các bệnh da liễu thông thường.

9. Cảm giác nóng rát hoặc ngứa kéo dài ở da vú

Thông thường, da vùng ngực có thể bị ngứa hoặc nóng rát do những nguyên nhân phổ biến như dị ứng, mặc áo bó sát, mồ hôi tích tụ, hay các bệnh da liễu nhẹ. Những trường hợp này thường thuyên giảm sau vài ngày nếu được chăm sóc đúng cách.

Tuy nhiên, nếu cảm giác ngứa hoặc nóng rát kéo dài nhiều ngày, không rõ nguyên nhân và không giảm dù đã dùng kem bôi hoặc thay đổi thói quen chăm sóc da, thì bạn cần đặc biệt chú ý. Đây có thể là dấu hiệu ban đầu của ung thư vú, nhất là ung thư vú thể viêm hoặc khối u nằm gần sát bề mặt da.

Trong những trường hợp này, tế bào ung thư có thể gây ra phản ứng viêm tại chỗ, làm tăng lưu lượng máu đến vùng tổn thương và kích thích các dây thần kinh dưới da. Kết quả là người bệnh cảm thấy ngứa râm ran, nóng rát liên tục và rất khó chịu. Bên cạnh đó, khối u phát triển cũng có thể làm thay đổi cấu trúc da, khiến da nhạy cảm hơn và dễ bị kích ứng.

10. Thay đổi bất thường ở mô vú hoặc vùng xung quanh

Bên cạnh những biểu hiện của ung thư vú trên, thay đổi bất thường ở mô vú là một trong những dấu hiệu ung thư vú thường gặp. Trên thực tế, ung thư có thể làm thay đổi cấu trúc mô vú một cách âm thầm, và những thay đổi này đôi khi chỉ có thể nhận ra khi bạn tự kiểm tra kỹ.

Cụ thể, bạn có thể cảm thấy một vùng mô vú dày lên, cứng chắc hơn bình thường. Thay vì mềm mại và đều tay, khu vực đó có thể trở nên gồ ghề, sần sùi hoặc mất đi độ đàn hồi. Nguyên nhân là do tế bào ung thư phát triển và tích tụ, làm mô bị biến đổi và kém linh hoạt.

Ngoài ra, da bên trên vùng mô bất thường cũng có thể bị kéo căng hoặc phồng nhẹ, khiến bạn cảm thấy khó chịu hoặc hơi đau khi sờ vào. Những thay đổi kiểu này cho thấy có thể không chỉ là một khối u đơn lẻ, mà là dấu hiệu của tổn thương lan rộng bên trong mô vú.

Nếu bạn nhận thấy bất kỳ thay đổi nào về độ dày, kết cấu hoặc cảm giác khi chạm vào vú, dù không rõ ràng là khối u, cũng nên đi kiểm tra càng sớm càng tốt. Đây là cách hiệu quả để phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm, khi cơ hội điều trị vẫn còn rất cao.

Phương pháp tầm soát ung thư vú mới nhất

Nhờ tiến bộ trong y học chính xác, công nghệ hình ảnh và sinh học phân tử, tầm soát ung thư vú hiện nay đã vượt xa các phương pháp truyền thống như chụp nhũ ảnh đơn thuần.

Dưới đây là các phương pháp hiện đại, được cập nhật theo xu hướng quốc tế và đang dần được áp dụng tại nhiều cơ sở y tế:

1. Tầm soát cá thể hóa dựa trên nguy cơ

Biểu hiện lâm sàng của ung thư vú rất đa dạng và thường tiến triển âm thầm, có thể chỉ được phát hiện ở giai đoạn muộn. Việc xét nghiệm gen di truyền (ví dụ BRCA1, BRCA2…) kết hợp với đánh giá tiền sử gia đình, tuổi tác, mô vú dày đặc và lối sống (rượu, thuốc lá…) giúp định vị chính xác nhóm nguy cơ.

Từ đó, bác sĩ xây dựng chương trình tầm soát phù hợp: ví dụ chụp MRI vú hàng năm cho người nguy cơ cao, bắt đầu nhũ ảnh sớm hơn khuyến cáo chung, hoặc thậm chí xem xét điều trị dự phòng với phụ nữ mang đột biến gen.

Dựa trên những nguy cơ này, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp tầm soát phù hợp. Ví dụ MRI vú hàng năm cho người có nguy cơ cao, hoặc bắt đầu nhũ ảnh sớm hơn tuổi khuyến cáo đối với người có tiền sử ung thư trong gia đình.

2. Cải tiến trong nhũ ảnh 3D (Tomosynthesis)

So với nhũ ảnh 2D truyền thống, nhũ ảnh 3D (digital breast tomosynthesis) chụp từng lớp mô vú và dựng lại hình ảnh 3 chiều, giúp phát hiện khối u nhỏ mà nhũ ảnh 2D có thể bỏ sót.

Nhũ ảnh 3D cung cấp hình ảnh 3 chiều, giúp phát hiện các khối u nhỏ bị che khuất
Nhũ ảnh 3D cung cấp hình ảnh 3 chiều, giúp phát hiện các khối u nhỏ bị che khuất

Nhũ ảnh 3D đem lại rất nhiều lợi ích, đặc biệt là nhóm phụ nữ có mô vú đặc (nhóm người dễ bỏ sót ung thư). Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cho thấy nhũ ảnh 3D giảm tỉ lệ dương tính giả và tăng độ nhạy trong phát hiện ung thư sớm.

3. Chụp PET-MRI tích hợp

PET-MRI là kỹ thuật kết hợp giữa chụp cộng hưởng từ (MRI) và chụp cắt lớp phát xạ positron (PET), cho hình ảnh giải phẫu và chức năng sinh học của mô vú trong cùng một lần chụp.

PET-MRI là một công nghệ tiên tiến hơn, kết hợp giữa PET và chụp cộng hưởng từ (MRI), mang lại hình ảnh chi tiết về cấu trúc và chức năng của mô mềm, đồng thời giảm thiểu phơi nhiễm bức xạ so với PET/CT.

Tuy nhiên, do chi phí đầu tư cao và yêu cầu kỹ thuật phức tạp, việc triển khai PET-MRI tại Việt Nam vẫn còn hạn chế. Hiện tại, kỹ thuật chụp PET-MRI tích hợp chưa được triển khai rộng rãi tại Việt Nam.

4. Tầm soát ung thư vú bằng xét nghiệm dấu ấn sinh học protein

Một số dấu ấn sinh học protein như CA 15-3, HER2, hoặc MUC1 có thể tăng cao trong máu khi cơ thể xuất hiện tế bào ung thư vú. Các protein này được sản xuất bởi tế bào ung thư hoặc do cơ thể phản ứng với sự hiện diện của khối u.

Tuy nhiên, những dấu ấn sinh học này không hoàn toàn đặc hiệu cho ung thư vú — nghĩa là chúng cũng có thể tăng nhẹ trong một số tình trạng lành tính (như viêm nhiễm, u xơ tuyến vú, bệnh gan, v.v.) hoặc thậm chí ở người khỏe mạnh. Vì vậy, xét nghiệm dấu ấn sinh học protein không được sử dụng đơn lẻ để tầm soát ung thư vú, do có thể dẫn đến kết quả dương tính giả hoặc âm tính giả.

5. Xét nghiệm phân tích ctDNA (circulating tumor DNA)

ctDNA là các đoạn DNA ngắn từ tế bào ung thư phóng thích vào máu. Ngay cả ở giai đoạn rất sớm, khi khối u còn nhỏ và khó phát hiện trên lâm sàng, việc lấy mẫu máu và phân tích ctDNA giúp bác sĩ phát hiện ung thư ở giai đoạn đầu.

Xét nghiệm ctDNA được xem là bước đột phá mới trong tầm soát ung thư vú nhờ tính chất tiện lợi, ít xâm lấn, độ chính xác cao và đặc biệt phù hợp với những bệnh nhân e ngại tiếp xúc với tia xạ.

Các xét nghiệm ctDNA thường được thực hiện thông qua mẫu máu
Các xét nghiệm ctDNA thường được thực hiện thông qua mẫu máu

Hiện nay, phương pháp này đã được triển khai tại nhiều cơ sở y tế ở Việt Nam, điển hình là xét nghiệm SPOT-MAS – một xét nghiệm phân tích các đoạn DNA có nguồn gốc từ khối u do Gene Solutions nghiên cứu và phát triển.

SPOT-MAS chỉ cần một lần lấy máu để vừa đánh giá nguy cơ ung thư vú, vừa khảo sát nguy cơ từ nhiều cơ quan khác. Phương pháp này theo kịp xu thế tầm soát đa cơ quan trên thế giới và ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc sàng lọc ung thư sớm tại Việt Nam.

Kết luận

Ung thư vú là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở nữ giới. Điều đáng mừng là tỉ lệ sống còn sau 5 năm của bệnh nhân ung thư vú có thể lên tới 90% nếu phát hiện ở giai đoạn sớm (theo số liệu từ Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ). Điều này cho thấy, ung thư vú hoàn toàn có thể kiểm soát và điều trị hiệu quả nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Phát hiện sớm chính là yếu tố then chốt giúp bảo vệ sức khỏe, kéo dài tuổi thọ và giảm thiểu biến chứng. Tuy nhiên, thách thức nằm ở chỗ các dấu hiệu ung thư vú ban đầu thường dễ nhầm lẫn với các rối loạn lành tính như viêm tuyến vú, u nang hay thay đổi nội tiết tố.

Vì vậy, hãy chủ động theo dõi cơ thể, tự kiểm tra vú định kỳ tại nhà, khám sàng lọc đúng lịch và không bỏ qua bất kỳ thay đổi bất thường nào ở vùng ngực. Không chờ đến khi có triệu chứng rõ rệt mới đi khám — vì khi đó có thể đã muộn. Nâng cao ý thức và hành động sớm là cách tốt nhất để mỗi người phụ nữ tự bảo vệ chính mình trước căn bệnh này.

 

Công nghệ gen vì sức khoẻ cộng đồng

Facebook
X
LinkedIn

Chuyên gia GENE SOLUTIONS đang lắng nghe bạn !

Chuyên gia GENE SOLUTIONS đang lắng nghe bạn !