Ung thư phổi là một trong những bệnh lý nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao. Tuy nhiên, các dấu hiệu ung thư phổi thường không rõ ràng và dễ bị bỏ qua trong giai đoạn đầu. Chính vì vậy, việc nhận diện những triệu chứng cảnh báo sớm là vô cùng quan trọng.
Tổng quan về ung thư phổi
Ung thư phổi là một trong những loại ung thư phổ biến và nguy hiểm nhất trên toàn cầu. Theo số liệu từ GLOBOCAN, ung thư phổi chiếm khoảng 12,4% tổng số ca ung thư mới (cả nam và nữ) và 18,7% tổng số ca tử vong do ung thư trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, ung thư phổi đứng thứ hai về tỷ lệ tử vong do ung thư, chỉ sau ung thư gan, với tổng cộng 120.184 ca tử vong và 180.480 ca mắc mới trong năm 2022.

Ung thư phổi là gì?
Ung thư phổi (ung thư phế quản phổi) là ung thư xuất phát từ các tế bào biểu mô niêm mạc phế quản, phế nang. Khi các tế bào trong phổi phát triển bất thường và tăng sinh mất kiểm soát, tạo thành khối u ác tính.
Theo thời gian, những khối u này có thể di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể, gây ra biến chứng nghiêm trọng và đe dọa tính mạng người bệnh. Ung thư phổi được chia thành hai nhóm chính:
- Ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC): Chiếm khoảng 85% tổng số ca ung thư phổi, bao gồm các thể như ung thư biểu mô tế bào vảy, ung thư biểu mô tuyến, ung thư biểu mô tế bào lớn,… NSCLC thường phát triển chậm và có tiên lượng tốt hơn so với SCLC.
- Ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC): Chiếm khoảng 15% tổng số ca ung thư phổi, SCLC phát triển nhanh và có khả năng di căn sớm, thường được phát hiện ở giai đoạn muộn.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
- Hút thuốc lá: Đây là yếu tố nguyên nhân quan trọng nhất đối với ung thư phổi. Các chất độc hại trong khói thuốc, bao gồm carbon monoxide, formaldehyde và các hóa chất khác, có thể gây tổn thương tế bào phổi và kích thích sự phát triển của các tế bào ung thư. Khoảng 80% trường hợp ung thư phổi có liên quan trực tiếp đến thói quen hút thuốc, và tỷ lệ này càng cao ở những người hút thuốc lâu năm.
- Ô nhiễm không khí: Môi trường ô nhiễm, đặc biệt là khói bụi, khí thải từ phương tiện giao thông, các nhà máy, và cả khói thuốc thụ động, là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi. Các chất độc hại trong không khí có thể làm tổn thương phổi và tạo điều kiện thuận lợi cho ung thư phát triển.
- Tiếp xúc với chất độc hại: Những người làm việc trong môi trường có chứa các chất gây ung thư như amiăng, radon, hay hóa chất công nghiệp (như benzen, formaldehyde) có nguy cơ cao mắc ung thư phổi. Trong đó, amiăng là một trong những chất độc hại hàng đầu, được biết đến với khả năng gây ung thư phổi đặc biệt là khi tiếp xúc trong thời gian dài.
- Yếu tố di truyền: Dù yếu tố di truyền không phải là nguyên nhân chủ yếu, nhưng nếu trong gia đình có người mắc ung thư phổi, bạn sẽ có nguy cơ cao hơn. Những người mang gen ung thư di truyền hoặc có người thân trực tiếp bị ung thư phổi sẽ phải chú ý hơn đến việc tầm soát và phát hiện sớm bệnh.
- Tuổi tác và giới tính: Ung thư phổi có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất ở người trên 50 tuổi. Nam giới có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn phụ nữ, tuy nhiên tỷ lệ này đang có xu hướng giảm dần do sự gia tăng số lượng phụ nữ hút thuốc.
- Các bệnh lý nền: Các bệnh lý phổi mãn tính như viêm phổi mãn tính hay bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư phổi. Ngoài ra, các tổn thương lâu dài do viêm nhiễm hoặc tắc nghẽn đường thở có thể làm suy yếu chức năng phổi và tạo điều kiện cho ung thư phát triển.

Lưu ý, mặc dù những yếu tố nêu trên có thể làm tăng khả năng mắc ung thư phổi, không phải tất cả những người có yếu tố nguy cơ đều sẽ bị bệnh. Ngược lại, một số người không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào vẫn có thể mắc ung thư phổi.
Vì vậy, việc tầm soát định kỳ và nhận diện sớm các dấu hiệu ung thư phổi là vô cùng quan trọng. Việc phát hiện sớm sẽ giúp bác sĩ can thiệp kịp thời, nâng cao hiệu quả điều trị và tăng khả năng chữa khỏi bệnh.
8 dấu hiệu ung thư phổi thường gặp
Ung thư phổi thường phát triển âm thầm trong cơ thể và không biểu hiện ung thư phổi rõ ràng trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển, cơ thể có thể xuất hiện một số dấu hiệu cảnh báo. Dưới đây là 8 dấu hiệu ung thư phổi phổ biến mà người bệnh có thể gặp phải:
1. Ho kéo dài
Mặc dù ho là một phản ứng tự nhiên của cơ thể để loại bỏ chất kích thích hoặc vi khuẩn trong đường hô hấp, nhưng khi ho kéo dài, đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn.
Ung thư phổi có thể bắt đầu từ các tế bào nhỏ trong phổi và phát triển âm thầm trong thời gian dài. Một trong những triệu chứng ban đầu của bệnh có thể là ho kéo dài. Khi khối u trong phổi lớn dần, nó có thể kích thích các dây thần kinh trong phổi hoặc gây tắc nghẽn các đường hô hấp, dẫn đến ho dai dẳng.
2. Ho ra máu hoặc đờm lẫn máu
Ho ra máu, dù là một lượng nhỏ, cũng là một dấu hiệu của ung thư phổi không thể bỏ qua và cần phải được khám ngay. Điều này có thể xảy ra khi khối u trong phổi phát triển và gây tổn thương cho mạch máu. Khi các mạch máu này bị vỡ, máu sẽ lẫn trong đờm và theo ho ra ngoài.
Mặc dù một lượng máu nhỏ có thể không phải lúc nào cũng nguy hiểm, nhưng đây là một dấu hiệu quan trọng cần được kiểm tra. Ngay cả khi chỉ có một chút máu trong đờm, bạn cũng không nên chủ quan, vì đó có thể là dấu hiệu ung thư phổi hoặc các bệnh lý nghiêm trọng khác như viêm phổi, viêm phế quản, hoặc các vấn đề về tim mạch.
3. Thường xuyên đau ngực
Đau ngực là một triệu chứng thường gặp ở những người mắc ung thư phổi và có thể xuất hiện ở các giai đoạn khác nhau của bệnh. Cảm giác đau hoặc tức ngực có thể do khối u trong phổi gây áp lực lên các mô xung quanh phổi, hoặc tác động lên các dây thần kinh và cơ quan trong vùng ngực. Khi khối u phát triển và lan rộng, nó có thể làm tổn thương các mô lân cận hoặc thậm chí xâm lấn vào các cấu trúc khác, dẫn đến những cơn đau tại vùng ngực.
Đau ngực do ung thư phổi thường không liên quan đến các vấn đề tim mạch như nhồi máu cơ tim hay đau thắt ngực. Thay vào đó, nó chủ yếu xuất phát từ sự phát triển của khối u lên các mô mềm hoặc cấu trúc xung quanh phổi.
4. Khó thở & thở dốc
Khó thở và thở dốc là những triệu chứng phổ biến khi ung thư phổi tiến triển. Khi khối u phát triển, nó có thể chèn ép lên các phế quản hoặc mô phổi, làm hẹp hoặc tắc nghẽn các đường thở, dẫn đến tình trạng khó thở.
Những thay đổi này có thể khiến bệnh nhân cảm thấy khó thở ngay cả khi thực hiện những hoạt động nhẹ nhàng, như đi bộ, leo cầu thang hoặc thậm chí khi nghỉ ngơi.
5. Khàn giọng kéo dài
Khàn giọng thường bị bỏ qua vì nhiều người cho rằng đó chỉ là biểu hiện của cảm lạnh hoặc viêm họng thông thường. Tuy nhiên, nếu giọng nói thay đổi kéo dài không thuyên giảm – đặc biệt khi không đi kèm triệu chứng nhiễm trùng như sốt hay đau họng, thì đây có thể là tín hiệu cảnh báo sớm của ung thư phổi.
Một số khối u trong phổi có thể chèn ép hoặc làm tổn thương dây thần kinh quặt ngược. Khi dây thần kinh này bị ảnh hưởng, người bệnh có thể bị khàn tiếng, nói yếu hoặc thậm chí mất giọng.
6. Giảm cân không rõ nguyên nhân
Ở giai đoạn tiến triển, ung thư phổi có thể gây ra hàng loạt biến đổi trong cơ thể. Một trong số đó là rối loạn chuyển hóa, làm cơ thể tiêu hao năng lượng nhiều hơn bình thường ngay cả khi bạn không hoạt động gì đặc biệt. Ngoài ra, khối u cũng có thể làm giảm cảm giác thèm ăn, gây buồn nôn, chán ăn hoặc khiến bạn ăn rất ít mà vẫn cảm thấy no. Hậu quả là người bệnh giảm cân nhanh chóng, thậm chí gầy sút thấy rõ chỉ trong vài tuần.
7. Mệt mỏi & suy nhược
Người mắc ung thư phổi thường trải qua tình trạng suy nhược toàn thân do cơ thể liên tục tiêu hao năng lượng để chống lại tế bào ung thư. Ngoài ra, các yếu tố như thiếu oxy, rối loạn chuyển hóa, mất ngủ do ho nhiều về đêm, hoặc tác dụng phụ của các phản ứng viêm cũng góp phần khiến cơ thể người bệnh rơi vào trạng thái kiệt quệ.

8. Nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên
Một trong những dấu hiệu ung thư phổi dễ nhận thấy là sự xuất hiện của các triệu chứng do nhiễm trùng đường hô hấp, như viêm phổi hoặc viêm phế quản. Những người mắc ung thư phổi có hệ miễn dịch yếu hơn, dễ bị nhiễm trùng.
Nếu bạn xuất hiện những dấu hiệu bất thường về hô hấp như ho, sốt và cảm lạnh; đặc biệt là khi những triệu chứng này không dứt và kèm với các dấu hiệu bất thường khác, hãy đi kiểm tra để loại trừ trường hợp mắc ung thư phổi.
Khi nào nên đi khám và tầm soát ung thư phổi?
Ung thư không chừa một ai. Với ung thư phổi, việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm có thể tạo ra khác biệt lớn về khả năng điều trị và tiên lượng sống. Chính vì vậy, chủ động thăm khám và tầm soát định kỳ là bước đi cần thiết để bảo vệ sức khỏe.
1. Đối tượng nguy cơ cao
Nếu thuộc một trong các nhóm dưới đây, nguy cơ mắc ung thư phổi của bạn có thể cao hơn người bình thường:
- Hút thuốc lá thường xuyên hoặc đã từng hút thuốc trong nhiều năm;
- Thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc thụ động;
- Làm việc trong môi trường có hóa chất độc hại như bụi amiăng, radon, khói công nghiệp;
- Có người thân trong gia đình từng mắc ung thư phổi;
- Trên 50 tuổi, đặc biệt là nam giới.
Theo Hướng dẫn của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society, 2023), những người từ 50 đến 80 tuổi, có lịch sư hút thuốc tối thiểu 20 gói/năm, và hiện đang hút hoặc đã bỏ trong vòng 15 năm, nên được tầm soát ung thư phổi mỗi năm một lần bằng phương pháp chụp CT liều thấp (LDCT) – ngay cả khi không có các dấu hiệu ung thư phổi nêu ở phía trên.
2. Người không thuộc nhóm nguy cơ cao
Dù không thuộc nhóm nguy cơ cao, bạn vẫn có thể mắc ung thư phổi, nhất là khi sống trong môi trường ô nhiễm hoặc tiếp xúc kéo dài với hóa chất độc hại. Theo hướng dẫn của Mạng lưới Ung thư Toàn diện Quốc gia (NCCN), tầm soát ung thư phổi bằng chụp CT liều thấp chỉ được khuyến nghị cho người có yếu tố nguy cơ cao, như hút thuốc lâu năm hoặc có tiền sử bỏ thuốc dưới 15 năm.
Với người không có nguy cơ cao, việc tầm soát sẽ không được thực hiện định kỳ theo lịch cố định, mà nên căn cứ vào tình trạng sức khỏe, triệu chứng xuất hiện bất thường, hoặc chỉ định cụ thể từ bác sĩ chuyên khoa
Các phương pháp tầm soát ung thư phổi hiện đại
Tầm soát ung thư phổi là một bước quan trọng trong việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, khi các dấu hiệu ung thư phổi chưa rõ ràng. Việc phát hiện sớm giúp tăng cơ hội điều trị thành công và cải thiện chất lượng sống của người bệnh. Dưới đây là các phương pháp tầm soát ung thư phổi hiện đại, giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác và kịp thời:
1. Chụp CT Scan lồng ngực
Chụp CT scan lồng ngực liều thấp (Low-dose CT) là phương pháp tầm soát được khuyến cáo hàng đầu trong phát hiện sớm ung thư phổi, đặc biệt với nhóm có nguy cơ cao như người hút thuốc lâu năm hoặc tiếp xúc với môi trường độc hại.
Phương pháp này sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh chi tiết của phổi và các cơ quan lân cận. Ưu điểm lớn nhất của CT scan là khả năng phát hiện các khối u nhỏ chỉ vài milimet, mà chụp X-quang thông thường dễ bỏ sót.
Không chỉ cho thấy tổn thương trong nhu mô phổi, CT scan còn giúp bác sĩ quan sát rõ cấu trúc giải phẫu: vị trí, kích thước và đặc điểm của khối u, hỗ trợ chẩn đoán chính xác và theo dõi tiến triển bệnh.
Ngoài ra, phương pháp này còn cung cấp hình ảnh của hạch bạch huyết, màng phổi và các vùng lân cận, giúp phát hiện sớm nguy cơ di căn. Đây là yếu tố then chốt trong điều trị kịp thời và hiệu quả.
2. Xét nghiệm DNA ngoại bào
Xét nghiệm DNA ngoại bào giải phóng từ nguồn gốc tễ bào ung thư (ctDNA – circulating tumor DNA) là một phương pháp hiện đại giúp phát hiện sớm ung thư phổi thông qua mẫu máu. Đây là một dạng “sinh thiết lỏng”, đang được ứng dụng ngày càng rộng rãi nhờ tính an toàn và ít xâm lấn.

Trong quá trình hình thành và phát triển, tế bào ung thư cũng như tế bào bình thường sẽ chết theo chương trình và giải phóng những đoạn DNA tự do vào máu, ngoài ra tế bào ung thư cũng có thể tiết DNA tự do thông qua quá trình hoại tự và tự chế tiết. Các đoạn ctDNA có nguồn gốc từ tế bào ung thư mang những đặc trưng của tế bào ung thư có thể được nhận diện thông qua kỹ thuật sinh học phân tử. Nhờ đó, bác sĩ có thể phát hiện dấu hiệu ung thư từ rất sớm, ngay cả khi khối u chưa đủ lớn để thấy trên hình ảnh chẩn đoán.
Xét nghiệm ctDNA đặc biệt phù hợp với những người không thể thực hiện chụp CT scan, như phụ nữ mang thai, người dị ứng với thuốc cản quang, hoặc người có tổn thương phổi không thể tiếp xúc thêm với tia X.
Tại Việt Nam, SPOT-MAS của Gene Solutions là một trong những sản phẩm xét nghiệm ctDNA nổi bật nhất hiện nay. Công nghệ này sử dụng giải trình tự gen thế hệ mới (NGS) kết hợp trí tuệ nhận tạo (AI) để phân tích các dấu hiệu di truyền bất thường trong máu liên quan đến ung thư.
Hiện SPOT-MAS có hai gói chính:
- SPOT-MAS 10: Tầm soát đa ung thư, phát hiện sớm 10 loại ung thư phổ biến, bao gồm cả ung thư phổi.
- SPOT-MAS Lung: Tầm soát chuyên biệt ung thư phổi, dành cho người có nguy cơ cao hoặc nghi ngờ ban đầu.
SPOT-MAS đã được triển khai tại nhiều cơ sở y tế lớn trên cả nước, trong đó có các bệnh viện tuyến trung ương chuyên sâu về ung bướu.
3. Nội soi phế quản
Nội soi phế quản là một kỹ thuật chẩn đoán có xâm lấn nhẹ, cho phép bác sĩ kiểm tra trực tiếp bên trong đường hô hấp để phát hiện các bất thường mà các phương pháp hình ảnh như X-quang hay CT scan có thể bỏ sót.
Trong quá trình thực hiện, bác sĩ sử dụng một ống nội soi mềm, đầu gắn camera, đưa qua đường mũi hoặc miệng vào sâu bên trong phế quản. Nhờ hình ảnh rõ nét từ thiết bị, bác sĩ có thể phát hiện sớm các tổn thương nhỏ, khối u hoặc vùng nghi ngờ.
Nếu cần, bác sĩ cũng có thể lấy mẫu mô hoặc dịch từ phổi để sinh thiết, giúp phân tích tính chất của tổn thương – lành tính hay ác tính. Nội soi phế quản thường được chỉ định khi người bệnh có triệu chứng dai dẳng như ho ra máu, khó thở, hoặc khi hình ảnh CT chưa đủ rõ ràng để đưa ra chẩn đoán chính xác hơn.
Xem thêm: Chi phí tầm soát ung thư phổi
Câu hỏi thường gặp (FAQ)
Câu hỏi 1: Dấu hiệu ung thư phổi và bệnh phổi khác dễ nhầm lẫn như thế nào?
Một trong những thách thức lớn trong việc phát hiện sớm ung thư phổi là nhiều triệu chứng ban đầu của bệnh rất dễ bị nhầm với các bệnh lý hô hấp thông thường. Điều này có thể khiến người bệnh chủ quan hoặc chẩn đoán bị chậm trễ.
Dưới đây là một số ví dụ dễ nhầm lẫn:
- Ho kéo dài, ho có đờm: Đây là triệu chứng phổ biến trong các bệnh như viêm phế quản mạn tính hoặc COPD. Tuy nhiên, nếu ho kéo dài không dứt, đặc biệt ho ra máu hoặc ho dai dẳng dù đã điều trị, cần nghi ngờ ung thư phổi.
- Khó thở: Có thể xuất hiện ở người bị hen suyễn, viêm phổi hoặc COPD. Nhưng nếu khó thở đi kèm đau ngực, mệt mỏi kéo dài hoặc sụt cân không rõ lý do, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo khối u trong phổi đang gây chèn ép hoặc xâm lấn.
- Đau ngực: Không phải lúc nào đau ngực cũng là dấu hiệu của bệnh tim. Trong ung thư phổi, đau ngực âm ỉ, kéo dài hoặc đau tăng lên khi ho, hít sâu cũng là một biểu hiện cần đặc biệt lưu tâm – nhất là khi đi kèm với các triệu chứng bất thường khác.
Chính vì sự giống nhau này, nhiều người dễ nhầm lẫn và bỏ qua giai đoạn vàng để chẩn đoán sớm. Nếu bạn gặp các triệu chứng hô hấp kéo dài trên 2–3 tuần, không cải thiện dù đã điều trị, hãy đến cơ sở y tế để được thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết.
Câu hỏi 2: Dấu hiệu bị ung thư phổi có xuất hiện khi còn trẻ không?
Dù ung thư phổi thường gặp ở người trên 50 tuổi, nhưng người trẻ tuổi hoàn toàn vẫn có thể mắc bệnh, đặc biệt nếu có các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc thụ động hoặc môi trường ô nhiễm.
Điều đáng lo ngại là ở người trẻ, các dấu hiệu ung thư phổi ban đầu thường bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với bệnh hô hấp thông thường, do tâm lý chủ quan “tuổi này thì sao mắc ung thư được?”. Chính sự chủ quan đó có thể khiến bệnh bị phát hiện muộn, làm giảm cơ hội điều trị hiệu quả.
Vì vậy, dù bạn còn trẻ, nếu gặp các dấu hiệu như ho kéo dài, ho ra máu, đau ngực không rõ nguyên nhân, khó thở dai dẳng hoặc sụt cân không kiểm soát, hãy chủ động đi khám để được kiểm tra sớm. Việc tầm soát không dành riêng cho người lớn tuổi – phát hiện kịp thời là yếu tố quyết định, bất kể ở độ tuổi nào.
Câu hỏi 3: Tôi cần làm xét nghiệm nào để tầm soát ung thư phổi?
Hiện nay, có một số phương pháp tầm soát ung thư phổi đã được chứng minh hiệu quả, đặc biệt khi áp dụng cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao như: Chụp CT scan lồng ngực liều thấp (Low-dose CT), xét nghiệm máu ctDNA (SPOT-MAS Lung), nội soi phế quản.
Tùy vào độ tuổi, tiền sử bệnh lý và mức độ nguy cơ của từng người, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp phù hợp nhất. Nếu bạn thuộc nhóm có nguy cơ cao như người hút thuốc lâu năm, có người thân từng mắc ung thư phổi, hoặc có triệu chứng của ung thư phổi – hãy chủ động đi khám để được tư vấn và tầm soát kịp thời.

Câu hỏi 4: Nếu không có triệu chứng, bao lâu nên tầm soát lại ung thư phổi?
Ngay cả khi không có triệu chứng, nếu thuộc nhóm có nguy cơ cao, việc tầm soát định kỳ vẫn rất cần thiết để phát hiện sớm ung thư phổi.
Theo khuyến nghị của nhiều tổ chức y tế, chúng ta nên thực hiện chụp CT scan lồng ngực liều thấp mỗi năm một lần, nếu thuộc nhóm sau:
- Từ 50 tuổi trở lên
- Có tiền sử hút thuốc ≥ 20 gói/năm, đang hút hoặc đã ngừng trong vòng 15 năm trở lại
Thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc thụ động, môi trường ô nhiễm, hóa chất độc hạiTần suất tầm soát có thể điều chỉnh tùy theo tình trạng sức khỏe tổng quát, kết quả các lần tầm soát trước, và đánh giá cá nhân của bác sĩ. Trong trường hợp không chắc mình có nằm trong nhóm nguy cơ cao hay không, hoặc từng tầm soát rồi nhưng chưa rõ khi nào nên kiểm tra lại.
Xem thêm các thông tin truyền thông của Gene Solutions tại ĐÂY
Kết luận
Dấu hiệu ung thư phổi thường không rõ ràng và dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác, nhưng việc nhận diện sớm có thể giúp tăng cơ hội điều trị thành công. Nếu bạn gặp phải các triệu chứng như ho kéo dài, đau ngực, hoặc khó thở, hãy đi khám bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Việc chủ động theo dõi giúp bạn không bỏ lỡ thời điểm “vàng” để phát hiện và điều trị bệnh hiệu quả.