Search

Bệnh xơ cứng củ

Bệnh xơ cứng củ là gì?

Bệnh xơ cứng củ (Tuberous sclerosis complex – TSC) là một bệnh lý di truyền trội trên nhiễm sắc thể thường, liên quan đến đột biến một trong hai gen TSC1 và TSC2. Bệnh đặc trưng bởi những thay đổi ở nhiều cơ quan trong cơ thể, phổ biến là da, tim, thận, phổi, mắt, hệ thần kinh trung ương, xương với sự xuất hiện u mô thừa lành tính (không phải ung thư).

Bệnh xơ cứng củ 1
Xơ cứng củ là bệnh do bất thường gen thường không di truyền và chưa có phương pháp điều trị triệt để (Nguồn: Freepik)

Bệnh xơ cứng củ được nhắc đến lần đầu tiên vào năm 1862, trong báo cáo của giáo sư người Đức – Von Recklinghausen về những tổn thương tim của một bệnh nhân. Năm 1880, bác sĩ người Pháp – Désiré-Magloire Bourneville đã mô tả chi tiết hơn và sử dụng thuật ngữ “ Sclerose Tubereuse” để mô tả một bệnh nhân 15 tuổi mắc bệnh động kinh khó chữa, có các các nốt ở vỏ não. Đến năm 1908, bác sĩ thần kinh học người Đức – Heinrich Vogt đã mô tả tam chứng lâm sàng của bệnh xơ cứng củ gồm: động kinh (epilepsy), u tuyến bã/ u tuyến sợi vùng mặt (adenoma sebaceum) và chậm phát triển trí tuệ (mental retardation).

Nguyên nhân gây bệnh xơ cứng củ

Về mặt di truyền học, nguyên nhân gây bệnh xơ cứng củ được xác định là do đột biến gen TSC1 hoặc TSC2.
Gen TSC1 nằm trên nhánh dài (q) của nhiễm sắc thể số 9 (9q34), TSC2 nằm trên nhánh ngắn (p) của nhiễm sắc thể 16 (16p13). Các gen TSC1 và TSC2 tham gia mã hóa protein hamartin và tuberin. Trong tế bào, hai loại protein này phối hợp với nhau để giúp điều chỉnh sự phát triển, phân chia tế bào và kích thước tế bào. Các protein này hoạt động như các chất ức chế khối u, thường ngăn chặn các tế bào phát triển và phân chia quá nhanh hoặc không kiểm soát được.
Trẻ mắc bệnh có thể thừa hưởng các đột biến gen gây bệnh xơ cứng củ từ cha hoặc mẹ. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy, hầu hết các trường hợp mắc xơ cứng củ thuộc loại đột biến mới de novo xảy ra tại thời điểm hình thành trứng hoặc tinh trùng mà không do di truyền, không có yếu tố tiền sử gia đình.

Triệu chứng của bệnh xơ cứng củ

Xơ cứng củ có các triệu chứng rất đa dạng, với mức độ nghiêm trọng của từng triệu chứng ở mỗi người mỗi khác, ngay cả giữa các thành viên trong cùng một gia đình cũng khác nhau.
Ở mức độ nhẹ, bệnh xơ cứng củ có thể không gây ra nhiều triệu chứng đáng kể, ít làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên, ở mức độ nặng, người bệnh xơ cứng củ có thể gây ra nhiều triệu chứng đa dạng ở các cơ quan khác nhau, cùng nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí có thể đe dọa tính mạng nếu không được can thiệp đúng cách và kịp thời.

– Triệu chứng trên da của bệnh xơ cứng củ:
Gần như tất cả những người mắc bệnh xơ cứng củ đều xuất hiện các dấu hiệu bất thường trên da. Ở trẻ sơ sinh, thường có các mảng hoặc đốm trắng (vết giảm sắc tố) trên da khi mới sinh. Những mảng da bất thường này khác nhau về kích thước và hình dạng, đôi khi có thể khá nhỏ và khó nhận thấy ở trẻ sơ sinh, nhất là những trẻ có làn da trắng. Triệu chứng này thường xuất hiện trên da cánh tay, chân và thân của cơ thể trẻ sơ sinh. Các mảng da có thể có màu trắng rõ ràng hoặc có thể có màu nhạt hơn so với vùng da xung quanh.

Bệnh xơ cứng củ 3

Những khối u lồi trên da giống mụn thịt, có màu đỏ sậm xuất hiện trên vùng mặt, là triệu chứng có thể gặp ở người bệnh xơ cứng củ (Nguồn: NCBI)

Ở độ tuổi từ 3 – 5 tuổi, trên mặt trẻ có thể xuất hiện những vết sưng nhỏ hoặc đốm đỏ gọi là u xơ mạch. Các u xơ mạch trên mặt do xơ cứng cổ có xu hướng nhiều hơn và lớn hơn theo sự phát triển của trẻ nhỏ cho đến tuổi thiếu niên.
Trong một số trường hợp, vết phát ban trên da có thể phát triển thành hình dạng bất thường, dày lên và có màu thịt gọi là mảng da nhám. Triệu chứng này thường xuất hiện ở thắt lưng.
Tuy ít gặp nhưng bệnh xơ cứng củ có thể biểu hiện ở các vùng da khác như trán, da đầu hoặc má dẫn đến tình trạng rụng tóc, hoặc có thể phát triển các khối u lành tính nhỏ xung quanh hoặc dưới móng tay, chân gọi là u xơ móng.
– Triệu chứng về hệ thần kinh trung ương của bệnh xơ cứng củ:
Động kinh, co giật từng cơn là triệu chứng thường gặp nhất về hệ thần kinh trung ương do bệnh xơ cứng củ gây ra. Thống kê cho thấy, khoảng 80% người mắc bệnh xơ cứng củ từng lên cơn động kinh, bị co giật từ lúc nhỏ.
Bên cạnh đó, bệnh xơ cứng củ còn gây ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của trẻ, hoặc rối loạn tâm – thần kinh như tự kỷ, tăng động giảm chú ý (ADHD), rối loạn cảm xúc…
– Triệu chứng trên thận, tim, phổi, mắt của bệnh xơ cứng củ:
Bệnh xơ cứng củ có thể là nguyên nhân dẫn đến sự hình thành của u mạch máu lành tính, làm ảnh hưởng đến thận, tim, phổi, võng mạc… mà ít có triệu chứng điển hình ở giai đoạn sớm.

Chẩn đoán bệnh xơ cứng củ

Việc chẩn đoán bệnh xơ cứng củ dựa trên nhiều tiêu chí lâm sàng, bao gồm xác định các dấu hiệu và triệu chứng, xem xét tiền sử gia đình kết hợp chẩn đoán hình ảnh chụp cắt lớp vi tính CT scan hoặc cộng hưởng từ – MRI (đặc biệt là MRI não) và siêu âm tim, gan, thận, phổi… để đánh giá những bất thường hoặc sự hiện diện của khối u trong cơ thể. Cụ thể:
– Não: u nhỏ dưới màng não thất, u sao bào khổng lồ dưới màng não thất, củ trong vỏ não.
– Thận: u cơ mỡ mạch, u nang thận, ung thư biểu mô tế bào thận.
– Tim: u cơ vân tim, u sợi, u quái, u nhầy, u mạch máu…
– Phổi: u cơ trơn bạch huyết (LAM), MMPH.

Bệnh xơ cứng củ 5

Hình ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI) não cho thấy u sao bào khổng lồ dưới màng não thất ở một bệnh nhân xơ cứng củ (Nguồn: NCBI)

Trẻ từng bị động kinh, co giật từng cơn và chậm phát triển có thể là dấu hiệu đầu tiên để nghi ngờ bệnh xơ cứng củ. Đồng thời bác sĩ chẩn đoán tình trạng này thông qua việc kiểm tra da, móng tay, móng chân, răng, nướu và mắt.
Ở trẻ sơ sinh, có thể nghi ngờ trẻ mắc bệnh xơ cứng củ nếu trẻ bị u cơ vân tim bẩm sinh hoặc xuất hiện cơn co giật trong sáu tháng đầu đời. Bằng cách kiểm tra cẩn thận da và não, bác sĩ cũng có thể chẩn đoán được bệnh xơ cứng củ ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nhiều trẻ em không được chẩn đoán cho đến khi các cơn động kinh cùng nhiều triệu chứng khác xuất hiện sau này.

Phương pháp điều trị bệnh xơ cứng củ

Hiện nay, bệnh xơ cứng củ chưa thể điều trị triệt để. Các phương pháp được áp dụng chủ yếu là điều trị triệu chứng, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, hạn chế đến mức thấp nhất tác động của bệnh đến sinh hoạt và sự phát triển của trẻ.
Trong đó, thuốc chống động kinh là liệu pháp phổ biến được lựa chọn để kiểm soát cơn co giật ở những bệnh nhân xuất hiện tổn thương hệ thần kinh trung ương. Ngoài ra, một số trường hợp nặng có thể cần can thiệp phẫu thuật để loại bỏ khối u.
Đáng lưu ý, bệnh xơ cứng củ không thể chữa khỏi, và người bệnh phải chung sống suốt đời với tình trạng này. Do đó, người bệnh cần thăm khám định kỳ và tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ một cách nghiêm ngặt để ngăn ngừa các triệu chứng tái phát hoặc trở nặng không kiểm soát.

Tư vấn di truyền

Bệnh xơ cứng củ là bệnh lý di truyền trội trên nhiễm sắc thể thường. Nếu một người mắc bệnh xơ cứng củ, khi sinh con sẽ có 50% khả năng di truyền bệnh sang con. Trong trường hợp bố hoặc mẹ là người mắc bệnh xơ cứng củ, nếu mang thai tự nhiên nên cân nhắc các phương pháp chẩn đoán trước sinh (như sinh thiết gai nhau – CVS, chọc dò nước ối) để chẩn đoán bệnh cho thai. Hoặc bố mẹ có thể lựa chọn phương pháp thụ tinh nhân tạo IVF và chẩn đoán di truyền phôi PGD/PGT – M.
Tuy nhiên phần lớn bệnh xơ cứng củ là do các đột biến mới (đột biến De novo) xảy ra trong quá trình tạo phôi. Tuổi cha cao được chứng minh là có liên quan đến với các biến thể gây bệnh của hội chứng này. Nếu cha và mẹ xét nghiệm không có đột biến gen gây bệnh (thai/trẻ mắc bệnh mang đột biến de novo) thì tỉ lệ có con lần sau mang đột biến gen tăng khoảng 1-2%, do thể khảm khu trú tế bào sinh dục cần sàng lọc hoặc chẩn đoán trước sinh.

Cách tầm soát sớm bệnh xơ cứng củ

Bệnh xơ cứng củ chưa có biện pháp phòng ngừa, nhưng có thể phát hiện sớm từ trong bào thai, thông qua một số xét nghiệm di truyền trước khi sinh, chẳng hạn như xét nghiệm NIPT triSure Procare của Gene Solutions.
Xét nghiệm triSure Procare sử dụng công nghệ giải trình tự thế hệ mới có độ phủ sâu nhằm phát hiện đồng thời nhiều bất thường di truyền trên DNA ngoại bào của thai nhi (cell-free DNA).

Bệnh xơ cứng củ 7

Xét nghiệm triSure Procare giúp thai phụ chủ động phát hiện sớm bệnh xơ cứng củ để can thiệp kịp thời trước những ảnh hưởng của bệnh đến sức khỏe trẻ

Điểm nổi bật của triSure Procare là sàng lọc toàn diện các loại bất thường di truyền nguy hiểm gồm 27 bất thường số lượng nhiễm sắc thể cho thai, 01 mất đoạn phổ biến duy nhất được khuyến cáo sàng lọc liên quan hội chứng DiGeorge cho thai, 7.000 đột biến gây bệnh liên quan 25 bệnh đơn gen trội phổ biến nhất cho thai, 2.800 đột biến gây bệnh liên quan 9 bệnh di truyền lặn đơn gen cho mẹ.
Đáng lưu ý, xét nghiệm triSure Procare có ý nghĩa quan trọng khi có thể phát hiện được các đột biến gen mới de novo gây bệnh nặng và xuất hiện ngẫu nhiên trong quá trình hình thành bào thai, không di truyền từ cha mẹ sang con hay tiền căn gia đình, trong đó có cả bệnh xơ cứng củ với những biến đổi bất thường của hai nhóm gene TSC1 và TSC2.
Thời điểm thai phụ có thể thực hiện xét nghiệm triSure Procare là khi thai 9 tuần tuổi, chỉ với một lần thu máu duy nhất, an toàn và không xâm lấn. Kết quả trả về chỉ sau 5-7 ngày làm việc.
Theo các chuyên gia y tế, việc sàng lọc sớm bệnh xơ cứng củ bằng xét nghiệm NIPT triSure Procare có ý nghĩa quan trọng trong việc phát hiện bệnh sớm để theo dõi, can thiệp kịp thời để điều trị hiệu quả cho trẻ về sau.

Nguồn tham khảo thông tin:
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4080684/ 
https://academic.oup.com/hmg/article/10/25/2899/571338 
https://rarediseases.org/rare-diseases/tuberous-sclerosis/ 
https://www.ninds.nih.gov/health-information/disorders/tuberous-sclerosis-complex 

Gene Solution Việt Nam

Công nghệ gen vì sức khoẻ cộng đồng

Slide 1 Heading
Lorem ipsum dolor sit amet consectetur adipiscing elit dolor
Click Here
Slide 2 Heading
Lorem ipsum dolor sit amet consectetur adipiscing elit dolor
Click Here
Slide 3 Heading
Lorem ipsum dolor sit amet consectetur adipiscing elit dolor
Click Here
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Nội dung bài viết

Chuyên gia GENE SOLUTIONS đang lắng nghe bạn !