Tại Hội thảo Quốc gia Phòng chống Ung thư lần thứ 20, Gene Solutions đã trình bày một báo cáo quan trọng, hứa hẹn tạo nên bước đột phá trong tầm soát và phòng trị ung thư.
TS. Trần Lê Sơn tham gia báo cáo với đề tài “Đánh giá công nghệ SPOT-MAS™ – sinh thiết lỏng phát hiện đồng thời 5 loại ung thư phổ biến từ giai đoạn sớm”
Hội thảo do Bệnh viện K phối hợp với Hội Ung thư Việt Nam tổ chức vào ngày 29 – 30/9/2022, với chủ đề “Ung thư và miễn dịch”.
Đến tham dự có lãnh đạo Hội Ung thư Việt Nam; lãnh đạo các Vụ, Cục, Văn phòng Bộ Y tế; Ban lãnh đạo Bệnh viện K và gần 500 chuyên gia trong nước và quốc tế như: Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Úc, Philipines, Pakistan, cùng đông đảo đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí.
SPOT-MAS™ – Công nghệ gen phát hiện sớm ung thư qua một lần thu máu
Trong khuôn khổ Hội thảo, TS. Trần Lê Sơn, Viện Di truyền Y học – Gene Solutions, tham gia báo cáo tại phiên “Miễn dịch, giải phẫu bệnh và sinh học phân tử”, với đề tài “Đánh giá công nghệ SPOT-MAS™ – sinh thiết lỏng phát hiện đồng thời 5 loại ung thư phổ biến từ giai đoạn sớm”. Chuyên đề nhận được sự quan tâm lớn từ các đại biểu.
Báo cáo dẫn kết quả nghiên cứu của SEER (2008 – 2014), Hiệp hội Ung thư Mỹ, về tỷ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân ung thư theo từng giai đoạn. Nếu được phát hiện trong giai đoạn Khu trú, tỷ lệ sống của bệnh nhân lên đến 90,9%. Tỷ lệ này giảm còn 65,4% ở giai đoạn Lan toả, và 26,2% ở giai đoạn Di căn xa.
TS. Trần Lê Sơn, Viện Di truyền Y học – Gene Solutions, tham gia báo cáo tại phiên “Miễn dịch, giải phẫu bệnh và sinh học phân tử”
Cũng theo SEER, 71% số ca tử vong do ung thư đến từ các chứng ung thư không được tầm soát.
Hiện 80% bệnh nhân ung thư Việt Nam được phát hiện ở giai đoạn muộn, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. Việt Nam cũng chưa có chương trình tầm soát ung thư quy mô cho cộng đồng.
Các phương pháp tầm soát hiện nay tồn tại nhiều hạn chế như:
- Tỷ lệ dương tính giả cao (độ đặc hiệu thấp), dẫn đến hậu quả là chẩn đoán quá mức, điều trị quá tay.
- Độ nhạy thấp, nên không phát hiện được ung thư ở giai đoạn sớm
- Xét nghiệm mang tính xâm lấn, khiến người dân e ngại
- Khó phân tích kết quả, nên không thể triển khai đồng bộ nhiều nơi
- Khảo sát đơn cơ quan, dẫn đến bỏ sót nhiều cơ quan, tốn kém vì phải làm nhiều xét nghiệm để khảo sát nhiều vùng cơ thể
Công nghệ SPOT-MAS™ (Screening for Presence of Tumor by Methylation and Size of ctDNA) do Gene Solutions – Viện Di truyền Y học phát triển hứa hẹn khắc phục được các hạn chế trên của các phương pháp truyền thống. SPOT-MAS™ hoạt động dựa trên phân tích các biến đổi đặc trưng của ctDNA (circulating tumor DNA) – DNA do khối u phóng thích vào máu.
ctDNA được phân biệt với các phân tử DNA tự do khác (cell free DNA – cfDNA) trong máu dựa trên các chỉ điểm phân tử đặc trưng như: biến đổi methyl hoá tại các vùng gen mục tiêu; biến đổi methyl hoá trên toàn bộ bộ gen; bất thường số lượng bản sao và kích thước đặc trưng. Công nghệ SPOT-MAS™ có thể phân tích đồng thời 4 chỉ điểm trên từ 1 lần thu máu. Dựa trên bộ dữ liệu đã phân tích của 4 chỉ điểm kết hợp với thuật toán máy học tiên tiến, SPOT-MAS™ phát hiện mẫu máu có tín hiệu của ctDNA và xác định vị trí khối u.
SPOT-MAS™ đạt hiệu quả cao trong phát hiện 5 loại ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay (gan, phổi, vú, dạ dày, đại trực tràng), với độ nhạy 73,9% và độ đặc hiệu 95,9%. Công nghệ SPOT-MAS™ sở hữu những ưu điểm vượt trội: không xâm lấn, độ chính xác cao, phát hiện đồng thời nhiều dạng ung thư chỉ sau 1 lần thu máu.
Chương trình tầm soát ung thư quy mô hướng đến cộng đồng
Công nghệ SPOT-MAS™ là kết quả của quá trình nghiên cứu quy mô trên 3 năm qua của Gene Solutions. Chương trình bắt đầu năm 2019, với 1.620 ca bệnh chứng và dữ liệu di truyền của hơn 20.000 ca ung thư. Năm 2021, Gene Solutions thiết lập công nghệ SPOT-MAS™. Năm 2022, Gene Solutions tiến hành lượng giá công nghệ SPOT-MAS™ qua chương trình K-DETEK.
Từ tháng 1 – 3/2022, chương trình thực hiện tại 13 bệnh viện hàng đầu Việt Nam, với hơn 3.000 người tham gia, và tại Đại học Malaya (Malaysia) với 1.600 người tham gia. Đến tháng 5, chương trình mở rộng đến hơn 200 bệnh viện, phòng khám trên cả nước.
Đặc biệt, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của tầm soát để phát hiện sớm ung thư, từ đó tăng hiệu quả điều trị, cải thiện chất lượng sống cho người bệnh, Gene Solutions phát động động chiến dịch “Chung tay đẩy lùi ung thư” – Cùng hành động vì một Việt Nam không còn nỗi lo ung thư” từ 8/8 – 31/10. Chương trình được phối hợp với hơn 100 bệnh viện, phòng khám, các doanh nghiệp đối tác trên cả nước, dành tặng 7.000 gói xét nghiệm tầm soát sớm ung thư với tổng trị giá hơn 50 tỷ đồng.
Tại Hội nghị Khoa học Phòng chống Ung thư thường niên tổ chức tại Huế (8/2022), 2 chuyên đề về ứng dụng công nghệ gen trong điều trị ung thư của Gene Solutions cũng thu hút được nhiều chú ý từ các chuyên gia hàng đầu về ung thư. TS.BS Nguyễn Duy Sinh đã trình bày chuyên đề K-Track: Ứng dụng khảo sát tồn dư tối thiểu của khối u sau phẫu thuật, và TS. Trần Lê Sơn báo cáo Ứng dụng SPOT-MAS™ trong tầm soát ung thư đa cơ quan.
TS.BS Nguyễn Duy Sinh đã trình bày chuyên đề “K-Track: Ứng dụng khảo sát tồn dư tối thiểu của khối u sau phẫu thuật” tại Hội nghị Khoa học Phòng chống Ung thư lần thứ 10 tại Huế
TS Trần Lê Sơn báo cáo chuyên đề “Ứng dụng SPOT-MAS™ trong tầm soát Ung thư đa cơ quan” tại Hội nghị Khoa học Phòng chống Ung thư lần thứ 10 tại Huế.