Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ, nhưng hoàn toàn có thể điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm. Nhận biết các dấu hiệu ung thư cổ tử cung là bước đầu quan trọng giúp bạn chủ động đi khám tầm soát, phát hiện và điều trị kịp thời, trước khi bệnh tiến triển nặng hơn.
Tổng quan về ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung là loại ung thư xảy ra ở vị trí cổ tử cung, phần nối giữa tử cung và âm đạo. Đây là một bộ phận quan trọng trong hệ cơ quan sinh dục, sinh sản ở nữ, nhưng cũng là nơi dễ bị tổn thương bởi các yếu tố gây bệnh, đặc biệt là virus HPV (Human Papillomavirus).

Phân biệt giữa ung thư cổ tử cung và ung thư tử cung
Mặc dù tên gọi gần như tương tự, ung thư cổ tử cung và ung thư tử cung là hai loại bệnh lý khác nhau với các vị trí và nguyên nhân khác nhau:
- Ung thư cổ tử cung phát sinh từ cổ tử cung. Tại đây có vùng chuyển tiếp, nơi hai loại tế bào biểu mô tuyển và biểu mô vảy gặp nhau. Đây là khu vực dễ bị tổn thương, như khi có sự hiện diện của virus HPV, đặc biệt là các tuýp HPV 16 và 18.
- Ung thư tử cung (thường là ung thư nội mạc tử cung) xảy ra trong buồng tử cung, nơi lớp niêm mạc tử cung phát triển để chuẩn bị cho thai kỳ.
So sánh ung thư cổ tử cung và ung thư tử cung
Tiêu chí | Ung thư cổ tử cung | Ung thư tử cung |
Vị trí phát sinh | Ở cổ tử cung (phần nối tử cung với âm đạo) | Trong buồng tử cung (niêm mạc tử cung) |
Nguyên nhân chính | Virus HPV (đặc biệt là tuýp 16 và 18) | Mất cân bằng nội tiết, estrogen cao kéo dài |
Đối tượng thường gặp | Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (30–50 tuổi) | Phụ nữ mãn kinh, thường trên 50 tuổi |
Triệu chứng sớm | Ra máu âm đạo bất thường, đau khi quan hệ | Ra máu sau mãn kinh, rối loạn kinh nguyệt |
Hiểu rõ sự khác biệt giữa ung thư cổ tử cung và ung thư tử cung sẽ giúp phụ nữ chủ động hơn trong việc theo dõi sức khỏe sinh sản và lựa chọn phương pháp phòng bệnh phù hợp.
Dấu hiệu nhận biết ung thư cổ tử cung
1. Chảy máu âm đạo bất thường
Một trong những dấu hiệu cổ tử cung sớm và phổ biến của ung thư cổ tử cung là chảy máu âm đạo bất thường. Đây là hiện tượng xuất huyết ngoài kỳ kinh nguyệt. Chảy máu bất thường có thể xuất hiện trong các trường hợp sau:
- Sau khi quan hệ tình dục: Các tế bào ung thư có thể làm tổn thương cổ tử cung, khiến niêm mạc dễ bị chảy máu khi có sự tác động.
- Giữa hai kỳ kinh: Nếu bạn thấy máu âm đạo dù chưa đến kỳ kinh, thường chỉ là một lượng nhỏ nhưng kéo dài vài ngày.
- Sau khi mãn kinh: Nếu bạn đã ngừng kinh nguyệt một thời gian nhưng đột nhiên lại thấy máu, đây có thể là dấu hiệu ung thư cổ tử cung và không thể bỏ qua.
Máu có thể có màu đỏ tươi, hồng nhạt hoặc nâu sẫm, và lượng máu có thể ít hoặc nhiều tùy từng trường hợp. Dù lượng máu không nhiều, chảy máu bất thường chưa bao giờ là điều bình thường. Trong ung thư cổ tử cung, chảy máu có thể xảy ra khi các mạch máu nhỏ trong khối u bị vỡ, hoặc do cổ tử cung bị viêm loét, khiến niêm mạc dễ bị tổn thương.
Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp chảy máu âm đạo đều là ung thư. Nếu bạn gặp phải tình trạng này thường xuyên, đặc biệt là sau mãn kinh hoặc ngoài chu kỳ kinh nguyệt, hãy đi khám phụ khoa để được bác sĩ thăm khám và đưa ra chẩn đoán hợp lý.

2. Rối loạn kinh nguyệt (rong kinh, kinh kéo dài)
Ung thư cổ tử cung có thể gây rối loạn kinh nguyệt, với biểu hiện như:
- Kinh kéo dài nhiều ngày hơn bình thường
- Ra máu nhiều bất thường, phải thay băng liên tục
- Kinh không đều, có thể đến sớm, trễ hoặc cách nhiều tháng mới có
Tình trạng này xảy ra khi cổ tử cung bị tổn thương, không kiểm soát được việc bong niêm mạc tử cung. Nếu bạn đang trong độ tuổi sinh sản mà kinh nguyệt thay đổi rõ rệt, hoặc sau mãn kinh mà vẫn ra máu, hãy đến cơ sở y tế chuyên về phụ khoa để tìm hiểu nguyên nhân gây ra triệu chứng.
3. Dịch âm đạo khác lạ
Dịch âm đạo bình thường có màu trắng trong, không mùi hoặc mùi nhẹ. Nếu dịch có mùi hôi, màu vàng đục, xanh, lẫn máu, hoặc ra nhiều hơn bình thường. Đây có thể là dấu hiệu của các bệnh về bệnh phụ khoa, trong đó có ung thư cổ tử cung.
Ngoài ra, người bệnh có thể cảm thấy ngứa, rát vùng kín. Những thay đổi này thường xuất hiện khi tế bào ung thư gây tổn thương hoặc hoại tử mô tại cổ tử cung, làm tăng tiết dịch và tạo mùi khó chịu. Do các triệu chứng không đặc hiệu nên có thể bị nhầm với viêm âm đạo hoặc viêm cổ tử cung
4. Đau vùng chậu & thắt lưng
Ung thư cổ tử cung có thể gây ra cơn đau âm ỉ ở vùng chậu, đôi khi lan xuống thắt lưng hoặc bụng dưới. Cơn đau thường kéo dài liên tục và không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt. Nguyên nhân của cơn đau này là do khối u chèn ép lên các dây thần kinh hoặc mô xung quanh.
5. Đau khi quan hệ tình dục
Nếu bạn cảm thấy đau rát, khó chịu khi quan hệ, nhất là ở vùng sâu trong âm đạo, đó có thể là dấu hiệu cổ tử cung đang bị tổn thương.
Tình trạng này xảy ra khi có viêm loét, khối u hoặc cổ tử cung trở nên nhạy cảm do ung thư. Nhiều người bỏ qua triệu chứng này vì nghĩ do tư thế hoặc khô âm đạo, nhưng nếu đau kéo dài và lặp lại, hãy đi kiểm tra ngay.
6. Tiểu buốt, tiểu rắt
Khi khối u ở cổ tử cung phát triển, chúng có thể chèn ép bàng quang hoặc niệu đạo, gây ra cảm giác tiểu buốt, tiểu khó, tiểu nhiều lần. Một số người còn cảm thấy tiểu không hết hoặc đau khi tiểu. Nếu không có dấu hiệu nhiễm trùng đường tiểu nhưng vẫn gặp các triệu chứng này kéo dài, đây có thể là tình trạng gây ra do khối u vùng chậu ảnh hưởng đến hệ tiết niệu.
7. Triệu chứng toàn thân: Mệt mỏi, thiếu máu, sụt cân
Chảy máu âm đạo kéo dài do ung thư cổ tử cung có thể dẫn đến thiếu máu, khiến cơ thể mệt mỏi, da xanh, chóng mặt, khó thở hoặc mất tập trung.
Tình trạng này thường xảy ra khi bệnh đã tiến triển. Nếu bạn luôn cảm thấy kiệt sức dù ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ, hãy đi kiểm tra sức khỏe, đặc biệt nếu kèm theo các dấu hiệu ung thư cổ tử cung bất thường khác.
Mệt mỏi và sụt cân không rõ nguyên nhân: Đây là dấu hiệu chung có thể xuất hiện trong nhiều loại ung thư. Mặc dù không đặc hiệu cho ung thư cổ tử cung, nhưng nếu gặp phải những triệu chứng này, phụ nữ mang thai không nên bỏ qua.
8. Sưng phù vùng chân
Khi ung thư cổ tử cung bước vào giai đoạn tiến triển, khối u có thể chèn ép các mạch bạch huyết hoặc tĩnh mạch vùng chậu, gây ra hiện tượng sưng phù một bên hoặc cả hai chân.
Phù thường kèm cảm giác nặng chân, đau âm ỉ hoặc căng tức, không giảm dù nghỉ ngơi. Đây là dấu hiệu cảnh báo vô cùng quan trọng, vì cho thấy ung thư có thể đã lan rộng và ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn hoặc bạch huyết.
Lưu ý: Trường hợp mắc ung thư cổ tử cung khi mang thai
Ung thư cổ tử cung là một bệnh lý phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (từ 20 đến 50 tuổi). Mặc dù ít khi gặp, nhưng vẫn có những trường hợp được phát hiện khi phụ nữ đang mang thai. Khi ung thư cổ tử cung xuất hiện trong giai đoạn này, việc chẩn đoán và điều trị sẽ phức tạp hơn, vì cần phải cân nhắc kỹ giữa việc bảo vệ sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi.
Trong thời kỳ mang thai, các dấu hiệu ung thư cổ tử cung có thể dễ dàng bị nhầm lẫn với những thay đổi sinh lý bình thường của cơ thể người phụ nữ. Do đó, việc phát hiện bệnh trở nên khó khăn hơn nếu không theo dõi kỹ lưỡng. Các dấu hiệu có thể bị che khuất bởi những thay đổi như tăng tiết dịch âm đạo, ra máu nhẹ, hay cơn đau vùng chậu, vốn là điều thường gặp trong thai kỳ.
Để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, phụ nữ cần:
- Đi khám thai định kỳ đầy đủ và thông báo ngay cho bác sĩ sản phụ khoa về bất kỳ thay đổi nào liên quan đến dịch âm đạo, ra máu hoặc đau bụng dưới.
- Không chủ quan với dấu hiệu bất thường, ngay cả khi những triệu chứng này có thể do thay đổi sinh lý. Việc kiểm tra định kỳ rất quan trọng trong việc phát hiện sớm bệnh.
- Thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung theo khuyến cáo.
- Tuân thủ hướng dẫn theo dõi của chuyên gia ung bướu sản nếu có nghi ngờ tổn thương.
Nếu có dấu hiệu nghi ngờ, bác sĩ có thể chỉ định phết tế bào cổ tử cung (PAP smear) hoặc soi cổ tử cung. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện sinh thiết cổ tử cung.
Chẩn đoán ung thư cổ tử cung sớm giúp bác sĩ lên kế hoạch điều trị phù hợp, vừa bảo vệ sự phát triển của thai nhi, vừa đảm bảo cơ hội sống cho người mẹ.
Phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung
Tầm soát ung thư cổ tử cung giúp phát hiện sớm những thay đổi bất thường ở cổ tử cung trước khi tiến triển thành ung thư. Một số phương pháp tầm soát hiện nay bao gồm:
Pap smear và HPV test
1. Pap smear (phết tế bào cổ tử cung)
Là xét nghiệm lấy mẫu tế bào từ cổ tử cung để phát hiện các tế bào bất thường – dấu hiệu cảnh báo sớm nguy cơ tiến triển thành ung thư nếu không được can thiệp kịp thời.
2. HPV test
Là xét nghiệm phát hiện sự hiện diện của virus HPV nguy cơ cao, đặc biệt là các chủng HPV 16 và 18 – nguyên nhân hàng đầu gây ung thư cổ tử cung. HPV test có thể được thực hiện riêng hoặc kết hợp với Pap smear để tăng độ nhạy trong tầm soát.
Ưu điểm của hai phương pháp này:
- Nhanh chóng, ít xâm lấn, không gây đau.
- Phát hiện được tổn thương tiền ung thư và nguy cơ tiềm ẩn.
- Được khuyến cáo thực hiện định kỳ theo độ tuổi và yếu tố nguy cơ.
Các phương pháp chẩn đoán sâu sau tầm soát
Khi kết quả Pap smear hoặc HPV test bất thường, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp chuyên sâu hơn để đánh giá mức độ tổn thương và xác định nguy cơ ung thư. Dưới đây là các kỹ thuật thường được sử dụng:
1. Soi cổ tử cung (Colposcopy)
Colposcopy là kỹ thuật sử dụng kính phóng đại kết hợp ánh sáng để quan sát chi tiết bề mặt cổ tử cung, giúp phát hiện tổn thương mà mắt thường không thấy được.
Chỉ định soi cổ tử cung khi:
- Kết quả Pap smear hoặc HPV test cho thấy bất thường.
- Có triệu chứng nghi ngờ như ra máu âm đạo bất thường, khí hư bất thường.
- Theo yêu cầu của bác sĩ sau các bước sàng lọc ban đầu.
Lợi ích: Giúp bác sĩ xác định chính xác vị trí tổn thương và quyết định có cần sinh thiết hay không.
2. Sinh thiết cổ tử cung
Sinh thiết là thủ thuật lấy một mẫu mô từ vùng nghi ngờ trên cổ tử cung để phân tích dưới kính hiển vi. Đây là tiêu chuẩn vàng để xác định tế bào ung thư hoặc tổn thương tiền ung thư.
Các loại sinh thiết phổ biến:
- Sinh thiết bấm (punch biopsy): Lấy mẫu mô nhỏ từ bề mặt cổ tử cung.
- Khoét chóp cổ tử cung hay sinh thiết vòng (cone biopsy): Lấy phần mô lớn hơn, thường áp dụng khi tổn thương lan rộng hoặc cần kiểm tra kỹ lớp mô sâu.

3. Xét nghiệm tế bào trong dung dịch (Liquid-based cytology)
Là phiên bản cải tiến của Pap smear, trong đó mẫu tế bào được xử lý trong dung dịch chuyên dụng. Phương pháp này giúp:
- Tăng độ chính xác trong phát hiện tế bào bất thường.
- Giảm tỷ lệ âm tính giả so với kỹ thuật Pap smear truyền thống.
Khi nào nên khám & xét nghiệm
Việc khám và xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung không nên chờ đến khi có triệu chứng. Thời điểm bắt đầu và tần suất xét nghiệm phụ thuộc vào độ tuổi và yếu tố nguy cơ của từng người.
-
Phụ nữ có nguy cơ cao – cần tầm soát sớm và thường xuyên hơn
Một số nhóm phụ nữ có nguy cơ cao mắc ung thư cổ tử cung và cần được bác sĩ chỉ định lịch khám riêng:
- Nhiễm HPV nguy cơ cao, đặc biệt là tuýp 16 và 18 – nguyên nhân hàng đầu gây ung thư cổ tử cung.
- Đã từng có kết quả Pap smear bất thường, cho thấy sự thay đổi tế bào cổ tử cung.
- Suy giảm miễn dịch, như người nhiễm HIV hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch.
- Quan hệ tình dục sớm hoặc có nhiều bạn tình, làm tăng khả năng nhiễm HPV.
- Sinh con> 5 lần.
- Đời sống kinh tế xã hội thấp, vệ sinh sinh dục kém.
- Thuốc lá: liên quan ung thư biểu mô tế bào vảy cổ tử cung.
Những người thuộc nhóm này nên bắt đầu tầm soát trước 25 tuổi hoặc theo chỉ định cá nhân hóa từ bác sĩ.
2. Khuyến nghị chung về lịch khám và xét nghiệm
Hiện nay có hai xét nghiệm chính bao gồm:
- Pap smear: Phát hiện tế bào bất thường ở cổ tử cung.
- HPV test: Kiểm tra có nhiễm virus HPV nguy cơ cao hay không.
Lịch tầm soát được khuyến nghị như sau:
- Từ 21–29 tuổi: Làm Pap smear mỗi 3 năm nếu kết quả bình thường.
- Từ 30–65 tuổi: Có thể chọn một trong ba cách: Pap smear + HPV test cùng lúc, mỗi 5 năm. Pap smear đơn lẻ, mỗi 3 năm. HPV test đơn lẻ, mỗi 5 năm.
Ngoài ra, nếu phụ nữ trên 65 tuổi đã có kết quả tầm soát ổn định trong nhiều năm liên tiếp, bác sĩ có thể ngừng chỉ định xét nghiệm tầm soát.

Những câu hỏi thường gặp (FAQ)
Câu hỏi 1: Dấu hiệu ung thư cổ tử cung là gì?
Ở giai đoạn đầu, ung thư cổ tử cung thường diễn tiến âm thầm và không gây triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển, một số dấu hiệu có thể bắt đầu xuất hiện, bao gồm:
- Chảy máu âm đạo bất thường: xảy ra ngoài kỳ kinh, sau khi quan hệ tình dục hoặc sau mãn kinh.
- Dịch âm đạo khác lạ: ra nhiều hơn bình thường, có mùi hôi, màu vàng, nâu hoặc lẫn máu.
- Đau khi quan hệ tình dục.
- Đau âm ỉ vùng chậu hoặc lưng dưới kéo dài.
- Rối loạn kinh nguyệt.
Lưu ý: Những dấu hiệu này không đồng nghĩa với ung thư, vì chúng cũng có thể xuất hiện trong nhiều bệnh lý phụ khoa khác. Tuy nhiên, nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào kể trên và tình trạng kéo dài không rõ nguyên nhân, hãy đi khám càng sớm càng tốt để được bác sĩ kiểm tra và chẩn đoán chính xác.
Câu hỏi 2: Những dấu hiệu ung thư cổ tử cung có thể nhầm lẫn với bệnh phụ khoa khác?
Một số triệu chứng của ung thư cổ tử cung dễ bị nhầm với viêm nhiễm phụ khoa thông thường, khiến việc chẩn đoán bị trì hoãn:
Dấu hiệu | Có thể nhầm lẫn với | Phân biệt |
Chảy máu bất thường | Viêm cổ tử cung, polyp cổ tử cung | Nếu chảy máu sau quan hệ hoặc sau mãn kinh, cần kiểm tra ngay |
Dịch âm đạo bất thường | Viêm âm đạo, nấm, vi khuẩn | Nếu dịch lẫn máu, có mùi hôi nặng, kéo dài dù đã điều trị |
Đau khi quan hệ | Khô âm đạo, viêm nhiễm | Nếu kèm chảy máu hoặc đau vùng chậu sau quan hệ |
Lưu ý: Không nên tự chẩn đoán tại nhà. Nếu triệu chứng kéo dài hoặc tái phát, cần đi khám chuyên khoa để được tầm soát đúng cách.
Câu hỏi 3: Khi có chảy máu bất thường, tôi nên làm gì?
Chảy máu âm đạo ngoài kỳ kinh hoặc sau mãn kinh là dấu hiệu không nên xem nhẹ. Dưới đây là các bước mà bạn có thể tham khảo:
- Ghi lại thời điểm và tính chất chảy máu: màu sắc, lượng máu, thời gian kéo dài.
- Không tự ý dùng thuốc điều hòa kinh hoặc kháng sinh.
- Đặt lịch khám phụ khoa càng sớm càng tốt, đặc biệt nếu kèm theo đau bụng dưới hoặc dịch âm đạo bất thường.
- Yêu cầu tầm soát: bác sĩ có thể chỉ định Pap smear, HPV test, siêu âm hoặc nội soi cổ tử cung nếu nghi ngờ tổn thương.
- Tuân thủ hướng dẫn theo dõi hoặc điều trị tiếp theo nếu có kết quả bất thường.
Câu hỏi 4: Tần suất tầm soát nên là bao lâu?
Tần suất tầm soát ung thư cổ tử cung được khuyến nghị tùy theo độ tuổi và tình trạng sức khỏe:
- Từ 21–29 tuổi: Pap smear mỗi 3 năm nếu kết quả bình thường.
- Từ 30–65 tuổi: Chọn 1 trong 3 phương án:
-
- Pap smear + HPV test đồng thời: mỗi 5 năm.
- Pap smear đơn lẻ: mỗi 3 năm.
- HPV test đơn lẻ: mỗi 5 năm.
- Phụ nữ có nguy cơ cao: Có thể cần tầm soát sớm hơn hoặc thường xuyên hơn theo chỉ định bác sĩ.
- Trên 65 tuổi: Nếu có kết quả tầm soát ổn định trong nhiều năm liên tiếp, có thể ngừng xét nghiệm.
Kết luận
Dấu hiệu ung thư cổ tử cung có thể âm thầm trong giai đoạn đầu, nhưng khi xuất hiện, thường là những bất thường rõ rệt như chảy máu ngoài chu kỳ, dịch âm đạo khác lạ hoặc đau vùng chậu kéo dài. Việc hiểu và nhận biết sớm các dấu hiệu này là chìa khóa giúp phát hiện bệnh kịp thời, tăng hiệu quả điều trị và bảo vệ sức khỏe sinh sản. Nếu có bất kỳ triệu chứng nào đáng ngờ, hãy chủ động thăm khám để được tư vấn và tầm soát đúng cách.