Giỏ hàng
No products in the cart.
0

Hội chứng Apert

Mục lục
    Add a header to begin generating the table of contents

    Hội chứng Apert là gì?

    Hội chứng Apert còn được gọi là bệnh xương cứng sớm cục bộ, là một rối loạn di truyền đặc trưng bởi các bất thường về xương, trong đó các khớp giữa các xương trong hộp sọ của trẻ đóng quá sớm. Hội chứng này lần đầu tiên được bác sĩ người Pháp Eugene Apert mô tả vào năm 1906 với 9 bệnh nhân có đặc điểm khuôn mặt và tứ chi giống nhau. Đến nay, theo Tổ chức quốc gia về các chứng rối loạn hiếm gặp Mỹ, có hơn 300 trường hợp đã được báo cáo. Người châu Á có tỷ lệ mắc hội chứng này cao nhất.
    Hội chứng Apert do đột biến gen FGFR2 di truyền theo kiểu trội trên nhiễm sắc thể thường gây ra. Triệu chứng điển hình của bệnh là đầu và mặt méo mó, ngón tay và ngón chân dính nhau.

    Bé trai 6 tháng tuổi mắc hội chứng Apert với hình dáng đầu bất thường, mắt lồi (Nguồn: Children hospital of Philadelphia)

    Nguyên nhân hội chứng Apert

    Gen FGFR2 (còn gọi là thụ thể yếu tố tăng trưởng nguyên bào sợi 2) mã hóa protein FGFR2 giúp kích hoạt các tế bào xương chưa trưởng thành trở thành tế bào xương trong quá trình phát triển của thai nhi. Đột biến gen FGFR2 trong thai kỳ khiến tế bào trưởng thành quá nhanh và thúc đẩy các xương ở hộp sọ, bàn tay và bàn chân dính với nhau có liên quan đến hội chứng Apert.
    Theo thông tin của Thư viện Y khoa Mỹ, 2/3 các trường hợp mắc hội chứng Apert là do đột biến cytosine đặc hiệu thành guanine ở vị trí 755 của gen FGFR2 dẫn đến sự thay đổi từ serine thành axit amin tryptophan trên alen có nguồn gốc từ người cha. Do đó, số tuổi của người cha càng cao thì người con có khả năng mắc hội chứng này càng tăng.
    Ngoài hội chứng Apert, gen FGFR2 đột biến cũng có liên quan đến một số hội chứng về phát triển xương ở trẻ (như hội chứng Crouzon, Pfeiffer…).

    Triệu chứng hội chứng Apert

    – Hộp sọ bất thường do tật dính khớp sọ sớm, có thể ảnh hưởng đến hình dáng đầu và khuôn mặt như hộp sọ và trán cao.
    – Ngón tay, ngón chân dính, thường gặp nhất là ba ngón trên mỗi bàn tay và bàn chân hợp nhất với nhau, ảnh hưởng đến khả năng cầm nắm, vận động. Bàn tay hoặc bàn chân có thể có màng hoặc giống như găng tay, hay hình dạng một cái thuổng, nụ hoa hồng (các ngón dính lại với nhau).
    – Hàm trên kém phát triển.
    – Mắt có thể lồi ra và cách xa nhau, dẫn đến các vấn đề về thị lực.
    – Giảm sản vùng giữa mặt (giảm sự phát triển của vùng giữa mặt) gây ra hiện tượng mặt trăng lưỡi liềm hoặc khuôn mặt trũng xuống với sống mũi và mũi khoằm.
    – Bất thường của các cấu trúc ở mặt và đầu, mũi nhỏ, có thể dẫn đến khó thở.
    – Có thể chậm phát triển trí tuệ ở mức độ nhẹ đến trung bình.
    – Hở hàm ếch.
    – Có vấn đề thị lực.
    – Nhiễm trùng tai tái phát do cấu trúc tai bị biến dạng có thể ảnh hưởng đến khả năng nghe.
    – Tăng tiết mồ hôi do tuyến mồ hôi hoạt động quá mức. Da tiết nhiều dầu hơn bình thường, dễ nổi mụn trứng cá, nhất là ở tuổi dậy thì.
    – Trẻ mắc hội chứng này có thể gặp vấn đề về tim, hệ tiết niệu, đường tiêu hóa.
    – Răng có thể không đều, chen chúc, mất răng do xương hàm kém phát triển.

    Các ngón tay của bệnh nhi mắc hội chứng Apert dính lại với nhau (Nguồn: Children hospital of Philadelphia)

    Biến chứng của hội chứng Apert

    Người mắc hội chứng Apert có thể gặp một số biến chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, nếu không điều trị làm tăng nguy cơ tử vong. Dưới đây là một số biến chứng của bệnh.
    – Tăng áp lực nội sọ có thể gây phù gai thị và suy giảm nhận thức.
    – Bệnh giác mạc do phơi nhiễm và sẹo giác mạc.
    – Biến chứng hô hấp.
    – Chấn thương tủy sống và khiếm khuyết thần kinh ở bệnh nhân dị tật cột sống cổ.
    – Viêm phổi hít và các bệnh phổi mạn tính khác.

    Chẩn đoán hội chứng Apert

    Các đặc điểm của hội chứng Apert có thể được phát hiện trước khi sinh trong một số trường hợp qua siêu âm 2D hoặc 3D. Tuy nhiên, phần lớn trường hợp được phát hiện sau sinh. Trán cao, nổi bật, hàm trên kém phát triển, mắt lồi và ngón tay hoặc ngón chân dính liền là những đặc điểm đặc trưng giúp chẩn đoán hội chứng Apert.


    Siêu âm có thể phát hiện một số bất thường ở thai nhi (Nguồn: Freepik)

    Các xét nghiệm hình ảnh như chụp CT hoặc MRI có thể giúp bác sĩ phát hiện các bất thường về hộp sọ, xương của trẻ. Kiểm tra thính lực sàng lọc trẻ sơ sinh giúp nhận biết trẻ có vấn đề về khiếm thính.
    Các triệu chứng của hội chứng Apert có thể tương tự với các hội chứng Carpenter, hội chứng Crouzon, hội chứng Pfeiffer… do xương sọ của trẻ dính quá sớm. Bác sĩ có thể xem xét những triệu chứng khác biệt giữa các hội chứng này để đưa ra chẩn đoán chính xác. Chẳng hạn triệu chứng đặc trưng giúp phân biệt hội chứng Apert với các loại hội chứng khác là các dị tật ở bàn tay, phổ biến nhất là các ngón tay dính chặt hoặc có màng.
    Cha mẹ mắc hội chứng Apert có thể di truyền bệnh cho con cái với tỷ lệ 50%. Do đó, người mắc hội chứng Apert hoặc có tiền sử gia đình nên thực hiện các xét nghiệm gen để sàng lọc khi sinh con. Ngoài đột biến di truyền, đột biến mới de novo cũng có thể xảy ra khiến các cặp vợ chồng dù khỏe mạnh nhưng sinh con bị đột biến gen như hội chứng Apert. Đột biến de novo xảy ra trong quá trình hình thành tế bào sinh sản (trứng hoặc tinh trùng) hoặc trong quá trình phát triển phôi thai sớm. Nguy cơ trẻ mắc hội chứng Apert tăng lên khi người cha lớn tuổi.

    Hiện nay, Viện Di truyền Y học – Gene Solutions là đơn vị tiên phong tại Việt Nam phát triển các xét nghiệm NIPT mới – triSure Procare để sàng lọc toàn diện các loại bất thường di truyền nguy hiểm dành cho thai phụ. Cụ thể triSure Procare có thể sàng lọc 27 bất thường số lượng nhiễm sắc thể cho thai, 01 mất đoạn phổ biến duy nhất được khuyến cáo sàng lọc liên quan hội chứng DiGeorge cho thai, 7.000 đột biến gây bệnh liên quan 25 bệnh đơn gen trội phổ biến nhất cho thai, 2.800 đột biến gây bệnh liên quan 9 bệnh di truyền lặn đơn gen cho mẹ.

    Thai phụ thực hiện xét nghiệm triSure Procare giúp phát hiện sớm hội chứng Apert (Nguồn: Shutterstock)

    Điều trị hội chứng Apert

    Hội chứng Apert không có cách chữa trị nhưng phẫu thuật có thể cải thiện một số tình trạng. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ liên chuyên khoa như Ngoại thần kinh, Cơ xương khớp, Phẫu thuật thẩm mỹ… đưa ra kế hoạch tái tạo và chỉnh sửa các bất thường trên khuôn mặt, bàn tay và chân. Các bác sĩ Tai mũi họng, Nhãn khoa, Hô hấp… cùng phối hợp điều trị các triệu chứng của bệnh liên quan.
    Trẻ mắc hội chứng này có thể được điều trị qua nhiều cuộc phẫu thuật như phẫu thuật tách các xương sọ dính vào nhau, có thể thực hiện trong độ tuổi từ 6 đến 8 tháng. Người bệnh bị tăng áp lực bất thường trong hộp sọ (tăng áp lực nội sọ) cần được mổ sớm để giải phóng chèn ép. Khi xương sọ được giải phóng, não của bệnh nhân có cơ hội phát triển bình thường. Tuy nhiên, một số trường hợp cấu trúc não nhất định có thể vẫn kém phát triển hơn người bình thường.
    Bác sĩ cũng có thể cắt xương ở hàm và má và đưa chúng về đúng vị trí nhằm giúp hình dáng mặt trở nên cân đối. Phương pháp này có thể thực hiện ở độ tuổi từ 4 đến 12.
    Với các tay chân bị dính, người bệnh được phẫu thuật tách các mô mềm, dây chằng giữa các ngón tay và ghép da vào các ngón tay bị tách ra. Người bệnh gặp các vấn đề về đường thở, thính lực có thể dùng máy trợ thính, máy thở hoặc các phương pháp cải thiện đường thở do tắc nghẽn.
    Sau điều trị, trẻ mắc hội chứng Apert có thể có tuổi thọ gần như bình thường.

    Tiên lượng hội chứng Apert

    Trẻ em mắc hội chứng Apert cần được phẫu thuật giải phóng xương sọ để bộ não có cơ hội phát triển bình thường. Trẻ phẫu thuật càng trễ thì khả năng đạt được trí tuệ bình thường càng thấp. Tuy nhiên ngay cả khi phẫu thuật sớm, một số cấu trúc não nhất định vẫn có thể kém phát triển.
    Khoảng 4 trên 10 trẻ mắc hội chứng này đạt được chỉ số thông minh IQ bình thường nếu được nuôi dạy trong một môi trường lành mạnh.
    Trẻ mắc hội chứng Apert có chỉ số IQ bình thường dường như không có nguy cơ cao về các vấn đề hành vi và rối loạn cảm xúc như các trẻ có IQ thấp, nhưng vẫn cần được sự hỗ trợ về mặt xã hội và tinh thần để đối phó với tình trạng bệnh.
    Tuổi thọ cũng có sự khác biệt giữa các trẻ mắc hội chứng này. Nếu trẻ vượt qua được thời thơ ấu và không có các vấn đề tim mạch có thể có tuổi thọ bình thường hoặc gần như bình thường.

    Tư vấn di truyền

    Hội chứng Apert là hội chứng di truyền trội trên nhiễm sắc thể thường. Ngoài một số trường hợp có cha hoặc mẹ bị bệnh thì hầu hết các trường hợp bệnh là do đột biến de novo trên gen FGFR2 gây ra. Tuổi cha cao được chứng minh là có liên quan đến với các biến thể gây bệnh của hội chứng này. Nếu cha và mẹ xét nghiệm không có đột biến gen FGFR2 thì tỉ lệ có con lần sau mang đột biến gen tăng khoảng 1-2%, do thể khảm khu trú tế bào sinh dục cần sàng lọc hoặc chẩn đoán trước sinh.
    Nếu cha hoặc mẹ bị bệnh, nguy cơ truyền đột biến cho con là 50%.
    Thời điểm tối ưu để xác định nguy cơ di truyền và thảo luận về khả năng thực hiện xét nghiệm trước sinh / tiền làm tổ là trước khi mang thai.

    Nguồn tham khảo: 
    1. Boston Children’s Hospital, Apert syndrome, Retrieved from 

    https://www.childrenshospital.org/conditions/apert-syndrome
    2. Web MD, Apert Syndrome, Retrieved from 

    https://www.webmd.com/children/apert-syndrome-symptoms-treatments-prognosis
    3. MedlinePlus, Apert syndrome, Retrieved from 

    https://medlineplus.gov/genetics/condition/apert-syndrome/
    4. Children hospital of Philadelphia, Apert Syndrome, Retrieved from 

    https://www.chop.edu/conditions-diseases/apert-syndrome
    5. National Library of Medicine, Apert Syndrome, Retrieved from 

    https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK518993/
    6. National Organization for Rare Disorders, Apert Syndrome, Retrieved from 

    https://rarediseases.org/rare-diseases/apert-syndrome/
    7. Apert Syndrome 

    https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK541728/

     

    Bài viết liên quan

    Bình luận

    Chuyên gia GENE SOLUTIONS đang lắng nghe bạn !

    Tư vấn di truyền