Hội chứng nhiễm sắc thể X dễ gãy (Fragile X) là một trong những hội chứng di truyền phổ biến nhất gây chậm phát triển trí tuệ và rối loạn hành vi ở trẻ em. Dù chưa có phương pháp điều trị dứt điểm, song việc sàng lọc và can thiệp sớm có thể giúp cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Hội chứng Fragile X là nguyên nhân di truyền phổ biến thứ hai gây suy giảm trí tuệ sau hội chứng Down và là nguyên nhân hàng đầu gây ra tự kỷ. Khoảng 90% người mắc hội chứng Fragile X biểu hiện hành vi không điển hình như khuôn mẫu vận động (vỗ tay), tự gây thương tích, tránh giao tiếp mắt và tránh xa xã hội.
Nguyên nhân gây ra hội chứng Fragile X
Hội chứng Fragile X xuất hiện do đột biến gen FMR1 nằm trên nhiễm sắc thể X, khiến cơ thể không sản xuất đủ protein FMRP – một yếu tố thiết yếu cho sự phát triển bình thường của hệ thần kinh. Trẻ mắc hội chứng này có nguy cơ cao gặp phải các vấn đề về nhận thức, hành vi và khả năng giao tiếp.
Đột biến gen FMR1 cụ thể là do trên gen này có 1 đoạn DNA, được gọi là bộ ba CGG bị lặp lại và mở rộng. Khi số lần lặp bộ ba nucleotide CGG trên gen FMR1 tăng >200 lần, gen sẽ bị methyl hóa quá mức, mất hoạt động và không sản xuất được protein FMRP, dẫn đến các triệu chứng của hội chứng NST X dễ gãy.
- Bình thường: 5-44 lần lặp CGG.
- Trung gian: 45-54 lần lặp CGG.
- Tiền đột biến: 55-200 lần lặp CGG (chưa gây bệnh nhưng có thể di truyền cho thế hệ sau).
- Đột biến hoàn toàn: >200 lần lặp CGG (gây bệnh).
Tỷ lệ mắc bệnh đáng báo động
Theo thống kê, hội chứng Fragile X có tỷ lệ mắc khoảng 1/2500 – 1/5000 ở nam và 1/4000 – 1/6000 ở nữ. Hội chứng Fragile X được di truyền trội theo cơ chế liên kết NST giới tính X. Trong gia đình, nếu có người mắc hội chứng Fragile X, khả năng truyền bệnh sang thế hệ sau là rất cao, đặc biệt ở nam giới, vì họ chỉ có một nhiễm sắc thể X, trong khi nữ giới có hai nhiễm sắc thể X. Điều này lý giải tại sao hội chứng Fragile X phổ biến và biểu hiện bệnh nặng nề hơn ở nam giới, do nữ giới nếu mang đột biến trên 1 nhiễm sắc thể X, thì còn 1 nhiễm sắc thể X còn lại có thể bù đắp cho gen đột biến.
Cơ chế di truyền
Mẹ mang tiền đột biến (55-200 lần lặp CGG) có nguy cơ sinh con mắc bệnh nếu số lần lặp CGG tăng lên mức đột biến hoàn toàn (>200 lần) khi di truyền sang con.
Con trai nhận NST X từ mẹ nên nếu mắc đột biến hoàn toàn, trẻ sẽ biểu hiện bệnh rõ ràng.
Con gái có hai NST X, nên chỉ một nửa số trường hợp mang đột biến biểu hiện triệu chứng, thường nhẹ hơn so với nam.
Bố mắc hội chứng NST X dễ gãy sẽ không truyền bệnh cho con trai, nhưng có thể truyền tiền đột biến cho con gái.
Triệu chứng lâm sàng
Người mắc hội chứng Fragile X thường gặp các vấn đề như:
- Chậm phát triển trí tuệ từ nhẹ đến nặng.
- Khoảng 50-70% bệnh nhân có rối loạn phổ tự kỷ. Hành vi bất thường như tăng động, lo âu xã hội, hành vi lặp lại (vỗ tay, tự gây thương tích).
- Khó khăn trong học tập, giao tiếp và các mối quan hệ xã hội.
- Rối loạn vận động, run, mất điều hòa và tăng nguy cơ động kinh.
- Ở phụ nữ, có thể gây suy buồng trứng sớm, vô sinh và các rối loạn nội tiết khác.
- Một số đặc điểm ngoại hình như khuôn mặt dài, tai lớn, khớp lỏng lẻo.
Chẩn đoán hội chứng Fragile X
Chẩn đoán dựa trên xét nghiệm phân tử xác định số lần lặp bộ ba CGG trên gen FMR1.
Chẩn đoán sớm hội chứng nhiễm sắc thể X dễ gãy thường ở trẻ nhỏ khoảng 3 tuổi có biểu hiện chậm hoặc không nói. Sau khi chẩn đoán người bệnh mắc hội chứng NST X dễ gãy, xét nghiệm tiếp theo cho các thành viên trong gia đình sẽ xác định người thân có tiền đột biến hoặc đột biến hay không.
Tiền sử gia đình về chậm phát triển trí tuệ, tự kỷ, các vấn đề về thần kinh (chẳng hạn như run, mất điều hòa hoặc sa sút trí tuệ ở một trong các ông bà) hoặc mãn kinh sớm (trước 40 tuổi) sẽ giúp gợi ý bác sĩ lâm sàng chẩn đoán hội chứng NST X dễ gãy trong gia đình.
Chẩn đoán trước sinh được thực hiện nếu người phụ nữ mang thai có tiền đột biến (premutation) hoặc hiếm hơn khi có đột biến đầy đủ (full mutation).
Điều trị hội chứng Fragile X
Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh, chỉ có điều trị triệu chứng. Liệu pháp hỗ trợ và dựa trên triệu chứng cho trẻ em và người lớn thường bao gồm can thiệp hành vi, trị liệu ngôn ngữ, trị liệu nghề nghiệp và hỗ trợ giáo dục cá nhân; điều trị thường xuyên các vấn đề y tế.
Với hội chứng run/mất điều hòa FXTAS: điều trị triệu chứng và hỗ trợ và điều chỉnh cho phù hợp với từng cá nhân.
Với suy buồng trứng sớm FXPOI: Đánh giá nội tiết phụ khoa hoặc sinh sản có thể cung cấp phương pháp điều trị và tư vấn thích hợp cho các cân nhắc sinh sản và thay thế hormone.
Sàng lọc gen – Chìa khóa bảo vệ sức khỏe thế hệ tương lai
Hội chứng nhiễm sắc thể X dễ gãy không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân người bệnh mà còn tác động đến cả gia đình và xã hội. Theo Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), Khuyến nghị sàng lọc gen FMR1 cho phụ nữ chuẩn bị mang thai hoặc đang mang thai nếu có tiền sử gia đình mắc hội chứng NST X dễ gãy. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo những cặp vợ chồng có kế hoạch sinh con nên thực hiện xét nghiệm di truyền để đảm bảo thế hệ sau có cơ hội phát triển khỏe mạnh.
Những đối tượng sau nên thực hiện xét nghiệm sàng lọc hội chứng NST X dễ gãy:
- Phụ nữ có tiền sử gia đình mắc bệnh hoặc có các dấu hiệu như suy buồng trứng sớm, mãn kinh trước 40 tuổi.
- Nam/nữ mắc chậm phát triển trí tuệ, tự kỷ hoặc khó khăn trong học tập không rõ nguyên nhân.
- Các cặp vợ chồng có kế hoạch sinh con muốn kiểm tra nguy cơ di truyền.
- Người có họ hàng mắc hội chứng NST X dễ gãy nên xét nghiệm để xác định nguy cơ mang gen
Đối với các cặp vợ chồng có nguy cơ sinh con mắc bệnh, thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) kết hợp sàng lọc phôi là một giải pháp hữu hiệu để có thể sinh con khỏe mạnh. Việc sàng lọc phôi trước khi chuyển vào tử cung giúp loại bỏ những phôi mang gen đột biến, giảm nguy cơ sinh con mắc hội chứng Fragile X.
Hội chứng NST X dễ gãy gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng nhưng có thể phòng ngừa hiệu quả bằng cách xét nghiệm sàng lọc trước sinh. Hiện nay, phụ nữ mang thai có thể thực hiện cùng lúc xét nghiệm sàng lọc trước sinh không xâm lấn triSure NIPT, kết hợp xét nghiệm sàng lọc hội chứng NST X dễ gãy (Fragile X) trong 1 lần thu máu, giúp tối ưu chi phí và nâng cao hiệu quả sàng lọc.
Nguồn tham khảo:
https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/5476-fragile-x-syndrome