Search

[KHPT] Tồn tại đột biến gen gây đột tử sớm ở người trẻ khu vực Đông Nam Á

Đó là nghi vấn mà nhóm nghiên cứu tại Viện di truyền y học – Gene Solutions (TP.HCM) đang đặt ra dựa trên khảo sát gen liên quan đến nguy cơ đột tử trong giấc ngủ ở người trẻ (độ tuổi dưới 40) liên quan đến hội chứng Brugada đối với người Việt nói riêng và người Đông Nam Á nói chung.

[KHPT] Tồn tại đột biến gen gây đột tử sớm ở người trẻ khu vực Đông Nam Á 1
Phân tích gen với công nghệ Giải trình tự thế hệ mới.

Thời gian qua, nhóm bệnh liên quan đến tim mạch như đột quỵ, đột tử, nhồi máu cơ tim có xu hướng “trẻ hoá” đặt ra cho giới y học những câu hỏi cần được giải thích dưới góc độ lối sống, dinh dưỡng và di truyền. Vậy cần phản ứng như thế nào khi gia đình có người mắc các bệnh tim mạch sớm, TS. Giang Hoa – phó viện trưởng Viện di truyền y học – Gene Solutions, cung cấp một số thông tin:

* PV: Thưa ông, có phải tất cả trường hợp đột tử đều do hội chứng rối loạn nhịp tim Brugada? Nếu có người thân đột tử sớm, làm thế nào để phân tích nguy cơ di truyền cho những người thân còn lại trong gia đình?

– TS. Giang Hoa: Để xác định nguyên nhân đột tử, đầu tiên, bác sĩ lâm sàng sẽ tìm hiểu người đó đột tử khi đang nghỉ ngơi hay gắng sức. Chẳng hạn một cầu thủ đột tử trong khi đá bóng, việc thường làm là mổ tử thi để xem có yếu tố tim mạch hay không. Nhưng nếu thanh niên đột tử trong giấc ngủ hoặc lúc mới thức dậy, các bác sĩ thông thường sẽ nghĩ đến hội chứng Brugada, QT dài.

Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể làm xét nghiệm gen cho người chết và trữ mẫu. Sau đó, thông báo cho gia đình bệnh nhân, điều tra tiền sử gia đình (ông bà cha mẹ, anh chị em), dựa vào biểu hiện lâm sàng của người thân mà thực hiện các khảo sát siêu âm, đo điện tâm đồ cho con cái người bị đột tử… Trong đó, khảo sát di truyền (xét nghiệm gen) cho kết quả có ý nghĩa lớn, giúp bác sĩ và gia đình theo dõi, quản lý nguy cơ đột tử. Nếu phát hiện đột biến gen có thể theo dõi hiệu quả hoặc đặt stent sớm để ngăn ngừa nguy cơ bệnh.

Một nghiên cứu khảo sát gần đây giữa Viện di truyền y học (TP.HCM) với ĐH y Hà Nội trên nhóm bệnh nhân mắc hội chứng Brugada cho thấy: 15/27 người tham gia khảo sát mang đột biến gen liên quan. Khi so sánh với kết quả nghiên cứu ở Thái Lan trên những ca đột tử trẻ (độ tuổi trung bình 31) trong giấc ngủ, thật ngạc nhiên khi thấy nhiều đột biến gen mới chúng tôi phát hiện được cũng được báo cáo trong nhóm người này. Điều này có thể cho thấy, mối liên quan nào đó về gen đột biến đã dẫn đến đột quỵ trong giấc ngủ (ở người trẻ tuổi) trên quần thể người Đông Nam Á.

* PV: Nếu gia đình có nhiều người bị thừa cân, béo phì, cao mỡ máu, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não thì có di truyền cho con cháu hay không? Dấu hiệu nào khi tăng cholesterol trên lâm sàng mà cần xét nghiệm gen?

– TS. Giang Hoa: Để biết có yếu tố di truyền hay không, bác sĩ lâm sàng sẽ điều tra tiền sử gia đình có người thân mắc bệnh động mạch vành/tim mạch sớm (cha dưới 55 tuổi, mẹ dưới 60 tuổi) hay không. Các dấu hiệu lâm sàng gợi ý nguyên nhân di truyền, như: mảng ứ đọng mỡ máu ở da, gân cơ, bà mống mắt, chỉ số cholesterol xấu tăng cao (LDL-C >190 mg/dl ở người lớn và LDC-C >160 mg/dl ở trẻ em).

Khi có người thân trong gia đình chẩn đoán mang đột biến gen thì các thành viên trong gia đình cần xét nghiệm gen để tầm soát sớm khả năng mang đột biến gen. Tuy nhiên, nguy cơ rối loạn mỡ máu, nhồi máu cơ tim không chỉ xảy ra ở người thừa cân, béo phì mà kể cả người gầy nhưng mang gen đột biến.

* PV: Dễ thấy nhất là tình trạng rối loạn mỡ máu. Vậy thì rối loạn mỡ máu di truyền khác gì rối loạn mỡ máu thông thường?

– TS. Giang Hoa: Mặc dù đều là rối loạn mỡ máu, nhưng nếu xác định không đúng nguyên nhân sẽ ảnh hưởng đến quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh. Điểm nguy hiểm của rối loạn mỡ máu di truyền là mặc dù có cùng chỉ số cholesterol (LDL-C) nhưng người mang đột biến gen lại có nguy cơ xơ vữa động mạch, động mạch vành, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não cao hơn người bình thường gấp nhiều lần.

Ngoài ra, nếu cha hoặc mẹ mang đột biến gây bệnh (rối loạn mỡ máu) thì 50% con có nguy cơ mắc bệnh. Vì vậy, chẩn đoán phân tử (gen) và chẩn đoán lâm sàng sẽ xác định bệnh và nguy cơ tăng cholesterol cao có ý nghĩa y tế công cộng lớn trong sàng lọc bệnh, thay đổi mục tiêu điều trị với các bệnh nhân có đột biến gen, giúp cá thể hoá quá trình điều trị.

* PV: Số lượng gen cần khảo sát để tìm ra nguy cơ bệnh tim mạch và chi phí thực hiện là bao nhiêu?

– TS. Giang Hoa: Tim mạch là bệnh phức tạp đa yếu tố, liên quan nhiều gen khác nhau. Tùy tình trạng bệnh mà bác sĩ lâm sàng sẽ chỉ định xét nghiệm những nhóm gen ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến các tình trạng như cơ tim phì đại, cơ tim giãn nở, rối loạn nhịp di truyền, QT dài, hội chứng Brugada, tăng cholesterol gia đình…

Nếu số lượng gen nhỏ, chi phí giải trình tự khoảng từ 3 – 4 triệu đồng, với nhóm bệnh cơ tim có thể cần xét nghiệm hàng trăm gen, chi phí tầm khoảng 7 – 9 triệu đồng, tuỳ theo nhóm gen được chọn.

Xét nghiệm di truyền không chỉ có ý nghĩa chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân mà còn giúp tiên lượng, phòng ngừa nguy cơ cho người thân trong gia đình.

* PV: Với kỹ thuật y tế của Việt Nam, chúng ta có thể giải mã toàn bộ gen không, và chi phí có dễ cho người dân tiếp cận không?

– TS. Giang Hoa: Về kỹ thuật, chúng ta hoàn toàn có thể giải mã toàn bộ gen (WGS) của một người với chi phí gần 30 triệu đồng, hoặc giải trình tự toàn bộ vùng mã hoá gen (WES) với chi phí khoảng 12 – 15 triệu đồng.

Giải trình tự WES giúp chúng ta có thể bao quát 85% yếu tố về bệnh tật và sức khoẻ, tuy nhiên tỷ lệ chẩn đoán thấp chỉ mới ở mức 40%. Vì trong 22.000 gen của con người, chúng ta chỉ hiểu rõ đột biến trên 5.000 gen sẽ ảnh hưởng đến bệnh lâm sàng, 17.000 gen còn lại nếu đột biến có thể dẫn đến những nhóm bệnh tật nào vẫn còn là mảng trống với hiểu biết của giới khoa học. Việc giải cả bộ gen không đồng nghĩa với chắc chắn 100% biết được nguyên nhân di truyền gây ra yếu tố bệnh tật, sức khoẻ…

Vì vậy, công tác tư vấn di truyền đòi hỏi người tư vấn hiểu những gì mình sẽ phân tích, khả năng và tỉ lệ phát hiện trong từng nhóm bệnh. Người thực hiện giải mã gen cần được tư vấn cụ thể về yếu tố di truyền của bệnh trong những trường hợp thực hiện giải mã toàn bộ gen hay vùng gen mã hoá trước khi quyết định có thực hiện hay không.

TUYẾT MAI (theo Khoa học Phổ thông)

Gene Solution Việt Nam

Công nghệ gen vì sức khoẻ cộng đồng

Chuyên gia GENE SOLUTIONS đang lắng nghe bạn !