Tại buổi Tư vấn trực tuyến “Phát hiện sớm để đẩy lùi ung thư” do Gene Solutions phối hợp cùng VnExpress tổ chức (21/9/2022), nhà thơ – nhà báo Nguyễn Khánh Chi đã chia sẻ những trải nghiệm rất thực của chị trong hành trình vượt qua căn bệnh ung thư cách đây gần 10 năm.
Tham dự chương trình còn có TS.BS Nguyễn Hữu Phúc – Phó trưởng Bộ môn Ung thư, ĐH Y Dược TP.HCM – và TS. Trần Lê Sơn – Viện Di truyền Y học – Gene Solutions.
Tọa đàm trực tuyến “Phát hiện sớm để đẩy lùi ung thư”
Trồng cây chờ hoá trị, mở mắt ngắm hoa cười
Khoảng gần 10 năm trước, chị Nguyễn Khánh Chi nhận chẩn đoán khối u trong ngực mình là ác tính – chứ không còn lành như kết quả những lần kiểm tra sức khoẻ trước.
Vốn lạc quan, xem mỗi ngày sống là một ngày vui, chị bình tĩnh đối diện với “tin dữ” ấy. Chị nghĩ đã gặp chuyện buồn rồi, mà lại còn suy nghĩ và phiền lo thêm nữa, thì nỗi buồn nhân lên gấp đôi. Chị tin rằng với bất cứ kẻ thù nào, mình cũng có cách chống chọi với nó.
Nhiều người nghĩ rằng: gồng mình chiến đấu thì sẽ vượt qua mọi thử thách. Nhưng càng sống lâu, chị càng nhận ra có những lúc mình phải nương theo những khó khăn, dám đối diện và chấp nhận nó thì mọi chuyện sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn.
Khi chị biết còn 2 – 3 tuần nữa sẽ phẫu thuật và tiến hành hoá trị, điều duy nhất chị làm để “chuẩn bị” là mua đất, mua cây về trồng trên sân thượng đang “bỏ hoang” của mình. Hàng xóm trông thấy nghĩ thầm: “Chắc cô này điên rồi hay sao mà không lo tiền bạc chữa bệnh, cứ tối ngày đi trồng cây”.
Nhưng chị Khánh Chi chỉ nghĩ đơn giản là sắp phải nằm nhà liên tục 5 – 6 tháng, không được tiếp xúc với bên ngoài, nếu chăm cây thì ít nhất mình cũng thấy được hoa nở trong những ngày hoá trị khủng khiếp nhất. Đó sẽ là niềm hạnh phúc, nguồn động viên tinh thần rất lớn cho chị.
Lúc mở mắt ra sau ca mổ dài 6 tiếng tại phòng phẫu thuật Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, nhận được tin nhắn của con trai “Bông hồng đầu tiên của mẹ nở rồi”, chị như được tiếp thêm sức mạnh.
Ung thư ư? Đừng sợ!
Nhiều người thường hỏi chị Chi làm sao có thể ăn được trong quá trình hoá trị, vì đa số bệnh nhân ung thư đều ói mửa khủng khiếp. Sự thật là chị chưa hề nghĩ làm sao để có thể ăn được, mà chỉ tự nhủ: mình phải ăn. Chị cũng từng nôn ói trong bữa cơm, nhưng chị lập tức đứng dậy, đi súc miệng nước muối, uống thêm một ngụm nước rồi nói: “Múc cho con chén cơm khác”, và tiếp tục ngồi ăn.
Dù không cảm thấy ngon, chị Khánh Chi vẫn nuốt liên tục như nuốt “kẻ thù”. Trong đầu chị chỉ nghĩ: mình phải ăn, phải đủ sức khoẻ để vào hoá chất lần tiếp theo, và mình không thể chịu thua.
Chị muốn nhắn nhủ bệnh nhân ung thư phải đặt niềm tin vào bác sĩ điều trị, chứ đừng ỷ mình đã tìm hiểu cái này, biết rõ cái kia mà vừa hoá trị vừa uống thuốc Đông y, vừa nhịn ăn vừa thực dưỡng một cách thiếu khoa học…
Chị Khánh Chi hiểu ung thư không khủng khiếp như nhiều người tưởng. Chị đã chiến thắng nó, nên muốn chia sẻ trải nghiệm của mình với những bệnh nhân khác, gửi đến họ thông điệp: ĐỪNG SỢ HÃI.
Nhà thơ – nhà báo Nguyễn Khánh Chi chia sẻ hành trình vượt qua bệnh ung thư cách đây 10 năm
Tình thân và sự đồng hành
Chị Khánh Chi phát hiện mắc ung thư vào năm 2013, khi nhận thức về căn bệnh này chưa phát triển như bây giờ. Thậm chí một số người còn quan niệm chắc phải làm nhiều điều ác lắm thì mới bị ung thư. Vì vậy, không ít bệnh nhân tìm cách giấu giếm căn bệnh của mình.
Một người bạn của chị Chi cũng mắc ung thư vú. Khi tóc rụng, cô ấy bị mẹ cấm bước ra khỏi cửa, vì sợ hàng xóm nói gia đình làm ác nên mới bị như vậy. Một cô bạn khác tự cạo trọc đầu từ sớm, để đến khi tóc rụng thì sẽ thanh minh rằng mình ăn chay niệm Phật, chứ không phải mắc ung thư…
Còn chị Chi thì nói với con trai mình – khi đó đang chuẩn bị đi du học: “Rom ơi, mẹ bị ung thư rồi, nhưng con đừng lo lắng”.
Lúc ấy, con trai đã làm một việc mà chị Chi rất cảm động: vô cùng bình tĩnh, lập tức lên mạng tìm hiểu thông tin.
Và trong suốt quá trình chữa bệnh, người đầu tiên chị Khánh Chi vô cùng biết ơn chính là con trai. Cậu biết mẹ nên ăn thực phẩm không dầu mỡ, nên đã chuyển toàn bộ chế độ ăn uống của mình sang hấp, luộc giống như mẹ. Con trai cũng chính là người chuẩn bị từng bữa ăn cho chị Khánh Chi. Những lúc chị ói mửa, ánh mắt con trai nhìn chị đầy xót xa: “Mẹ ơi, con nấu ăn dở lắm phải không mẹ?”
Những đêm chị không ngủ được, con trai cũng thức trắng. Cậu ngồi bên cạnh giường, nắm chặt hai bàn tay mẹ đến chừng nào mẹ thiếp đi mới thôi.
Bạn bè cũng liên tục đến thăm, động viên chị Khánh Chi. Đến nỗi một cô bạn bảo: “Chị là người bệnh hạnh phúc nhất trên đời. Người ta khi bệnh chỉ được đến thăm một lần, nhận quà một lần. Còn tụi em đến với chị suốt ngày này sang ngày khác, đưa chị đi ăn, trò chuyện với chị”.
Cơ quan thì chưa bao giờ yêu cầu chị tạm nghỉ để chữa bệnh. Chị vẫn làm việc ở nhà, và mỗi lần lên cơ quan đều được đón tiếp như người hùng.
Nhà thơ – nhà báo Khánh Chi (trái) vượt qua ung thư vú bằng sự bình tâm
Từ những trải nghiệm của mình, chị Khánh Chi nhận thấy gia đình, bạn bè chính là những người đồng hành tuyệt vời nhất với bệnh nhân ung thư, giúp họ mạnh mẽ vượt qua bệnh tật.
Và những người thân yêu đã mang đến cho chị niềm hạnh phúc vô giá.
Chị từng đặt tựa cho một bài viết của mình trên Tạp chí Đẹp vào những ngày điều trị ung thư: “Khi bị bệnh, tôi cảm thấy mình hạnh phúc hơn”. Niềm hạnh phúc đó đến từ nhận thức sức mạnh, khả năng của mình ở đâu, nguồn hỗ trợ của mình ở đâu và những người thân yêu của mình ở đâu trong cuộc chiến này.
TẬN HOA
Hoa nở tận hoa
Cây cỗi bung lá lụa
Cho ai ngỡ xuân tàn
Lại xanhNgày đốt tận nắng
Chiều ủ tro hoàng hôn
Cho ai ngỡ tối tăm
Lại ấmTàn cuộc tình, tận thương
Từ đổ nát, xót mình
Cho ai ngỡ hoang tàn
Lại yêuTrích tập thơ Người chơi cát thế gian của Khánh Chi (NXB Hội nhà văn, 2020)