Search

[Phụ Nữ Online] Mỗi đứa trẻ đều có thiên hướng nhất định nhưng không hẳn sẽ là thiên tài

PNO – Theo tiến sĩ Giang Hoa – Phó viện trưởng Viện Di truyền Y học – cấu tạo gen quy định khả năng của một đứa trẻ, nhưng để trẻ trở thành một người tài năng thì không thể chỉ dựa vào khả năng trời cho.

Nhiều đứa trẻ bị người lớn phóng đại về khả năng với danh xưng “thần đồng” đã phải gánh trên vai sức nặng của chiếc vòng nguyệt quế hão huyền. Thực tế, không riêng trẻ mà ngay cả những phụ huynh của những đứa trẻ bị phong danh “thần đồng” đều phải chịu những áp lực không đáng có của danh xưng trên..

*Phóng viên: Thưa ông, ngoài ảnh hưởng từ gen, những yếu tố nào quyết định đến khả năng đặc biệt của một đứa trẻ?

– Tiến sĩ Giang Hoa: Bất kỳ đứa trẻ nào cũng có những khả năng khác nhau. Những khả năng đó là kết quả của ba yếu tố: di truyền, môi trường, lối sống và giáo dục. Trong đó, yếu tố di truyền là nền tảng, giúp nhận ra mỗi đứa trẻ có thiên hướng nhất định nào; khi mình biết rõ thiên hướng đó là gì, kết hợp với phương pháp giáo dục và môi trường phát triển tốt thì sẽ tối ưu hóa khả năng của trẻ. Đó là sự khẳng định cho thiên hướng của mỗi đứa trẻ có vai trò của gen mặc dù đến nay, khoa học chưa giải thích hết ngọn nguồn mọi thứ. Trong thực tế, gen cũng chỉ là một phần của sự khởi đầu, kết quả sự tổng hòa của ba yếu tố trên mới hình thành nên năng lực của một con người.

[Phụ Nữ Online] Mỗi đứa trẻ đều có thiên hướng nhất định nhưng không hẳn sẽ là thiên tài 1

Ví dụ như Usain Bolt (vận động viên điền kinh nổi tiếng) chỉ chạy được cự ly ngắn, không thể chạy tốt ở cự ly dài. Điều này có liên quan đến gen. Trong hệ gen con người, có những gen tạo ra enzyme giúp phân hủy năng lượng rất nhanh. Với những người như Usain Bolt, giới khoa học cho rằng, họ sở hữu những gen có thể chế tạo ra men giải phóng năng lượng nhanh hơn người bình thường, ngay trong tích tắc có thể huy động rất nhiều năng lượng. Nhưng kể cả khi Usain Bolt là người sở hữu thiên hướng sức mạnh, tốc độ thì cũng phải trải qua quá trình tập luyện rất nhiều mới có được thành tích và vị trí hiện tại. 

* Vậy, đối với những khả năng thuộc về trí tuệ thì sao, thưa tiến sĩ?

– Trí thông minh, tài năng về nghệ thuật sẽ “khó hiểu” hơn khả năng vận động. Liên quan đến thần kinh, có rất nhiều gen khác nhau mà y học chỉ hiểu được chưa đến một phần nhỏ của nó. Hiện nay, giới khoa học cho rằng, gen có liên quan đến trí thông minh nhưng để biết cụ thể những gen nào, kết hợp ra sao mới giúp phát triển toàn diện trí thông minh thì vẫn chưa có đáp án. 

Những đứa trẻ có khả năng ghi nhớ từ vựng (có liên quan đến trí nhớ ngắn hạn) có thể ghi nhớ nhanh thông tin được cung cấp nhưng điểm yếu của chúng là ghi nhớ nhanh nhưng mau quên hơn những đứa trẻ có khuynh hướng ghi nhớ dài hạn. Điều này lý giải vì sao ở những cuộc thi thử thách ghi nhớ nhanh, những người có trí nhớ ngắn hạn sẽ cho ra kết quả nhanh và chính xác hơn. Nhưng cùng dữ kiện đó, bạn cho thời gian ghi nhớ trong một ngày thì những người có trí nhớ dài hạn cũng sẽ ghi nhớ được các dữ kiện đó và có thể nhớ trong thời gian lâu hơn. 

Điều này có liên quan đến chất dẫn truyền thần kinh để liên kết các nơ-ron thần kinh ở mỗi người. Người có thể tạo liên kết nhanh sẽ mau chóng nhận ra, ghi nhớ và xóa đi. Người có khả năng ghi chép và khắc họa nhiều lần thì sẽ nhớ lâu hơn. Những người tham gia các cuộc thi ghi nhớ nhanh có những đột biến gen làm cho chất dẫn truyền thần kinh sản xuất nhiều và nhanh hơn, giúp ghi nhớ nhanh và nhiều hơn người thường trong một thời gian ngắn.

* Việc luyện tập có thể cải thiện khả năng hay thay đổi được thiên hướng không, thưa ông?

– Luyện tập có thể cải thiện được khả năng. Nếu như hai người có cùng một nền tảng, người tập luyện khoa học hơn sẽ đẩy ngưỡng của bản thân lên cao hơn. Nhưng nếu hai người cùng luyện tập với cùng phương pháp, cùng cường độ thì người có tố chất (gen) mà dân gian hay nói là “khả năng thiên phú” sẽ có thế mạnh hơn. Như bạn biết đó, những vận động viên đỉnh cao chỉ cần chênh nhau một chút thôi đã làm nên sự khác biệt. 

* Nghĩa là thần đồng, thiên tài hay người có một khả năng vượt trội thì phải có bộ gen đặc biệt?

– Có thể có nhưng tính đến nay, khoa học vẫn chưa thể nhận diện được điều gì trong bộ gen làm cho họ trở nên khác biệt so với số đông còn lại. Khoa học dự đoán là có nhưng nằm ở đâu, chính xác vị trí nào thì không ai biết. Đây là giới hạn của khoa học về việc xác định thần đồng, thiên tài, nhất là với những tài năng thuộc về trí thông minh, nghệ thuật, yếu tố gen và di truyền đóng vai trò không nhỏ nhưng nó cũng cực kỳ phức tạp để giải thích hết bằng khoa học. Tôi không nghĩ khoa học có thể đi đến tận cùng để xác định những gen, vị trí nào giúp một đứa trẻ trở thành thần đồng.

[Phụ Nữ Online] Mỗi đứa trẻ đều có thiên hướng nhất định nhưng không hẳn sẽ là thiên tài 3

* Không thể đi đến tận cùng, kể cả trong tương lai sao, thưa ông?

– Thứ nhất, mỗi người có khoảng 22.000 gen và cho đến giờ, con người chỉ mới hiểu được đâu đó 5.000 gen, chủ yếu là gen liên quan đến bệnh tật. Con người chưa thể hiểu một cách đầy đủ vai trò thực sự của khoảng 17.000 gen còn lại. Thứ hai, số lượng thần đồng rất ít – nghĩa là mẫu rất ít – trong khi chúng ta cần phân tích trên rất nhiều cá thể thần đồng cùng một nhóm để đưa ra mẫu số chung. Giới khoa học thế giới cũng rất quan tâm nhưng không thể phủ nhận rằng, có những điều ngoài tầm hiểu biết của khoa học.

* Liệu cha mẹ có thể kiểm tra (test) gen để biết con mình có phải thần đồng hay không?

– Điều này còn phụ thuộc vào việc có chứng cứ về mặt di truyền rõ rệt hay không. Chẳng hạn như về cơ bắp, việc xét nghiệm gen chỉ có thể cho biết đứa trẻ đó có thiên hướng về sức mạnh hay không. Còn đứa trẻ đó có tài năng vàng hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như đã nói. Khả năng chỉ là khởi đầu, còn tài năng thì cần qua quá trình rèn luyện. 

Chẳng hạn như vận động viên bơi lội hay chạy bộ, sau khi làm xét nghiệm gen, có thể biết nên thi đấu ở cự ly ngắn hay dài để tối đa hóa ưu thế. Việc xét nghiệm gen chỉ để hiểu được con mình có thiên hướng thế nào, từ đó chọn phương pháp giáo dục phù hợp mà thôi.

* Theo tiến sĩ, có thể điều chỉnh gen để tạo ra những đứa trẻ tài năng không?

– Khoa học hiện nay có thể chỉnh sửa gen nhưng chỉ áp dụng trong trường hợp bệnh tật. Một bệnh nhân bị mù do bất thường của gen RPE65 thì có thể chỉnh sửa gen này để trị bệnh. Vấn đề cốt lõi là chúng ta cần phải biết được chỗ nào cần điều chỉnh để tạo ra một tài năng nhất định. Tôi lấy ví dụ, bạn muốn con trở thành thiên tài về mặt tính toán thì phải biết những gen nào quy định khả năng tính toán để chỉnh sửa, nhưng cho đến nay, khoa học chưa thể biết được chính xác gen nào quy định khả năng này. 

Tài năng về trí tuệ, về nghệ thuật là tổng hòa của rất nhiều gen khác nhau. Không biết đến khi nào, khoa học hiểu hết được rằng gen A thế này, gen B thế kia thì mới quy định ra một tài năng về âm nhạc. Và giả sử có thể hiểu biết đến mức đó, cũng cần phải chỉnh sửa rất nhiều thứ, trong khi chỉnh sửa một vị trí trong gen thôi, đã vô cùng phức tạp. Vì vậy, tôi nghĩ phương pháp này gần như không khả thi. 

Có không ít phụ huynh tìm đến xét nghiệm để xem con mình có giỏi hay không bởi cha mẹ có quyền kỳ vọng vào con cái, nhưng chúng tôi trả lời rất rõ ràng là khoa học thế giới vẫn chưa thể hiểu hết những gen nào quy định trí thông minh. Những điều có thể trả lời được hiện nay là một vài thiên hướng của trẻ. 

* Có rất nhiều thần đồng biến mất khi lớn lên. Ông lý giải ra sao về hiện tượng này?

– Yếu tố di truyền chỉ cho biết nền tảng ban đầu. Nền tảng đó phải được nuôi dưỡng mới dẫn đến thành công. Nuôi dưỡng là yếu tố cực kỳ quan trọng, đòi hỏi phải có phương pháp phù hợp. Ví như, một đứa trẻ có gen Absolute Pitch sẽ có độ nhạy tốt hơn trong cảm nhận âm nhạc nhưng để trở thành một ca sĩ hay nhạc sĩ, còn cần những yếu tố, điều kiện khác nữa. 

Có khả năng chỉ là bước sơ khởi. Biểu hiện của gen nguyên thủy nhất là khi trẻ còn nhỏ, chưa bị tác động của các yếu tố giáo dục và môi trường. Trong những đứa trẻ có cùng nhóm gen này, mỗi trẻ sở hữu thêm các gen khác, cộng với sự tác động của việc thiếu đào luyện, sẽ làm cho đứa trẻ không phát triển được khả năng ban đầu, đó là cách thần đồng “biến mất”. 

Trẻ có trí nhớ ngắn hạn là một khả năng nhưng đôi khi, để thành công, lại cần trí nhớ dài hạn hơn. Cha mẹ không nên chăm chăm phát triển khả năng nhớ nhanh mà không bổ khuyết các thứ khác cho con. Dần dà, khi lớn lên, người đó chỉ biết nhớ nhanh, đụng đến những vấn đề sâu thì không phân tích được. Cuộc sống đâu chỉ là sân chơi của một gameshow, có khi thành công lúc nhỏ lại là trở ngại khi trưởng thành. 

Tôi cho rằng, xác định gen để biết được khuynh hướng tính cách, khả năng của con để điều chỉnh cách giáo dục phù hợp (cả thể chất lẫn tinh thần) là khía cạnh tích cực. Thay vì kỳ vọng, cha mẹ nên hiểu con mình hơn, phát huy thế mạnh, bổ khuyết điều chưa tốt. Bất kỳ đứa trẻ nào cũng sẽ có một thiên hướng nhất định và không giống nhau. Điều quan trọng là chúng ta phải nhớ rằng, cơ thể rất cân bằng, nếu không mạnh thì sẽ bền, ưu điểm nào cũng có thể trở thành nhược điểm và ngược lại..

* Xin cảm ơn tiến sĩ.

Theo Phụ Nữ Online

Gene Solution Việt Nam

Công nghệ gen vì sức khoẻ cộng đồng

Facebook
X
LinkedIn

Chuyên gia GENE SOLUTIONS đang lắng nghe bạn !