Giỏ hàng
No products in the cart.
0

Quá trình sinh ung: Hiểu để phòng tránh

Mục lục
    Add a header to begin generating the table of contents

    Ung thư là nguyên nhân gây tử vong thứ hai trên thế giới, chỉ sau tim mạch. Tuy nhiên, tỷ lệ sống còn của nhiều loại ung thư đang dần được cải thiện nhờ vào sự tiến bộ trong công tác phòng ngừa ung thư, chiến lược tầm soát – chẩn đoán sớm, và điều trị. Việc hiểu về quá trình sinh ung sẽ giúp người dân tăng cường nhận thức về việc tầm soát và phòng ngừa bệnh ngay từ ban đầu.

    Những điều cần biết về ung thư

    Theo thống kê, số lượng người mắc ung thư trên toàn thế giới đang ngày càng tăng. Trích dữ liệu từ Globocan, số ca ung thư dự kiến sẽ tăng từ 19 triệu ca vào năm 2020 lên đến gần 29 triệu ca vào năm 2040.

    Bên cạnh đó, Globocan cũng đưa ra dự đoán, trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến 2040, số ca mắc bệnh ở các nước HDI (Chỉ số phát triển con người) thấp sẽ tăng lên 96%; trong khi đó, ở các nước có HDI cao chỉ tăng 32.2%. Điều này được cho là có liên quan đến việc cải thiện nhận thức và đẩy mạnh công tác sàng lọc ở các nước phát triển.

    Số ca mắc bệnh ở các nước HDI thấp cao hơn ở những nước có HDI cao (Nguồn: American Cancer Society Journals)

    Trước khi tìm hiểu về quá trình sinh ung, hãy cùng Gene Solutions hiểu định nghĩa về ung thư.

    Bướu là gì?

    Khái niệm “bướu” dùng để chỉ khối tế bào tăng sinh mạnh trong cơ thể người. Thuật ngữ bướu có thể bao gồm cả bướu lành tính và bướu ác tính (hay con gọi là ung thư), đều có sự tăng sinh tế bào mạnh mẽ hơn các tế bào bình thường. Điểm khác biệt cốt lõi để phân biệt 2 loại bướu này là “khả năng xâm lấn màng đáy” của chính khối bướu. Nếu khối bướu có khả năng hoặc đã xâm lấn màng đáy bên dưới thì đây là chỉ điểm của ung thư. Nếu khối bướu tuy tăng trưởng mạnh, nhưng chỉ giới hạn khu trú tại chỗ, không khả năng xâm lấn màng đáy, thì đây là chỉ điểm của bướu lành tính.

    Khi được phẫu thuật, bướu lành thường không tái phát hay di căn xa, nhưng khối u ác tính thì có thể tái phát ngay cả sau nhiều điều trị. Tuy nhiên, một số khối u lành tính vẫn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh (trong trường hợp khối u xuất hiện ở các vị trí nguy hiểm như não hoặc cơ quan hô hấp…), gây ra chèn ép và phá huỷ các cơ quan trọng yếu như tắc nghẽn đường thở, tắc nghẽn đường tiêu hoá, chèn ép nhu mô não…

    Ung thư là gì?

    Ung thư là bệnh do quá trình tăng sinh của các tế bào bị rối loạn, tăng trưởng một cách mất kiểm soát, từ đó dẫn đến việc hình thành khối bướu ác tính. Sau đó là xâm lấn màng đáy bên dưới, lan rộng tại chỗ/ vùng và di căn xa đến các cơ quan khác trong cơ thể. Lưu ý rằng, ung thư có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu trong cơ thể con người.

    Hiện nay, có đến hơn 200 loại ung thư khác nhau. Con số này vẫn còn đang có xu hướng lũy tiến, được cập nhật và nghiên cứu hàng năm.

    Sự khác biệt giữa tế bào bình thường và tế bào ung thư

    Cơ thể con người được cấu tạo từ hàng nghìn tỷ tế bào, những tế bào này trong suốt cuộc đời sẽ phát triển và phân chia theo một quy luật nhất định, do có nhiều cơ chế kiểm soát, điều hoà chặt chẽ số lượng tế bào. Khi tế bào già, chúng sẽ chết theo lập trình (tức sự chết đã quy định sẵn trong gen của mỗi tế bào), và quá trình này gọi là “apoptosis”.

    Tế bào bình thường và tế bào ung thư (Nguồn: Medparkhospital)

    Các tế bào ung thư sử dụng chất dinh dưỡng và áp dụng cách thức biến đổi chất dinh dưỡng thành năng lượng theo một cách khác biệt. Điều này giúp chúng phát triển nhanh hơn tế bào bình thường. Ví dụ, khối u có thể tự kích thích tạo mới mạch máu, từ đó tăng cường cung cấp dưỡng chất.

    Các tế bào bình thường sẽ ngừng phân chia khi tiếp xúc với tế bào lân cận và thường không di chuyển đến nơi khác. Ngược lại, các tế bào ung thư có thể xâm nhập vào các mô xung quanh và lan rộng đến các cơ quan khác trong cơ thể.

    Đồng thời, các tế bào ung thư cũng có thể né tránh sự giám sát của hệ thống miễn dịch, thậm chí lợi dụng nó để hỗ trợ cho sự phát triển của khối u. Theo nhiều giả thuyết, tế bào ung thư có thể ngụy trang thành tế bào bình thường bằng cách thay đổi các kháng nguyên trên bề mặt. Theo đó, các tế bào ung thư vượt qua được sự kiểm duyệt của hệ thống miễn dịch cơ thể, để tiếp tục tồn tại và phát triển mạnh mẽ.

    Dựa vào cơ chế phát triển chung của tế bào ung thư, các bác sĩ đã nghiên cứu ra nhiều phương pháp để ngăn chặn sự nuôi dưỡng khối u. Một số phương pháp điều trị thường gồm: thuốc kháng tăng sinh mạch máu, thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch…

    Trên thực tế, điều trị ung thư hiện nay đã có nhiều bước tiến mới nhằm cải thiện kết cục sống còn và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Tuy nhiên, điều trị ung thư vẫn luôn là thách thức với các bác sĩ tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Bởi, đa phần bệnh nhân ung thư chỉ phát hiện bệnh khi đã xuất hiện dấu hiệu và bước vào giai đoạn muộn. Điều này dẫn đến nhiều gánh nặng về tài chính, tâm lý của cả người bệnh và người nhà.

    Nguyên nhân gây ra ung thư là gì?

    Chưa có bất kỳ nghiên cứu nào chỉ ra nguyên nhân gây ung thư cụ thể. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho rằng, ung thư là do sự tích lũy các biến đổi trong ADN gây ra bởi nhiều yếu tố khác nhau (vật lý, hoá học, sinh học…)

    Chưa có bất kỳ nghiên cứu nào chỉ ra nguyên nhân gây ung thư cụ thể

    Các yếu tố này có thể liên quan đến gen, môi trường hoặc lối sống của người đó. Hai yếu tố ung thư phổ biến bao gồm:

    Ung thư do lối sống và môi trường

    Ung thư do lối sống và môi trường thường chiếm hơn 90% các trường hợp ung thư mới chẩn đoán. Bệnh được hình thành trong trường hợp này do liên tục tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ. Một số yếu tố nguy cơ có thể không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh, nhưng là nguyên nhân khiến cơ thể bị suy giảm miễn dịch, tạo điều kiện cho bệnh phát triển.

    Yếu tố lối sống. Thường xuyên hút thuốc, uống rượu bia, chế độ ăn thiếu dinh dưỡng, thường xuyên ăn thực phẩm nhiều chất béo, thiếu ngủ, không vận động… sẽ khiến hệ miễn dịch suy yếu, tạo điều kiện cho virus/ vi khuẩn xâm nhập. Đặc biệt, các yếu tố nguy cơ gây ung thư cũng có môi trường để phát triển.
    Yếu tố môi trường. Thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hoặc các hóa chất độc hại công nghiệp có thể làm tăng nguy cơ ung thư.

    Ung thư do di truyền (gen di truyền)

    Tuy ung thư di truyền chỉ chiếm khoảng dưới 10% trong tổng số bệnh nhân ung thư, nhưng những người mang gen đột biến di truyền có khả năng mắc ung thư đến 45% – 85% ở bất kỳ giai đoạn nào trong suốt cuộc đời của họ, khiến cho việc chẩn đoán sớm, chiến lược tầm soát đặc biệt cho nhóm nguy cơ cao này là điều rất cần thiết.

    Xét về tiền sử gia đình, gen đóng vai trò vô cùng quan trọng trong ung thư di truyền. Nếu gia đình có người nhà bị ung thư di truyền, bộ gen đột biến có thể di truyền sang đời sau.

    Người mang gen đột biến di truyền có khả năng mắc ung thư lên đến 45%-85%

    Có ba loại gen chính có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của tế bào và đột biến ở một số loại ung thư, bao gồm:

    • Gen tiền ung (Proto-oncogene): vốn là những gen kích thích sự phân chia để tăng sinh của tế bào bình thường. Chính nhờ những gen này, các tế bào trong cơ thể có thể liên tục được đổi mới, hoặc tạo ra để chữa lành các tổn thương trong đời sống (bỏng, rách da, va đập, dập mô…). Chỉ khi các gen này được “mở” liên tục mà không thể “tắt” đi, khi đó quá trình sinh ung diễn ra liên tục một cách mất kiểm soát, và đây là nguồn gốc của mọi khối bướu ác tính.
    • Gen đè nén bướu (Tumor suppressor genes): Những gen này có thể nhận ra sự phát triển và sinh sản bất thường của các tế bào bị tổn thương hoặc tế bào ung thư. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp các gen đè nén bướu bị lỗi, khiến khối u phát triển nhanh chóng, do không còn các gen đè nén vốn có chức năng canh gác sự tăng sinh bất thường.
    • Các gen sửa chữa bắt cặp sai (Mismatch-repair genes): Gen sửa chữa bắt cặp sai có chức năng nhận ra lỗi khi DNA được sao chép để tạo ra một tế bào mới. Tuy nhiên, nếu những gen này không hoạt động bình thường, các lỗi trong DNA có thể được truyền sang các tế bào mới, khiến chúng bị hư hỏng.

    Tham khảo: Xét nghiệm tầm soát ung thư di truyền OncoSure một lần trong đời

    Một số nguyên nhân khách quan khác

    Các nguyên nhân khác được cho là gây tăng nguy cơ ung thư phải kể đến như:

    • Tiếp xúc với một số virus. Virus Epstein-Barr, HIV/ AIDS có thể làm thay đổi chu trình phân chia tế bào, từ đó làm tăng nguy cơ tiến triển thành ung thư.
    • Hội chứng rối loạn gen. Một số hội chứng bệnh hiếm như hội chứng Wiskott-Aldrich và Beckwith-Wiedemann có thể làm thay đổi hệ miễn dịch, từ đó tăng nguy cơ nhiễm trùng và mắc một số bệnh.

    Quá trình sinh ung

    Theo nghiên cứu, ung thư thường sẽ phát triển theo 4 giai đoạn: Giai đoạn khơi mào, giai đoạn tích lũy, giai đoạn tiến triển, giai đoạn xâm lấn.

    Ung thư sẽ phát triển qua 4 giai đoạn (nguồn: ncbi.nlm.nih.gov)

    Quá trình phát triển của ung thư không chỉ phức tạp mà còn kéo dài, trải qua nhiều giai đoạn khác nhau từ khi mới khởi phát cho đến lúc di căn. Trung bình, 4 giai đoạn quá trình sinh ung sẽ trải qua trong 15 năm, bao gồm 12 năm âm thầm và 3 năm sau đó là lúc bắt đầu di căn.

    Giai đoạn khơi mào

    Ở giai đoạn này, sự hình thành khối u bắt đầu từ tổn thương gen không thể phục hồi, dẫn đến việc DNA trong tế bào bị tổn thương hoặc đột biến. Điều này thường xảy ra khi cơ thể gặp tác động nào đó ảnh hưởng đến quá trình tự chết của tế bào Apoptosis hoặc quá trình tạo tế bào mới mà không có khả năng tự sửa chữa.

    Trên thực tế, cơ thể con người có các cơ chế sửa chữa DNA, nhưng khi tác động tiêu cực quá mạnh hoặc liên tục, khả năng sửa chữa bị quá tải và dẫn đến đột biến gen. Tổn thương này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như gen di truyền, tiếp xúc với hóa chất độc hại, bức xạ, hoặc thậm chí là do vi rút.

    Nhìn chung, một đột biến nhỏ không đủ tạo ra tế bào ung thư ngay lập tức, nhưng đây sẽ là tiền đề hướng tới việc hình thành khối u sau này.

    Giai đoạn tích lũy

    Tại giai đoạn tích lũy, tế bào với DNA đã bị tổn thương hoặc đột biến bắt đầu phân chia một cách không kiểm soát. Các yếu tố môi trường bên ngoài như chế độ dinh dưỡng, hormone, viêm nhiễm,… có thể thúc đẩy quá trình này.

    Việc tiếp xúc lâu dài với các tác nhân gây hại từ môi trường sống hoặc nơi làm việc cũng tăng khả năng phát triển thành tế bào ung thư. Giai đoạn này cũng thường diễn ra âm thầm, không biểu hiện qua triệu chứng cụ thể, làm tăng khó khăn trong việc phát hiện sớm bệnh.

    Giai đoạn hoá ác tính (xâm lấn màng đáy)

    Ở giai đoạn tiến triển, tế bào bất thường phát triển thành tế bào ung thư có khả năng xâm lấn và phá hủy mô xung quanh. Sự chuyển đổi ở giai đoạn này là kết quả của các biến đổi tiếp tục, khiến cho tế bào mất đi khả năng kiểm soát sự phát triển và phân chia. Đây cũng là bước ngoặt quan trọng đánh dấu sự khởi đầu của giai đoạn ung thư xâm lấn và di căn.

    Giai đoạn di căn

    Trong giai đoạn cuối cùng, tế bào ung thư đã phát triển đủ lớn và có khả năng xâm nhập vào các mô và cấu trúc lân cận. Chúng có thể di căn qua hệ thống bạch huyết hoặc hệ thống tuần hoàn máu. Đồng thời cho phép “định cư” tại các cơ quan xa, tạo nên các khối u mới riêng biệt và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng.

    Giai đoạn này thường đi kèm với các triệu chứng rõ ràng, người bệnh cũng bắt đầu nhận thấy sự bất thường và tìm đến bệnh viện thăm khám. Tuy nhiên, vào lúc này, việc điều trị sẽ rất khó khăn và phức tạp do khối u ung thư đã lan rộng.

    Các biến chứng phổ biến bao gồm đau người, mệt mỏi, suy giảm chức năng cơ quan, giảm khả năng miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm trùng. Việc quản lý và theo dõi bệnh ở giai đoạn này sẽ tập trung nhiều vào kiểm soát triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định một số liệu pháp nhằm giảm kích thước hoặc loại bỏ khối u tùy theo tình trạng sức khỏe và nhu cầu của bệnh nhân.

    Quá trình sinh ung

    Kết luận

    Theo thống kê, ung thư đã cướp đi sinh mạng của 10 triệu người vào năm 2020, con số này tập trung nhiều ở các nước thu nhập thấp và trung bình với số ca tử vong chiếm 70%. Sự thiếu hụt về nguồn lực y tế là một trong những nguyên nhân làm trầm trọng thêm gánh nặng ung thư, bởi việc tiếp cận tầm soát, phòng ngừa, sàng lọc, và điều trị kịp thời còn hạn chế.

    Mặc dù kiến thức về ung thư ngày càng được chú trọng, nhưng việc đẩy mạnh công tác phòng ngừa, tầm soát và can thiệp vẫn đang là thách thức chung của ngành y tế.

    Phát hiện sớm qua thăm khám sức khỏe và sàng lọc định kỳ có thể nâng cao tỷ lệ điều trị thành công lên đến 90%. Nâng cao nhận biết về quá trình phát triển ung thư sẽ giúp cộng đồng chủ động sống lành mạnh. Đồng thời cũng là chìa khóa để chẩn đoán và điều trị bệnh từ sớm, mang lại hiệu quả cao trong điều trị và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

    Nguồn thông tin:
    https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5394024/ 
    https://www.cancer.org/about-us/our-global-health-work/global-cancer-burden.html#:~:text=Cancer%20is%20the%20second%20leading,%2Dmiddle%2Dincome%20countries1.
    https://www.medparkhospital.com/en-US/disease-and-treatment/differences-between-cancer-cells-and-normal-cells
    https://www.wcrf.org/differences-in-cancer-incidence-and-mortality-across-the-globe/

    Hy vọng qua bài viết với thông tin hữu ích về chủ đề “quá trình sinh ung”, mọi người sẽ có cái nhìn khách quan hơn về căn bệnh này, để cùng hướng tới một tương lai mà ung thư không còn là án tử.

     

     

     

    Bài viết liên quan

    Bình luận

    Chuyên gia GENE SOLUTIONS đang lắng nghe bạn !

    Tư vấn di truyền