TS.BS Nguyễn Duy Sinh, đại diện Gene Solutions, đã giới thiệu những ứng dụng đa dạng của công nghệ gen trong điều trị và theo dõi ung thư tiêu hoá tại Hội thảo khoa học “Cập nhật về Tiêu hoá – Gan mật năm 2022”.
Hội thảo khoa học “Cập nhật về Tiêu hoá – Gan mật năm 2022 – Best of Hepato – Gastro – Enterology (HGE) vừa diễn ra tại thành phố Đà Lạt vào ngày 17/12.
Toàn cảnh Hội thảo
Là sự kiện thường niên từ năm 2018, do Hội Tiêu hoá tỉnh Thừa Thiên – Huế, Trường Đại học Y – Dược Huế và Sở Y tế Lâm Đồng phối hợp tổ chức, Hội thảo nhằm mục đích cập nhật các thành tựu mới nhất trên ba lĩnh vực gan mật, tiêu hoá và nội soi; tạo cơ hội trao đổi, học tập kiến thức và kinh nghiệm giữa các chuyên gia; góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị.
Đại diện các nhà tài trợ của Hội thảo
Hội thảo quy tụ khoảng 500 chuyên gia đầu ngành, bác sĩ chuyên khoa tiêu hoá, nội soi đang công tác tại các Trường Đại học/Cao đẳng Y Dược, bệnh viện và cơ sở y tế trong và ngoài nước. Các đại biểu đã báo cáo và thảo luận tại 4 phiên chủ đề: Gan – Tuỵ, Nội soi – Phẫu thuật, Y Sinh học trong HGE và Tiêu hoá.
TS.BS Nguyễn Duy Sinh (Viện Di truyền Y học – Gene Solutions) trình bày báo cáo “Khảo sát tồn dư tối thiểu của khối u trong điều trị và theo dõi ung thư tiêu hoá” tại phiên Y Sinh học trong HGE. Tham luận giới thiệu ứng dụng công nghệ giải trình tự gen thế hệ mới (NGS) để khảo sát DNA do tế bào khối u phóng thích vào trong máu (ctDNA).
TS.BS Nguyễn Duy Sinh trình bày tham luận tại Hội thảo
Đối với người muốn tầm soát ung thư, công nghệ SPOT-MAS™ giúp phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm. Đối với bệnh nhân ung thư, xét nghiệm oncoGS khảo sát định danh ctDNA giúp xác định đột biến của tế bào ung thư, làm cơ sở cho bác sĩ chọn giải pháp cá thể hóa, điều trị trúng đích, nâng cao hiệu quả. Đối với bệnh nhân ung thư đã được phẫu thuật triệt căn, K-track khảo sát định lượng ctDNA cho phép đánh giá hiệu quả điều trị, hỗ trợ bác sĩ chọn phương pháp hỗ trợ (nếu cần), và theo dõi tái phát, di căn.
Báo cáo của TS.BS Nguyễn Duy Sinh cũng đưa ra hướng dẫn ứng dụng K-track để đánh giá tồn dư khối u (minimal residual disease – MRD) sau điều trị triệt căn. Theo đó, có thể xét nghiệm ctDNA sau phẫu thuật 2 – 4 tuần (sau 7 – 10 ngày đối với ung thư gan).
Khi có ít nhất 1 đột biến trên ngưỡng phát hiện (trên 5 phân tử ctDNA trên 10.000 DNA ngoại bào trong máu), thì tín hiệu ctDNA là dương tính, nghĩa là bệnh nhân có tồn dư vi thể. Với kết quả này, bác sĩ sẽ kết hợp chẩn đoán hình ảnh để tìm ung thư tái phát, di căn, hoặc cân nhắc sử dụng thêm biện pháp điều trị hỗ trợ cho bệnh nhân.
Nếu ctDNA âm tính, bệnh nhân có nguy cơ tồn dư khối u thấp, cần đánh giá MRD định kỳ để theo dõi tái phát: cân nhắc khảo sát ctDNA mỗi 3 – 6 tháng trong 2 năm đầu sau phẫu thuật; mỗi 6 – 12 tháng trong 3 năm tiếp theo (tuỳ từng loại ung thư). Trong trường hợp ctDNA âm tính và hình ảnh học định kỳ không nghi ngờ, có thể cân nhắc ngừng theo dõi sau 5 năm.
Tham luận của TS.BS Nguyễn Duy Sinh đã thu hút sự quan tâm lớn từ các đại biểu dự Hội thảo. Ứng dụng công nghệ ctDNA đã bổ sung thêm những giải pháp tiên tiến, thuận lợi, hỗ trợ tốt cho bệnh nhân và bác sĩ trong quá trình điều trị, theo dõi ung thư tiêu hoá.
Quầy tư vấn của Gene Solutions
Gene Solutions đồng hành cùng Hội thảo khoa học “Cập nhật về Tiêu hoá – Gan mật năm 2022” với vai trò nhà tài trợ vàng. Đông đảo khách tham quan đã đến quầy tư vấn của công ty để tìm hiểu ứng dụng của công nghệ gen hỗ trợ phát hiện sớm, điều trị và theo dõi ung thư.