Nhiều phụ nữ không chủ động tầm soát ung thư vú vì sợ đối mặt với bệnh tật. Chính tâm lý chần chừ, trì hoãn đó làm lỡ mất thời gian phát hiện, điều trị tốt nhất cho căn bệnh này.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2020, toàn cầu có khoảng 2,3 triệu phụ nữ được chẩn đoán mắc ung thư vú. Tại Việt Nam, đây cũng là bệnh ung thư thường gặp nhất ở nữ giới với số người mắc lên đến 21.555, phần lớn được phát hiện ở giai đoạn muộn. Chỉ tính riêng năm ngoái, nước ta có khoảng 9.345 phụ nữ tử vong vì căn bệnh này.
Đa số trường hợp ung thư vú bắt đầu từ ống dẫn sữa, một phần nhỏ phát triển ở túi sữa hoặc các tiểu thùy. Ung thư vú nếu phát hiện và điều trị muộn có thể di căn vào xương và các bộ phận khác, gây đau đớn và khó chữa trị hơn. Các triệu chứng bất thường như đau vùng ngực, thay đổi màu vùng da, sưng, nổi hạch quanh tuyến vú, đau lưng, vai… đều có thể là dấu hiệu của bệnh.
Ung thư vú hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. Đa số bệnh nhân được chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu và điều trị đúng phác đồ. Do đó, việc phát hiện sớm ung thư đóng vai trò rất quan trọng.
Để tăng hiệu quả điều trị, bệnh nhân cần phát hiện sớm các triệu chứng hoặc thực hiện các biện pháp tầm soát sớm ung thư. TS.BS Phan Cảnh Duy – Phó trưởng Khoa Xạ trị, Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Trung ương Huế – nhận định: “Ung thư vú giai đoạn sớm là ung thư chỉ khu trú ở vú, kích thước nhỏ dưới 2 cm, như hạt đậu phộng. Nếu phát hiện sớm, tỷ lệ điều trị thành công là 99%. Nếu phát hiện muộn, tỷ lệ sống chỉ còn 27%”. Thông tin này được chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến “Tầm soát ung thư vú trọn vẹn: Yêu bản thân, đừng trì hoãn” do Viện Di truyền Y học – Gene Solutions phối hợp BV Phụ Sản Hà Nội, BV Trung Ương Huế, BV Đại học Y Dược TP.HCM và Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam BCNV tổ chức.
Có nhiều nguyên nhân gây ung thư vú như lối sống, tuổi tác, môi trường sống độc hại hoặc có mang các đột biến gene di truyền. Trong đó, yếu tố di truyền rất đáng lưu ý. BS Nguyễn Hữu Nguyên – Đồng sáng lập Gene Solutions – chia sẻ: “Bộ gene của chúng ta thừa hưởng một nửa của cha, một nửa của mẹ. Khi chúng ta phát hiện bất thường về gene di truyền gây tăng nguy cơ ung thư, thì điều này không xảy ra tự nhiên mà là thừa hưởng từ cha hoặc mẹ. Đồng nghĩa, khi người bệnh có con, họ cũng có thể trao cho con 50% khả năng mang những gene bất thường đó”.
Việc phát hiện sớm ung thư vú sẽ mang lại hiệu quả điều trị cao, giảm đáng kể chi phí điều trị cho người bệnh. Tuy vậy, không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới nói chung, tâm lý chủ quan hoặc ngần ngại, trì hoãn khi nhắc đến căn bệnh này làm rất nhiều phụ nữ không thực hiện tầm soát định kỳ, lỡ mất thời gian phát hiện bệnh và điều trị tốt nhất. Trong đó, xét nghiệm để tìm kiếm các đột biến gene được xác định làm tăng nguy cơ ung thư vú di truyền hiện được xem là phương pháp hiệu quả và kinh tế, giúp chị em tầm soát sớm nguy cơ mắc ung thư vú di truyền cho bản thân và người thân trong gia đình.
“Gia đình tôi có chị gái và cô ruột mất vì ung thư. Khi chị gái qua đời, tôi ý thức rằng mình có tiền sử gia đình và nguy cơ mắc bệnh cao nên đã chủ động thực hiện xét nghiệm gene khi được giới thiệu. Chi phí xét nghiệm gene cách đây 5 năm rất đắt, khoảng 30-60 triệu đồng. Tôi khá buồn khi kết quả cho biết mình có mang đột biến gene BRCA1 với nguy cơ mắc ung thư vú di truyền rất cao. Tuy nhiên, tôi thấy may mắn vì ít nhất đã biết đến phương pháp này sớm và hiểu rõ nguy cơ của mình để có phương án chủ động phòng ngừa”, bà Nguyễn Thủy Tiên – Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam BCNV – chia sẻ.
Bà Nguyễn Thủy Tiên cho biết thêm: “Tôi từng làm việc cùng những người mắc ung thư vú ở giai đoạn muộn, giấu chồng con, gia đình và có suy nghĩ gánh chịu một mình. Người phụ nữ luôn chọn hy sinh, nhưng liệu người thân có hạnh phúc với sự đánh đổi đó của họ không? Tôi mong muốn người phụ nữ trước hết phải học cách yêu thương bản thân mình trước khi chăm lo cho người khác”.
Để sớm phát hiện ung thư vú, chủ động tầm soát sức khỏe định kỳ là biện pháp mang lại hiệu quả cao. Trong đó, thực hiện xét nghiệm gene để tầm soát sớm nguy cơ ung thư vú di truyền được nhiều hiệp hội chuyên môn quốc tế khuyến nghị. Bộ Y tế cũng khuyến nghị việc thực hiện xét nghiệm gene để xác định 2 đột biến gene làm tăng nguy cơ ung thư vú di truyền (BRCA1, BRCA2), từ đó giúp kiểm soát tốt nguy cơ và chủ động tìm giải pháp hạn chế sự phát triển của ung thư vú. Tìm hiểu và quan tâm đến sức khỏe cơ thể mình là cách phái nữ được cổ vũ để tự yêu thương bản thân, dũng cảm đối mặt với bệnh như cách họ luôn kiên cường, mạnh mẽ ở cạnh bên những người thân yêu.
Nhân Tháng Thế giới hành động phòng chống ung thư vú, Gene Solutions triển khai rộng rãi dịch vụ giải mã gene tầm soát nguy cơ ung thư di truyền oncoSure và PinkCare, khảo sát các bệnh ung thư di truyền phổ biến nhất ở người Việt Nam, trong đó có ung thư vú. Người thực hiện giải mã gene sẽ được khảo sát các đột biến gene gây bệnh để đánh giá nguy cơ mắc bệnh sớm, giúp lên kế hoạch theo dõi đúng cách và ngăn ngừa ung thư khởi phát. Bên cạnh đó, oncoSure và PinkCare sẽ hỗ trợ xét nghiệm miễn phí cho 3 người thân cùng huyết thống để tầm soát nguy cơ di truyền đột biến gene gây bệnh trong gia đình nếu người thực hiện có kết quả “dương tính”. Độc giả xem thêm thông tin về dịch vụ giải mã gen tầm soát nguy cơ ung thư vú di truyền tại đây. |
Nguồn: Báo Zing