Khám tầm soát ung thư ở đâu uy tín? Top bệnh viện & gói tầm soát tốt nhất 2025

Khám tầm soát ung thư ở đâu là câu hỏi mà nhiều người đặt ra khi bắt đầu quan tâm đến việc bảo vệ sức khỏe. Hãy cùng tìm hiểu những yếu tố cần xem xét khi lựa chọn cơ sở y tế cho việc tầm soát ung thư trong bài viết sau. 

Tại sao nên tầm soát ung thư sớm? 

Ung thư là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai tại Việt Nam, chỉ sau bệnh tim mạch. Theo thống kê từ GLOBOCAN 2020, mỗi năm nước ta ghi nhận khoảng 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do căn bệnh này. 

Điều đáng lo ngại là ung thư thường tiến triển âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Nhiều người chỉ phát hiện bệnh khi đã bước sang giai đoạn muộn, lúc này việc điều trị trở nên khó khăn, tốn kém và hiệu quả thấp hơn rất nhiều. 

Phát hiện muộn khiến việc điều trị trở nên khó khăn, tốn kém
Phát hiện muộn khiến việc điều trị trở nên khó khăn, tốn kém

Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm, nhiều loại ung thư như ung thư vú, cổ tử cung, đại trực tràng, phổi… hoàn toàn có thể điều trị hiệu quả với tỷ lệ sống sau 5 năm tăng vượt trội. Tỷ lệ khỏi bệnh theo các báo cáo có thể lên tới 80–90%, thậm chí 100% nếu phát hiện từ giai đoạn tiền ung thư. 

Thế nhưng, nhận thức của người dân Việt Nam về tầm soát ung thư vẫn còn nhiều hạn chế. Không ít người vẫn mang tâm lý “không đau thì không khám”, hoặc ngại chi phí nên chần chừ. Một số khác thì chủ quan, nghĩ rằng ung thư là chuyện của ai đó, không phải của mình. Chính sự lơ là này khiến người bệnh bỏ lỡ “cơ hội vàng” để can thiệp kịp thời, khi bệnh vẫn còn ở giai đoạn dễ kiểm soát nhất. 

Bởi nhận thức còn hạn chế, thực tế cho thấy theo báo cáo của WHO, 70% số ca tử vong do ung thư đến từ những quốc gia thu nhập thấp và trung bình, trong đó có Việt Nam. Điều này càng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức về tầm soát sớm. 

Ai cũng nên chủ động tầm soát ung thư định kỳ, đặc biệt là những người thuộc nhóm nguy cơ cao: trên 40 tuổi, có người thân từng mắc ung thư, thường xuyên hút thuốc, uống rượu bia, ăn uống thiếu lành mạnh, ít vận động, hoặc sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm, độc hại. 

Các phương pháp tầm soát ung thư phổ biến 

Xét nghiệm máu tìm dấu ấn ung thư 

Xét nghiệm máu tìm dấu ấn ung thư là một trong những cụm từ được nhiều người quan tâm khi nói đến tầm soát ung thư. Tuy nhiên, đây không phải là phương pháp được khuyến nghị sử dụng đơn lẻ trong tầm soát bệnh. 

Trên thực tế, khi trong cơ thể xuất hiện khối u, chúng có thể tiết ra một số chất đặc hiệu, hoặc khiến cơ thể phản ứng bằng cách sản sinh ra các protein cảnh báo – gọi là dấu ấn ung thư (tumor markers). Những chất này có thể được phát hiện trong máu, nước tiểu hoặc dịch cơ thể. Tuy nhiên, độ chính xác của các xét nghiệm sinh hóa này thường không cao, dễ dẫn đến kết quả dương tính giả hoặc âm tính giả. 

Ví dụ, một người không bị ung thư nhưng đang gặp tình trạng viêm, nhiễm trùng, thay đổi nội tiết… vẫn có thể có chỉ số dấu ấn ung thư tăng cao. Ngược lại, ở một số trường hợp ung thư giai đoạn đầu, các chỉ số này vẫn hoàn toàn bình thường. 

Một số dấu ấn ung thư thường gặp gồm: 

  • CEA (Carcinoembryonic Antigen) – là một chỉ số thường được ứng dụng trong sàng lọc và theo dõi ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên, CEA có thể tăng trong một số loại ung thư khác như ung thư dạ dày, phổi, tuyến tuỵ… Do đó, mặc dù CEA là một biomarker khá quan trọng, nhưng nó không đặc hiệu chỉ cho một loại ung thư cụ thể, và việc tăng CEA có thể gặp ở nhiều loại ung thư khác nhau như  dạ dày, phổi, tuyến tuỵ… 
  • AFP – ung thư gan  
  • CA 19-9 – hữu ích trong sàng lọc ung thư tụy, bên cạnh đó cũng tăng trong một số loại ung thư khác như đường mật, ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày ung thư gan  
  • CA 125 – ung thư buồng trứng 

Hiện nay, xét nghiệm dấu ấn ung thư trong máu chủ yếu được dùng để theo dõi diễn tiến bệnh, đánh giá hiệu quả điều trị, hoặc phát hiện tái phát sau phẫu thuật/hóa trị. Không nên sử dụng xét nghiệm này như một phương pháp tầm soát duy nhất, thể gây hiểu lầm, lo lắng không cần thiết hoặc bỏ sót bệnh. 

Nếu muốn sử dụng trong tầm soát, xét nghiệm máu cần được kết hợp với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu như: siêu âm, nội soi, CT scan, MRI hoặc xét nghiệm ctDNA (sàng lọc tế bào ung thư qua DNA trong máu) để tăng độ chính xác và xác định vị trí, kích thước khối u. 

Chẩn đoán hình ảnh (X-quang, Siêu âm, CT, MRI, ctDNA) 

Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh có vai trò tương đối lớn trong việc phát hiện sớm khối u, tổn thương hoặc bất thường về hình thái – cấu trúc của cơ quan trong cơ thể.  

CT scan là phương pháp chẩn đoán hình ảnh thường được sử dụng trong tầm soát
CT scan là phương pháp chẩn đoán hình ảnh thường được sử dụng trong tầm soát

Dưới đây là các phương pháp phổ biến: 

  • X-quang: Là phương pháp cơ bản, thường dùng để tầm soát ung thư phổi (chụp X-quang phổi thẳng). Tuy nhiên, X-quang có độ nhạy và độ đặc hiệu thấp, chủ yếu phát hiện khi khối u đã lớn. 
  • Siêu âm: Không xâm lấn, dễ thực hiện, phổ biến trong tầm soát ung thư gan, tuyến giáp, vú, buồng trứng. Kết quả thường phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm của bác sĩ siêu âm. 
  • CT scan (chụp cắt lớp vi tính): Có khả năng phát hiện tổn thương nhỏ, ẩn sâu ở các cơ quan như phổi, não, gan, đại tràng… Đặc biệt, CT ngực liều thấp (Low-dose CT) được khuyến cáo trong tầm soát ung thư phổi cho người có nguy cơ cao. Tuy nhiên, khả năng thực hiện tầm soát bằng phương pháp này trong thực tế còn hạn chế, do sự e ngại của bệnh nhân về vấn đề phơi nhiễm tia xạ, mặc dù liều tia sử dụng trong CT ngực liều thấp là khá nhỏ.  
  • MRI (chụp cộng hưởng từ): Cho hình ảnh chi tiết về mô mềm, phù hợp trong tầm soát ung thư ở các vị trí như não, tủy sống, vú, tuyến tiền liệt. MRI không dùng tia X nên an toàn hơn trong một số trường hợp liên quan đến nguy cơ phơi nhiễm tia X. 
  • ctDNA (circulating tumor DNA): Là kỹ thuật xét nghiệm hiện đại, phát hiện DNA của tế bào ung thư lưu hành trong máu. Phương pháp này giúp nhận diện đột biến gen đặc hiệu và truy vết nguồn gốc khối u tiềm ẩn, hỗ trợ tầm soát và theo dõi ung thư ở giai đoạn rất sớm. Tuy nhiên, phương pháp này chưa thể thay thế hoàn toàn các phương pháp chẩn đoán hình ảnh. 

Tham khảo các thông tin truyền thông khác của Gene Solutions tại ĐÂY

Nội soi  

Nội soi là kỹ thuật sử dụng một ống mềm gắn camera để quan sát trực tiếp bên trong các cơ quan rỗng của cơ thể. Phương pháp này giúp bác sĩ đánh giá chính xác tổn thương và phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường ở những khu vực mà các kỹ thuật hình ảnh như siêu âm hay X-quang khó tiếp cận. Một số ứng dụng nội soi phổ biến trong tầm soát ung thư gồm: 

  • Nội soi dạ dày: Giúp phát hiện ung thư dạ dày, viêm loét, polyp hoặc tổn thương niêm mạc. 
  • Nội soi đại tràng (nội soi tiêu hóa dưới): Phát hiện ung thư đại trực tràng, polyp tiền ung thư, viêm loét đại tràng… 
  • Nội soi phế quản (bronchoscopy): Hỗ trợ phát hiện ung thư phổi, u phổi, viêm nhiễm hoặc dị vật trong đường thở. 

Ngoài ra, trong quá trình nội soi, nếu bác sĩ phát hiện bất thường hoặc tổn thương nghi ngờ, có thể thực hiện đồng thời lấy mẫu mô (sinh thiết) tại vị trí đó. Mẫu mô sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm để phân tích tế bào học, giúp xác định chính xác bản chất của tổn thương – là lành tính, tiền ung thư hay ác tính. Đây là bước quan trọng trong việc chẩn đoán xác định ung thư, hỗ trợ đưa ra hướng can thiệp kịp thời. 

Sinh thiết 

Sinh thiết là kỹ thuật lấy một mẫu mô từ vùng nghi ngờ ung thư để quan sát dưới kính hiển vi. Đây là phương pháp duy nhất có thể xác định chắc chắn sự hiện diện của tế bào ung thư, đồng thời giúp xác định loại ung thư, mức độ ác tính, và hỗ trợ phân tích giai đoạn bệnh. 

Sinh thiết là kỹ thuật lấy một mẫu mô từ vùng nghi ngờ ung thư để quan sát dưới kính hiển vi
Sinh thiết là kỹ thuật lấy một mẫu mô từ vùng nghi ngờ ung thư để quan sát dưới kính hiển vi

Tùy vào vị trí và tính chất khối u, bác sĩ có thể chỉ định một trong các hình thức sinh thiết sau: 

  • Sinh thiết kim (needle biopsy): Dùng kim nhỏ chọc trực tiếp vào khối u để lấy mẫu mô. Phương pháp này ít xâm lấn, thường được dùng cho tuyến vú, gan, tuyến giáp, hạch… 
  • Sinh thiết qua nội soi: Kết hợp trong quá trình nội soi dạ dày, đại tràng, phế quản… để lấy mẫu tại vị trí tổn thương bên trong các cơ quan. 
  • Sinh thiết phẫu thuật: Được chỉ định thực hiện khi khối u khó tiếp cận hoặc cần lấy mô lớn hơn. Có thể là phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tổn thương nghi ngờ. 

Khám tầm soát ung thư ở đâu tốt nhất? 

Tiêu chí lựa chọn địa chỉ tầm soát ung thư 

Việc lựa chọn đúng cơ sở y tế để tầm soát ung thư là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến độ chính xác và hiệu quả phát hiện bệnh. Dưới đây là những tiêu chí bạn nên cân nhắc: 

1. Trang thiết bị y tế hiện đại, đầy đủ  

Cơ sở tầm soát cần được trang bị hệ thống máy móc tiên tiến như: siêu âm, X-quang kỹ thuật số, CT scan, MRI, nội soi hiện đại… Những thiết bị này phải đạt chuẩn chất lượng, được hiệu chuẩn và bảo trì định kỳ để đảm bảo kết quả chẩn đoán chính xác và an toàn cho người bệnh. 

2. Đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm 

Bác sĩ chuyên khoa cần có kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm thực tiễn trong việc phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường. Ngoài chuyên môn, khả năng tư vấn rõ ràng, dễ hiểu cũng là yếu tố quan trọng giúp người bệnh yên tâm và hiểu đúng về tình trạng sức khỏe của mình. 

3. Kết quả xét nghiệm chính xác, quy trình nhanh gọn 

Một địa chỉ uy tín cần đảm bảo độ tin cậy cao trong từng kết quả xét nghiệm – từ sinh hóa, miễn dịch, dấu ấn ung thư đến các xét nghiệm chuyên sâu như ctDNA. Hệ thống kiểm soát chất lượng xét nghiệm phải được chuẩn hóa để hạn chế tối đa sai số, đặc biệt là dương tính giả hoặc âm tính giả. Bên cạnh đó, quy trình tầm soát cần được tổ chức khoa học, nhanh chóng và thuận tiện để người bệnh tiết kiệm thời gian nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả. 

Các bệnh viện tầm soát ung thư uy tín tại TP.HCM 

“Khám tầm soát ung thư ở đâu tại TP.HCM?” là câu hỏi mà nhiều người quan tâm khi muốn bảo vệ sức khỏe của mình. 

Tại TP.HCM, bạn có thể tìm thấy nhiều bệnh viện công lập và cơ sở y tế tư nhân uy tín, cung cấp dịch vụ tầm soát ung thư toàn diện với trang thiết bị hiện đại và đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao. Dưới đây là những địa chỉ tầm soát ung thư hàng đầu, được đánh giá cao về chất lượng và hiệu quả. 

Bệnh viện công lập 

  1. Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM: Là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành về ung thư tại khu vực phía Nam. Bệnh viện cung cấp đầy đủ các dịch vụ tầm soát ung thư từ cơ bản đến chuyên sâu, với hệ thống thiết bị hiện đại và đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm trong phát hiện và điều trị ung thư.
  2. Bệnh viện Chợ Rẫy: Một trong những bệnh viện tuyến cuối lớn nhất cả nước, nổi bật với Khoa Ung bướu uy tín, trang thiết bị tiên tiến và quy trình chẩn đoán – điều trị đồng bộ. Bệnh viện cung cấp các gói tầm soát ung thư chuyên sâu cho nhiều đối tượng.
  3. Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM: Với thế mạnh về chuyên môn và cơ sở vật chất hiện đại, bệnh viện triển khai các dịch vụ tầm soát ung thư đa dạng. Đội ngũ bác sĩ là các giảng viên, chuyên gia đầu ngành, đảm bảo chất lượng cao trong tầm soát và tư vấn.

Bệnh viện và phòng khám tư nhân 

  1. Vinmec Central Park: Là bệnh viện quốc tế có hệ thống trang thiết bị hiện đại, đội ngũ bác sĩ được đào tạo chuyên sâu. Vinmec cung cấp các gói tầm soát ung thư toàn diện theo chuẩn quốc tế, giúp phát hiện sớm ung thư ở nhiều cơ quan.
  2. Bệnh viện Quốc tế AIH (American International Hospital): Cung cấp dịch vụ tầm soát ung thư với chất lượng dịch vụ cao, phù hợp với nhóm khách hàng có nhu cầu khám bệnh riêng tư, chu đáo và chuyên nghiệp. AIH có các gói kiểm tra chuyên sâu, kết hợp nhiều phương pháp hiện đại.
  3. Hệ thống phòng xét nghiệm uy tín: Các hệ thống như Medic (Hòa Hảo), Medlatec, Diag Laboratories, Hoàn Mỹ cũng cung cấp dịch vụ xét nghiệm tầm soát ung thư nhanh chóng, thuận tiện. Một số nơi còn có liên kết với các bệnh viện lớn để hỗ trợ chẩn đoán và điều trị.

Nhìn chung, khái niệm “bệnh viện tầm soát ung thư tốt nhất HCM” còn tùy thuộc vào nhu cầu và điều kiện cá nhân. Dù là bệnh viện công hay tư, hãy cố gắng lựa chọn những cơ sở uy tín, có đội ngũ chuyên môn cao, đảm bảo áp dụng phương pháp tầm soát phù hợp và hiệu quả nhất cho sức khỏe của bạn. 

Các bác sĩ có chuyên môn cao sẽ giúp bệnh nhân hiểu rõ về tình trạng sức khỏe của mình
Các bác sĩ có chuyên môn cao sẽ giúp bệnh nhân hiểu rõ về tình trạng sức khỏe của mình

Các bệnh viện tầm soát ung thư hàng đầu tại Hà Nội 

Tương tự TP.HCM, Hà Nội cũng có nhiều bệnh viện lớn và trung tâm y tế chất lượng cao. Dưới đây là những địa chỉ hàng đầu được người dân tin tưởng: 

1. Bệnh viện K Trung ương  

Là bệnh viện chuyên khoa ung bướu tuyến cuối lớn nhất cả nước, Bệnh viện K Trung ương có ba cơ sở tại Hà Nội và là nơi tập trung đội ngũ chuyên gia đầu ngành về ung thư. Bệnh viện cung cấp đa dạng các dịch vụ tầm soát, từ xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh đến nội soi và sinh thiết, phục vụ cả người dân trong nước và bệnh nhân từ nước ngoài đến điều trị. 

2. Bệnh viện Bạch Mai – Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu  

Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu thuộc Bệnh viện Bạch Mai là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ cao trong tầm soát và điều trị ung thư, đặc biệt là kỹ thuật PET/CT, xạ hình và xạ trị. Trung tâm cũng cung cấp các gói tầm soát ung thư định kỳ cho nhiều nhóm đối tượng, từ cơ bản đến chuyên sâu. 

3. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City  

Vinmec Hà Nội là bệnh viện quốc tế thuộc Tập đoàn Vingroup, nổi bật với hệ thống trang thiết bị hiện đại, đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao và dịch vụ chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp. Bệnh viện cung cấp các gói tầm soát ung thư toàn diện, áp dụng các phương pháp tiên tiến như xét nghiệm dấu ấn ung thư, chẩn đoán hình ảnh, nội soi, và xét nghiệm gen (ctDNA) để phát hiện sớm ung thư ở nhiều cơ quan. 

Gói tầm soát ung thư nào tốt nhất? 

Các gói tầm soát ung thư phổ biến 

Dưới đây là một số gói tầm soát phổ biến hiện nay: 

1. Gói tầm soát ung thư tổng quát  

Đây là gói cơ bản dành cho người muốn kiểm tra tổng thể nguy cơ ung thư. Gói thường bao gồm: 

  • Xét nghiệm máu tìm dấu ấn ung thư  
  • Siêu âm (ổ bụng, tuyến giáp, vú…)  
  • Chụp X-quang hoặc CT ngực Nội soi tiêu hóa (nếu cần) 

Mục tiêu của gói này là phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường ở nhiều cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là những loại ung thư phổ biến như gan, phổi, dạ dày, vú, đại tràng… 

2. Gói tầm soát chuyên sâu theo từng loại ung thư  

Gói này được thiết kế riêng để phát hiện từng loại ung thư cụ thể, phù hợp cho người có yếu tố nguy cơ cao hoặc triệu chứng nghi ngờ. Ví dụ: 

  • Ung thư phổi: CT scan ngực liều thấp, xét nghiệm máu  
  • Ung thư vú: Siêu âm vú, nhũ ảnh (mammography), MRI (nếu cần)  
  • Ung thư đại trực tràng: Nội soi đại tràng, xét nghiệm máu ẩn trong phân  
  • Ung thư gan: Siêu âm gan, xét nghiệm AFP 

Ngoài hai gói tầm soát ung thư truyền thống nêu trên, hiện nay một số bệnh viện đã áp dụng thêm xét nghiệm ctDNA (xét nghiệm DNA tự do có nguồn gốc từ tế bào ung thư) trong máu, bao gồm các gói SPOT-MAS, SPOT-MAS 10, SPOT-MAS Lung, và SPOT-MAS CRC. Trong đó: 

SPOT-MAS có ưu điểm là tiện lợi và nhanh chóng, vì chỉ cần thực hiện qua mẫu máu. Đây là lựa chọn lý tưởng cho những người bận rộn, không có nhiều thời gian dành cho các phương pháp tầm soát ung thư truyền thống.  

Ngoài ra, xét nghiệm này cũng rất phù hợp với những người e ngại phơi nhiễm tia xạ, thủ thuật xâm lấn, hoặc những người hạn chế khả năng đi lại, ở vùng sâu, vùng xa, nơi không đủ trang thiết bị máy móc để thực hiện các phương pháp tầm soát khác. 

Tuy nhiên, xét nghiệm ctDNA chưa thể thay thế hoàn toàn các phương pháp truyền thống. Nếu kết quả xét nghiệm ctDNA cho thấy dương tính, người bệnh vẫn cần thực hiện thêm một số phương pháp tầm soát khác (như siêu âm, CT, nội soi…) để xác định chính xác vị trí khối u, tình trạng và kích thước cụ thể. 

Xét nghiệm ctDNA là phân tích DNA của tế bào ung thư lưu hành trong máu
Xét nghiệm ctDNA là phân tích DNA của tế bào ung thư lưu hành trong máu

Chi phí tầm soát ung thư tham khảo 

Dưới đây là mức giá tham khảo cho các dịch vụ tầm soát ung thư phổ biến tại các bệnh viện và trung tâm y tế: 

  • Xét nghiệm máu dấu ấn ung thư: 800.000 – 2.500.000 VNĐ 
  • Siêu âm ổ bụng, tuyến giáp, vú: 500.000 – 1.500.000 VNĐ 
  • Chụp CT tầm soát ung thư phổi: 2.500.000 – 6.000.000 VNĐ 
  • Nội soi tiêu hóa (dạ dày, đại tràng): 2.000.000 – 5.000.000 VNĐ 
  • Gói tầm soát ung thư toàn diện: 5.000.000 – 15.000.000 VNĐ 
  • Xét nghiệm ctDNA – SPOT-MAS: 3.000.000 – 10.000.000 

Chi phí khám tầm soát ung thư có thể thay đổi tùy theo cơ sở y tế, loại xét nghiệm, và mức độ chuyên sâu của gói dịch vụ. Các mức giá trên đây chỉ mang tính tham khảo và có thể thay đổi tùy vào từng bệnh viện, trung tâm y tế cũng như các chương trình ưu đãi hoặc bảo hiểm. Để biết thông tin chính xác, bạn nên tham khảo trực tiếp tại các cơ sở y tế uy tín. 

Kinh nghiệm khi đi tầm soát ung thư 

1. Chuẩn bị trước khi xét nghiệm  

Nhịn ăn trước khi làm xét nghiệm máu và nội soi: Để đảm bảo kết quả chính xác, bạn cần nhịn ăn ít nhất 8 giờ trước khi thực hiện xét nghiệm máu. Đối với nội soi, hãy tuân thủ hướng dẫn cụ thể của bác sĩ về việc nhịn ăn để quá trình nội soi diễn ra thuận lợi và có kết quả chính xác. 

2. Chọn gói tầm soát phù hợp với độ tuổi và yếu tố nguy cơ  

Mỗi người có nhu cầu tầm soát khác nhau, phụ thuộc vào độ tuổi, tiền sử gia đình, thói quen sống và các yếu tố nguy cơ cá nhân như chế độ ăn uống, môi trường sống. Trước khi quyết định gói tầm soát, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để lựa chọn gói phù hợp, giúp phát hiện sớm các bệnh ung thư tiềm ẩn. 

3. Lựa chọn cơ sở y tế uy tín  

Việc chọn lựa cơ sở y tế uy tín, có đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao và trang thiết bị hiện đại là yếu tố quan trọng để đảm bảo kết quả tầm soát chính xác. Một cơ sở y tế uy tín sẽ có quy trình tầm soát rõ ràng và được chuẩn bị kỹ lưỡng, giúp bạn cảm thấy an tâm trong suốt quá trình thăm khám. 

Tầm soát ung thư – đầu tư đúng đắn cho sức khỏe tương lai 

“Khám tầm soát ung thư ở đâu?” – Đây là câu hỏi mà nhiều người đặt ra khi bắt đầu quan tâm đến việc bảo vệ sức khỏe. Lựa chọn cơ sở y tế uy tín, với đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao và trang thiết bị hiện đại, sẽ giúp bạn yên tâm trong suốt quá trình thăm khám. Bằng cách chọn gói tầm soát phù hợp với độ tuổi và yếu tố nguy cơ, bạn có thể chủ động phát hiện sớm những rủi ro sức khỏe tiềm ẩn, bảo vệ bản thân trước những căn bệnh nguy hiểm. Đừng do dự, hãy bắt đầu hành trình chăm sóc sức khỏe ngay hôm nay! 

Công nghệ gen vì sức khoẻ cộng đồng

Facebook
X
LinkedIn

Chuyên gia GENE SOLUTIONS đang lắng nghe bạn !

Chuyên gia GENE SOLUTIONS đang lắng nghe bạn !