Ung thư là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay, nhưng nếu được phát hiện sớm, nhiều trường hợp có thể điều trị hiệu quả và kéo dài tuổi thọ. Vậy tầm soát ung thư sớm có ý nghĩa gì?
Tầm soát ung thư sớm là gì?
Tầm soát ung thư sớm là quá trình kiểm tra y tế định kỳ nhằm phát hiện ung thư khi chưa có triệu chứng. Ở giai đoạn này, các tế bào thường chưa phát triển mạnh hoặc di căn, nên khả năng điều trị thành công sẽ cao hơn.

Tùy vào độ tuổi, giới tính và yếu tố nguy cơ cá nhân, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp phù hợp như xét nghiệm máu, siêu âm, chụp X-quang hoặc xét nghiệm DNA. Mục tiêu là phát hiện sớm những bất thường để can thiệp kịp thời.
Nhiều người vẫn hay nhầm lẫn giữa tầm soát và chẩn đoán ung thư. Thực tế, đây là hai khâu khác nhau:
- Tầm soát ung thư được thực hiện ở những người chưa có triệu chứng, nhằm phát hiện sớm dấu hiệu bất thường hoặc nguy cơ ung thư. Nếu phát hiện nghi ngờ, bác sĩ sẽ tiếp tục chỉ định các xét nghiệm chuyên sâu hơn.
- Chẩn đoán ung thư là bước xác định chắc chắn một người có mắc ung thư hay không, thường áp dụng khi đã có dấu hiệu rõ ràng. Phương pháp chẩn đoán bao gồm sinh thiết (tiêu chuẩn vàng) và hình ảnh học như chụp CT, MRI,… Trong đó, sinh thiết đóng vai trò quan trọng nhất để xác định loại, giai đoạn và mức độ lan rộng của ung thư. Hình ảnh học phối hợp với sinh thiết giúp cung cấp thông tin chi tiết hơn, nhưng sinh thiết vẫn là phương pháp chủ chốt trong chẩn đoán ung thư.
Tóm lại, tầm soát ung thư là bước kiểm tra đối với những người khỏe mạnh nhằm phát hiện sớm những người có nguy cơ cao mắc ung thư. Khi tầm soát phát hiện bất thường hoặc có dấu hiệu nguy cơ, người bệnh có thể cần đến các xét nghiệm chuyên sâu để xác định tình trạng sức khỏe.
Mặc khác, chẩn đoán ung thư là bước xác định chính xác liệu người đó có mắc ung thư hay không. Đây thường là bước tiếp theo sau khi tầm soát phát hiện bất thường hoặc khi có triệu chứng rõ ràng.
Ý nghĩa xét nghiệm tầm soát ung thư sớm
Phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm
Phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm là yếu tố then chốt giúp tăng cơ hội điều trị thành công. Hơn 80% người bệnh có thể chữa khỏi nếu ung thư được phát hiện sớm, khi khối u còn nhỏ, chưa di căn. Lúc này, các phương pháp như phẫu thuật, xạ trị hay hóa trị sẽ đơn giản, hiệu quả và ít rủi ro hơn.

Tiết kiệm chi phí điều trị
Điều trị ung thư ở giai đoạn muộn thường phức tạp, tốn thời gian và chi phí cao gấp nhiều lần so với điều trị sớm. Người bệnh phải chịu các can thiệp mạnh hơn, dùng nhiều loại thuốc và nằm viện lâu hơn. Tầm soát giúp phát hiện bệnh sớm, nhờ đó giảm gánh nặng tài chính, rút ngắn quá trình điều trị, giúp người bệnh nhanh chóng quay lại cuộc sống bình thường.
Cải thiện chất lượng cuộc sống
Điều trị ung thư khi bệnh còn nhẹ giúp giảm tác dụng phụ, bảo vệ sức khỏe tổng thể và tinh thần người bệnh. Thay vì chiến đấu kiệt sức với bệnh ở giai đoạn nặng, người được phát hiện sớm có thể tiếp tục duy trì lối sống tích cực, sống khỏe và trọn vẹn hơn.
Tầm soát ung thư sớm có giá trị gì?
Đối tượng nào nên tầm soát sớm?
Tầm soát ung thư là cách chủ động bảo vệ sức khỏe và phát hiện bệnh trước khi có triệu chứng rõ ràng. Về nguyên tắc, ai cũng nên thực hiện tầm soát định kỳ, đặc biệt quan trọng với các nhóm sau:
1. Người trên 40 tuổi hoặc có người thân từng mắc ung thư
Nguy cơ ung thư tăng theo tuổi. Những người từ 40 tuổi trở lên, nhất là khi có người trong gia đình từng mắc ung thư, nên tầm soát định kỳ để phát hiện sớm nguy cơ tiềm ẩn.
2. Người có lối sống không lành mạnh
Thường xuyên hút thuốc, uống rượu bia, ăn uống thiếu cân bằng, ít vận động – tất cả đều làm tăng khả năng mắc ung thư. Nếu thuộc nhóm này, bạn nên chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện bất thường.
3. Người có dấu hiệu bất thường kéo dài
Nếu xuất hiện các triệu chứng như sụt cân không rõ nguyên nhân, ho kéo dài, đau dai dẳng, khó nuốt, hoặc thay đổi thói quen tiêu hóa và đi tiểu, đừng bỏ qua. Những triệu chứng này có thể là tín hiệu cảnh báo của các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, trong đó có ung thư. Tuy nhiên, các dấu hiệu này thường cần phải được kiểm tra kỹ hơn thông qua các xét nghiệm chẩn đoán để xác định chính xác tình trạng sức khỏe.

Các phương pháp tầm soát ung thư phổ biến
Tùy vào loại ung thư và tình trạng sức khỏe, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp tầm soát phù hợp. Một số phương pháp phổ biến hiện nay bao gồm:
1. Nội soi tiêu hóa (dạ dày, đại tràng)
Phương pháp này cho phép quan sát trực tiếp niêm mạc ống tiêu hóa và phát hiện tổn thương sớm. Ngoài ra, bác sĩ có thể sinh thiết ngay khi phát hiện nghi ngờ, giúp tăng độ chính xác trong chẩn đoán ung thư dạ dày hoặc đại trực tràng.
2. Xét nghiệm tế bào (Pap smear)
Pap smear là phương pháp đơn giản, hiệu quả để tầm soát ung thư cổ tử cung. Bằng cách lấy mẫu tế bào ở cổ tử cung, xét nghiệm giúp phát hiện sớm tổn thương tiền ung thư – khi chưa có triệu chứng rõ ràng.
3. Chẩn đoán hình ảnh (Siêu âm, X-quang, CT, MRI)
Đây là nhóm kỹ thuật quan trọng giúp phát hiện sớm khối u hoặc bất thường trong cơ thể.
- Siêu âm thường dùng tầm soát gan, tuyến giáp, vú.
- X-quang có thể phát hiện tổn thương phổi.
- CT Scan và MRI giúp quan sát chi tiết cấu trúc cơ quan, hỗ trợ phát hiện ung thư ở các vị trí khó tiếp cận.

4. Xét nghiệm máu và dấu ấn sinh học
Một số xét nghiệm máu có thể hỗ trợ bác sĩ phát hiện dấu hiệu bất thường liên quan đến ung thư. Tuy nhiên, dấu ấn ung thư (như CEA, CA 125, PSA…) thường không được dùng đơn lẻ để tầm soát do độ đặc hiệu thấp. Chúng chủ yếu được dùng để theo dõi tiến triển bệnh hoặc đánh giá sau điều trị.
5. SPOT-MAS – Tầm soát ung thư thông qua phân tích ctDNA
SPOT-MAS là xét nghiệm máu thế hệ mới, ứng dụng công nghệ phân tích DNA ngoại bào (ctDNA) kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI). Phương pháp này giúp phát hiện và xác định vị trí khối u trong cơ thể, không xâm lấn và phù hợp với người bận rộn. SPOT-MAS hiện có các gói tầm soát đa ung thư (SPOT-MAS, SPOT-MAS 10) và đơn ung thư (như SPOT-MAS Lung – tầm soát phổi và SPOT-MAS CRC – tầm soát đại trực tràng).
Khi nào nên đi tầm soát ung thư sớm?
Tùy vào độ tuổi và yếu tố nguy cơ, việc tầm soát ung thư sẽ có thời điểm phù hợp. Dưới đây là những mốc bạn nên lưu ý:
Trước 30 tuổi: Tập trung kiểm tra sức khỏe tổng quát
Ở độ tuổi này, nguy cơ ung thư thường thấp nên chưa cần tầm soát chuyên sâu. Tuy vậy, kiểm tra sức khỏe định kỳ vẫn rất quan trọng để phát hiện sớm các bất thường khác, đồng thời tạo thói quen theo dõi sức khỏe lâu dài.
Từ 40 tuổi trở lên: Bắt đầu tầm soát ung thư định kỳ
Từ 40 tuổi, nguy cơ mắc ung thư tăng rõ rệt – nhất là nếu bạn có tiền sử gia đình, hút thuốc, uống rượu, ăn uống thiếu lành mạnh hoặc ít vận động. Đây là thời điểm nên thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu để phát hiện sớm ung thư.
Tầm soát cụ thể theo giới tính:
- Nữ giới: Nên thực hiện tầm soát ung thư vú (nhũ ảnh – mammogram) và cổ tử cung (Pap smear). Ngoài ra, ung thư buồng trứng là một trong những loại ung thư ác tính thường gặp ở nữ giới. Tuy nhiên, hiện tại chưa có khuyến cáo tầm soát cụ thể cho ung thư buồng trứng. Nếu thuộc nhóm có nguy cơ cao, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và lập kế hoạch tầm soát phù hợp.
- Nam giới: Nên tầm soát ung thư tuyến tiền liệt (xét nghiệm PSA), đại trực tràng và phổi, đặc biệt nếu có các yếu tố nguy cơ như hút thuốc hoặc có người thân từng mắc bệnh.
Người có nguy cơ cao: Cần tầm soát ung thư sớm hơn
Không chỉ phụ thuộc vào độ tuổi, những người có nguy cơ cao mắc ung thư cần được tầm soát sớm và thường xuyên hơn. Nhóm này bao gồm:
- Người có người thân từng mắc ung thư
- Người hút thuốc, uống rượu thường xuyên
- Người có chế độ ăn uống kém lành mạnh hoặc ít vận động
- Người từng tiếp xúc với hóa chất độc hại hoặc môi trường ô nhiễm
Nếu thuộc nhóm nguy cơ cao, bạn nên trao đổi sớm với bác sĩ. Bác sĩ sẽ chỉ định thời điểm bắt đầu tầm soát và lựa chọn phương pháp phù hợp – đôi khi là từ trước tuổi 40 hoặc ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ.
Tóm lại, tầm soát ung thư không nên theo một khuôn chung cho tất cả. Việc thực hiện đúng thời điểm, đúng phương pháp – đặc biệt với người có nguy cơ cao – là yếu tố then chốt để phát hiện sớm và tăng cơ hội điều trị hiệu quả.
Lưu ý: Những người có dấu hiệu bất thường như sụt cân không rõ lý do, ho kéo dài, đau âm ỉ không rõ nguyên nhân nên được đưa vào nhóm chẩn đoán ung thư để xác định rõ tình trạng sức khỏe.
Xem thêm: Các thông tin truyền thông khác tại Fanpage Gene Solutions
Kết luận
Tầm soát ung thư sớm có ý nghĩa gì? Đó là cách giúp chúng ta phát hiện bệnh trước khi quá muộn, mở ra cơ hội điều trị hiệu quả hơn, ít tốn kém hơn và duy trì chất lượng sống. Nhờ các phương pháp hiện đại, ung thư có thể được phát hiện ngay cả khi chưa có triệu chứng rõ ràng. Vì thế, hãy chủ động tầm soát đúng lúc, đúng cách – để sống khỏe và sống lâu hơn.
Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn tầm soát ung thư sớm có ý nghĩa gì và vì sao việc này nên được thực hiện định kỳ. Đừng quên theo dõi những nội dung tiếp theo để cập nhật thêm kiến thức hữu ích về phòng ngừa và phát hiện sớm ung thư. Hẹn gặp lại!