Ung thư buồng trứng: Dấu hiệu, phương pháp tầm soát hiện đại nhất hiện nay

Ung thư buồng trứng là một trong những loại ung thư phụ khoa nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống mà còn đe dọa đến thiên chức làm mẹ của người phụ nữ. Việc hiểu rõ về căn bệnh này, các biện pháp phòng ngừa và những phương pháp tầm soát ung thư đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe và giúp phụ nữ duy trì cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc.

Ung thư buồng trứng là gì? Ai dễ mắc phải?

Ung thư buồng trứng là gì?

Buồng trứng là một phần quan trọng trong hệ sinh sản của phụ nữ, có chức năng sản xuất trứng và các hormone như estrogen và progesterone. Khi tế bào trong buồng trứng phát triển bất thường và không kiểm soát, chúng có thể hình thành khối u và dẫn đến ung thư.

Ung thư buồng trứng xuất phát từ các tế bào trong buồng trứng. Đây là một trong những loại ung thư phụ khoa phổ biến và nguy hiểm, đặc biệt khi phát hiện ở giai đoạn muộn.

Khi tế bào trong buồng trứng phát triển bất thường và không kiểm soát, chúng có thể hình thành khối u và dẫn đến ung thư
Khi tế bào trong buồng trứng phát triển bất thường và không kiểm soát, chúng có thể hình thành khối u và dẫn đến ung thư

Có ba loại ung thư buồng trứng chính, mỗi loại phát triển từ một loại tế bào khác nhau trong buồng trứng:

  • Ung thư biểu mô buồng trứng: Đây là loại ung thư buồng trứng phổ biến nhất, chiếm khoảng 90% các trường hợp. Loai ung thư này bắt đầu từ tế bào biểu mô, lớp tế bào bao phủ bề mặt buồng trứng. Loại ung thư này thường được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn, làm giảm cơ hội điều trị hiệu quả.
  • Ung thư tế bào mầm buồng trứng: Loại ung thư này phát triển từ các tế bào mầm của buồng trứng, khu vực sản xuất trứng. Ung thư buồng trứng tế bào mầm thường gặp ở phụ nữ trẻ và có khả năng điều trị tốt hơn so với ung thư buồng trứng biểu mô.
  • Ung thư mô đệm buồng trứng: Đây là loại ung thư hiếm gặp, phát sinh từ tế bào mô đệm, những tế bào tạo ra mô hỗ trợ cho buồng trứng

Đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư buồng trứng

Một số đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh này, bao gồm:

  • Phụ nữ trên 50 tuổi: Nguy cơ mắc ung thư buồng trứng tăng theo độ tuổi, đặc biệt ở phụ nữ sau mãn kinh. Những thay đổi về hormone trong giai đoạn này có thể thúc đẩy sự phát triển của các tế bào bất thường, từ đó làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng.
  • Tiền sử gia đình: Nếu trong gia đình có người mắc ung thư buồng trứng, ung thư vú hoặc các loại ung thư liên quan đến hệ sinh sản, nguy cơ mắc ung thư buồng trứng của bạn sẽ cao hơn. Đặc biệt nếu mẹ, chị em gái hoặc bà có tiền sử mắc bệnh này.
  • Người mang gen di truyền BRCA1/2: Phụ nữ mang đột biến gen BRCA1/2 có nguy cơ cao mắc ung thư buồng trứng và ung thư vú, đặc biệt ở độ tuổi trẻ. Theo hướng dẫn của NCCN, nguy cơ mắc ung thư buồng trứng ở người mang biến thể gây bệnh trên gen BRCA1 có thể lên đến 39%–58%, mang biến thể gen BRCA2 là 18%–29%. Điều này khẳng định BRCA1/2 là hai gen có mối liên hệ rất lớn với nguy cơ ung thư buồng trứng, đồng thời cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú rất nhiều lần so với người không mang đột biến.
  • Hội chứng di truyền không phân tách (Lynch syndrome): Do biến thể gây bệnh ở các gen sửa lỗi DNA như MLH1, MSH2, MSH6, PMS2 (và EPCAM). Phụ nữ mang hội chứng Lynch có nguy cơ cao ung thư nội mạc tử cung, đại trực tràng và buồng trứng—trong đó nguy cơ ung thư buồng trứng tùy gen, ước tính < 1% đến 40%.
  • Các yếu tố hormone và sinh sản: Phụ nữ không có con, hoặc những người có chu kỳ kinh nguyệt dài, bắt đầu có kinh nguyệt sớm và mãn kinh muộn có thể có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn. Việc sử dụng liệu pháp hormone sau mãn kinh cũng có thể làm tăng nguy cơ này.

Mặc dù ung thư buồng trứng có thể nguy hiểm nếu phát hiện muộn, nhưng khi được phát hiện ở giai đoạn sớm, tiên lượng điều trị sẽ tốt hơn rất nhiều. Theo một số nghiên cứu, tỷ lệ sống sau 5 năm cho bệnh nhân ung thư buồng trứng giai đoạn sớm (I và II) có thể lên tới 90%. Tỷ lệ này giảm đáng kể ở các giai đoạn muộn. Cụ thể:

  • Giai đoạn I (sớm): Tỷ lệ sống sau 5 năm đạt 90% hoặc cao hơn.
  • Giai đoạn II: Tỷ lệ sống sau 5 năm đạt khoảng 70-80%.
  • Giai đoạn III và IV: Tỷ lệ sống sau 5 năm giảm xuống dưới 30%, đặc biệt ở giai đoạn IV.

Điều này cho thấy, việc phát hiện sớm giúp nâng cao cơ hội điều trị hiệu quả và kéo dài sự sống cho bệnh nhân.

Triệu chứng ung thư buồng trứng: Âm thầm nhưng nguy hiểm

Ung thư buồng trứng thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn sớm, kéo theo việc phát hiện sớm gặp nhiều khó khăn hơn. Các triệu chứng ban đầu của bệnh rất dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề sức khỏe khác như rối loạn tiêu hóa, căng thẳng hay các bệnh phụ khoa thông thường. Do đó, nhiều chị em thường không chú ý đến các dấu hiệu bất thường và chỉ nhận ra bệnh khi đã bước vào giai đoạn muộn.

Ung thư buồng trứng thường không có triệu chứng rõ ràng
Ung thư buồng trứng thường không có triệu chứng rõ ràng

Một số triệu chứng ung thư buồng trứng có thể gặp phải bao gồm:

  • Đầy bụng và khó tiêu: Đây là triệu chứng dễ nhầm lẫn với các vấn đề tiêu hóa như đầy hơi, táo bón hoặc chế độ ăn uống không hợp lý. Tuy nhiên, khi tình trạng này kéo dài và đi kèm với các triệu chứng khác, đó có thể là dấu hiệu của ung thư buồng trứng.
  • Đau vùng chậu: Cảm giác đau hoặc tức ở vùng chậu hoặc bụng dưới có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư buồng trứng. Đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội và thường xảy ra sau khi ăn hoặc khi thay đổi tư thế.
  • Rối loạn kinh nguyệt: Các vấn đề về chu kỳ kinh nguyệt, như kinh nguyệt không đều, kéo dài hoặc chảy máu giữa kỳ, có thể là dấu hiệu của ung thư buồng trứng hoặc các vấn đề phụ khoa khác.
  • Đi tiểu thường xuyên hoặc khó tiểu: Khi ung thư buồng trứng phát triển, nó có thể chèn ép vào bàng quang, gây cảm giác cần đi tiểu nhiều lần, tiểu gấp, hoặc cảm thấy tiểu không hết.
  • Mệt mỏi và sụt cân không rõ lý do: Cảm giác mệt mỏi kéo dài và giảm cân không rõ nguyên nhân cũng là những dấu hiệu cảnh báo khi bệnh tiến triển.
  • Chán ăn hoặc cảm giác no nhanh: Cảm giác no lâu sau khi ăn hoặc mất cảm giác thèm ăn có thể là do sự phát triển của khối u trong buồng trứng.

Tầm soát ung thư buồng trứng bằng cách nào?

Vì sao cần tầm soát sớm?

Ung thư buồng trứng là một căn bệnh khó phát hiện sớm do các triệu chứng không rõ ràng và dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề khác. Nếu không được phát hiện kịp thời, bệnh có thể tiến triển nhanh chóng và lan rộng sang các cơ quan khác, làm giảm khả năng chữa trị và tiên lượng sống. Tuy nhiên, khi ung thư được phát hiện ở giai đoạn sớm (giai đoạn I), tỷ lệ sống sau 5 năm có thể lên đến 90%. Tỷ lệ này sẽ giảm dần ở các giai đoạn muộn.

Việc tầm soát định kỳ giúp phát hiện các dấu hiệu bất thường ngay cả khi cơ thể chưa phát ra những “tín hiệu” cảnh báo rõ ràng. Phát hiện sớm giúp can thiệp kịp thời và cải thiện cơ hội điều trị thành công.

Việc tầm soát định kỳ sẽ giúp tầm soát sớm ung thư, giảm được nhiều rủi ro trong điều trị
Việc tầm soát định kỳ sẽ giúp tầm soát sớm ung thư, giảm được nhiều rủi ro trong điều trị

Ngoài việc nâng cao khả năng điều trị, tầm soát sớm còn mang lại lợi ích về tâm lý và tài chính. Khi ung thư buồng trứng được phát hiện sớm, bệnh nhân sẽ có tâm lý an tâm hơn, giảm bớt lo lắng và căng thẳng. Việc biết rõ tình trạng sức khỏe giúp bệnh nhân và gia đình chủ động hơn trong kế hoạch điều trị. Đồng thời, điều trị bệnh ở giai đoạn sớm có thể tiết kiệm chi phí điều trị dài hạn, giảm gánh nặng tài chính cho gia đình và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Các phương pháp tầm soát ung thư buồng trứng hiện nay

Việc tầm soát ung thư buồng trứng có thể được thực hiện qua nhiều phương pháp khác nhau, mỗi phương pháp đều giữ vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư hoặc bất thường trong cơ thể. Dưới đây là những phương pháp tầm soát ung thư buồng trứng phổ biến và hiện đại nhất:

1. Khám phụ khoa định kỳ

Khám phụ khoa định kỳ là bước cơ bản và quan trọng trong việc phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư buồng trứng. Bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng sức khỏe của các cơ quan sinh dục nữ, bao gồm việc kiểm tra vùng chậu và các bộ phận liên quan.

Đây là phương pháp giúp Phát hiện các triệu chứng bất thường, như đau vùng chậu, rối loạn kinh nguyệt hay khối u, từ đó định hướng nguyên nhân như u nang, u xơ cơ tử cung, hay ung thư buồng trứng—và lựa chọn phương pháp chẩn đoán phù hợp như siêu âm đầu dò, MRI hoặc sinh thiết.

Ưu điểm: Khám phụ khoa định kỳ giúp phát hiện nhanh chóng những bất thường. Nếu bác sĩ nghi ngờ có sự bất thường, có thể chỉ định các phương pháp chuyên sâu để chẩn đoán chính xác hơn.

Nhược điểm: Khám phụ khoa cơ bản không phải lúc nào cũng phát hiện ung thư buồng trứng ở giai đoạn sớm, đặc biệt khi khối u còn quá nhỏ. Vì vậy, cần kết hợp với các phương pháp tầm soát chuyên sâu khác.

2. Siêu âm đầu dò âm đạo

Siêu âm đầu dò âm đạo là phương pháp tầm soát phổ biến và hiệu quả trong việc phát hiện ung thư buồng trứng. Phương pháp này sử dụng sóng siêu âm để tạo ra hình ảnh chi tiết của buồng trứng và các cơ quan lân cận.

Ưu điểm: Giúp phát hiện các khối u, nang hoặc sự thay đổi bất thường trong buồng trứng. Siêu âm đầu dò âm đạo có thể phát hiện ung thư buồng trứng ở giai đoạn sớm, trước khi bệnh tiến triển sang các giai đoạn nặng hơn.

Nhược điểm: Siêu âm không phải lúc nào cũng đủ nhạy để phát hiện tất cả các loại ung thư buồng trứng, đặc biệt là ở những giai đoạn rất sớm. Một số trường hợp, siêu âm có thể không phát hiện được khối u nếu chúng quá nhỏ hoặc nằm ở vị trí khó quan sát.

3. Xét nghiệm ung thư buồng trứng: CA-125 và HE4

Xét nghiệm CA-125

Xét nghiệm CA-125 là một xét nghiệm máu được sử dụng để đo nồng độ của protein CA-125, một chất có thể tăng cao trong trường hợp ung thư buồng trứng. Tuy nhiên, chỉ số CA-125 có thể tăng trong nhiều tình trạng khác ngoài ung thư, chẳng hạn như viêm nhiễm, u nang buồng trứng, hoặc các bệnh lý phụ khoa khác. Do đó, phương pháp này thường được sử dụng để chẩn đoán và theo dõi điều trị hơn là ứng dụng trong tầm soát ung thư.

Xét nghiệm HE4

Xét nghiệm HE4 là một xét nghiệm bổ sung trong việc phát hiện ung thư buồng trứng. Phương pháp này giúp đo nồng độ của một loại protein khác trong máu, được cho là có tính đặc hiệu cao hơn trong việc chẩn đoán ung thư buồng trứng so với CA-125. Tuy có độ đặc hiệu cao hơn CA-125, nhưng xét nghiệm HE4 vẫn không phải là phương pháp tầm soát độc lập và cần kết hợp với các phương pháp chẩn đoán khác.

4. Xét nghiệm DNA ngoại bào (xét nghiệm ctDNA)

Xét nghiệm DNA ngoại bào (xét nghiệm ctDNA) là phương pháp xét nghiệm mới đang trở thành xu hướng trong tầm soát ung thư. Phương pháp này tìm kiếm các dấu vết DNA của tế bào khối u lưu hành trong máu. ctDNA có thể giúp phát hiện ung thư buồng trứng ở giai đoạn rất sớm, trước khi các triệu chứng lâm sàng xuất hiện.

Xem thêm: ctDNA là gì?

  • Ưu điểm: Xét nghiệm ctDNA khắc phục nguy cơ chẩn đoán muộn nhờ khả năng phát hiện dấu vết ung thư từ giai đoạn rất sớm. Quy trình lấy mẫu máu đơn giản, thuận tiện, không xâm lấn.
  • Nhược điểm: Là công nghệ mới, chưa được phổ biến và áp dụng rộng rãi tại nhiều cơ sở y tế.
Xét nghiệm ctDNA giup1 phát hiện các tín hiệu của DNA khối u lưu hành trong máu
Xét nghiệm ctDNA giúp phát hiện các tín hiệu của DNA khối u lưu hành trong máu

Câu hỏi thường gặp

Câu hỏi 1: Ung thư buồng trứng có chữa khỏi không?

Ung thư buồng trứng có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, tỷ lệ chữa khỏi sẽ phụ thuộc vào giai đoạn bệnh khi phát hiện. Nếu ung thư được phát hiện ở giai đoạn đầu, khi khối u còn nhỏ và chưa lan rộng, khả năng điều trị thành công và sống lâu dài là rất cao.

Câu hỏi 2: Tầm soát ung thư buồng trứng bao nhiêu tiền? Có đau không?

Chi phí tầm soát ung thư buồng trứng phụ thuộc vào phương pháp lựa chọn và cơ sở y tế thực hiện. Các phương pháp phổ biến như khám phụ khoa định kỳ, siêu âm đầu dò âm đạo, xét nghiệm CA-125/HE4, và xét nghiệm DNA ngoại bào (ctDNA) có mức chi phí dao động từ 1 triệu đến vài triệu đồng mỗi lần kiểm tra, tùy thuộc vào dịch vụ và công nghệ sử dụng tại cơ sở khám chữa bệnh.

Về cảm giác trong quá trình tầm soát, các phương pháp như khám phụ khoa định kỳ, xét nghiệm CA-125/HE4 và xét nghiệm DNA ngoại bào thường không gây đau. Tuy nhiên, siêu âm đầu dò âm đạo có thể gây một chút khó chịu cho người thực hiện, đặc biệt khi cần kiểm tra kỹ lưỡng hơn hoặc kết hợp với các thủ thuật như sinh thiết. Trong các trường hợp này, bệnh nhân có thể cảm thấy hơi không thoải mái, nhưng quá trình này vẫn được thực hiện nhanh chóng và an toàn.

Câu hỏi 3: Bao lâu nên tầm soát lại?

Thời gian tầm soát ung thư buồng trứng phụ thuộc vào các yếu tố nguy cơ cá nhân và độ tuổi. Theo khuyến cáo của Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nếu bạn thuộc nhóm có nguy cơ cao (ví dụ: phụ nữ trên 50 tuổi, có tiền sử gia đình mắc ung thư buồng trứng hoặc ung thư vú, hoặc mang đột biến gen BRCA1/2), thì việc tầm soát nên được thực hiện hàng năm. Việc này quan trọng đối với phụ nữ mang đột biến gen BRCA1/2, vì họ có nguy cơ cao mắc ung thư buồng trứng hơn những người không mang gen BRCA1/2.

Đối với phụ nữ không mang yếu tố nguy cơ, các chuyên gia khuyến nghị tầm soát mỗi 2-3 năm một lần, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và kết quả thăm khám trước đó. Tuy nhiên, nếu bạn gặp phải các triệu chứng bất thường, như đau vùng chậu, đầy bụng, thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt, hoặc cảm giác đi tiểu thường xuyên, bạn nên đi khám ngay lập tức, không nên chờ đợi đến lịch tầm soát định kỳ.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không khuyến cáo tầm soát ung thư buồng trứng định kỳ đối với phụ nữ không có yếu tố nguy cơ, vì chưa có phương pháp tầm soát hiệu quả và đáng tin cậy cho nhóm này. Do đó, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để có những phương pháp tầm soát cá nhân phù hợp.

Câu hỏi 4: Có thể ngừa bệnh ung thư buồng trứng không?

Mặc dù không có cách nào để ngăn ngừa hoàn toàn ung thư buồng trứng, nhưng một số biện pháp có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh. Dưới đây là những cách làm giảm nguy cơ ung thư buồng trứng:

  • Duy trì lối sống lành mạnh: Ăn uống cân đối, duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý, tránh hút thuốc và hạn chế uống rượu có thể giúp giảm nguy cơ mắc nhiều loại ung thư, bao gồm ung thư buồng trứng. Ngoài ra, việc tập thể dục đều đặn và tránh căng thẳng cũng rất quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tổng thể.
  • Quản lý các bệnh lý nền: Các bệnh lý như u nang buồng trứng hoặc trào ngược dạ dày thực quản (GERD), nếu không được điều trị đúng cách, có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng. Theo dõi và điều trị các bệnh lý này sẽ giúp giảm bớt nguy cơ phát triển ung thư buồng trứng.
  • Tiêm vắc-xin HPV: Mặc dù vắc-xin HPV chủ yếu giúp phòng ngừa ung thư cổ tử cung, nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số chủng virus HPV cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng.
  • Phẫu thuật cắt buồng trứng: Đối với phụ nữ mang đột biến BRCA1/2 hoặc có nguy cơ rất cao, bác sĩ có thể cân nhắc phẫu thuật cắt buồng trứng (và vòi trứng) để giảm thiểu nguy cơ ung thư buồng trứng. Tuy nhiên, đây không phải lựa chọn thường quy mà cần được chỉ định sau đánh giá kỹ lưỡng từng ca bệnh, cân bằng giữa nhu cầu sinh sản, độ tuổi, tình trạng sức khỏe và lợi ích phòng ngừa.

Ngoài những biện pháp trên, việc tầm soát ung thư buồng trứng định kỳ luôn là cần thiết để phát hiện bệnh từ giai đoạn sớm. Đối với một số cá nhân, có thể ung thư là không tránh được. Tuy nhiên, khi được phát hiện sớm, bệnh sẽ có tỉ lệ điều trị thành công cao hơn, chất lượng cuộc sống cũng được gia tăng đáng kể.

Xem thêm các thông tin truyền thông khác của Gene Solutions tại ĐÂY

Kết luận

Ung thư buồng trứng thường khó phát hiện sớm do các triệu chứng mơ hồ và dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề sức khỏe khác. Tuy nhiên, với sự tiến bộ của y học hiện đại, chúng ta hoàn toàn có thể phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, từ đó nâng cao tỉ lệ điều trị thành công. Hãy chủ động chăm sóc sức khỏe và cập nhật thêm các phương pháp tầm soát hiện đại để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.

Công nghệ gen vì sức khoẻ cộng đồng

Facebook
X
LinkedIn

Chuyên gia GENE SOLUTIONS đang lắng nghe bạn !

Chuyên gia GENE SOLUTIONS đang lắng nghe bạn !