Bệnh Pompe (rối loạn dự trữ glycogen nhóm 2) là gì?
Bệnh Pompe (rối loạn dự trữ glycogen nhóm 2) còn được biết đến với các tên gọi khác như thiếu axit maltase, thiếu alpha-1,4-glucosidase, AMD, thiếu hụt alpha-glucosidase, thiếu GAA, bệnh dự trữ glycogen loại II, glycogenosis loại II, GSD II, hoặc GSD2… Đây là một bệnh rối loạn di truyền hiếm gặp, xảy ra khi cơ thể thiếu hụt enzyme quan trọng được gọi là acid alpha glucosidase (GAA), có nhiệm vụ phân hủy các loại đường phức tạp trong cơ thể.
Kết quả là glycogen (một loại đường phức hợp) không được biến đổi thành glucose và tích tụ trong lysosome-tiêu thể. Theo thời gian, sự tích tụ này gây ra sự suy giảm nghiêm trọng của cơ bắp, dẫn đến tình trạng yếu cơ và ảnh hưởng đến hoạt động của cơ thể. Bệnh Pompe có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, bao gồm tử vong, bại liệt, suy tim và tổn thương cơ xương.
Bệnh Pompe (rối loạn dự trữ glycogen nhóm 2) được ước tính ảnh hưởng đến một trường hợp trong mỗi 40.000 trẻ sơ sinh tại Hoa Kỳ (1/40.000). Tỉ lệ mắc bệnh có thể thay đổi trong các nhóm dân tộc khác nhau. Bệnh tuy hiếm gặp nhưng gây ra nhiều hệ quả nặng nề, đặc biệt chi phí điều trị rất cao và cần duy trì lâu dài.
Bệnh Pompe có thể dẫn đến tử vong do xương, cơ hô hấp, tim bị tổn thương (Nguồn: Pexels)
Phân loại bệnh Pompe và biểu hiện lâm sàng
Bệnh Pompe (rối loạn dự trữ glycogen nhóm 2) được phân loại thành ba dạng chính dựa trên mức độ nghiêm trọng của sự thiếu hụt enzym và thời điểm xuất hiện của triệu chứng. Thông thường, tiên lượng và tiến triển của bệnh phụ thuộc nhiều vào tuổi khởi phát, khởi phát càng sớm tiên lượng càng xấu.
Khởi phát trẻ sơ sinh cổ điển: Loại này xuất hiện trong vòng vài tháng sau khi trẻ mới sinh. Trẻ sơ sinh mắc loại này thường trải qua tình trạng yếu cơ, bệnh cơ bẩm sinh, kém phát triển kỹ năng vận động, yếu cơ toàn thân, gan to, và dị tật tim. Ngoài ra, trẻ có thể gặp khó khăn về hô hấp, khó bú và thường không tăng cân đúng theo mốc bình thường. Nếu không được điều trị, bệnh thường dẫn đến tử vong trước 2 tuổi do tắc nghẽn đường ra thất trái tiến triển và suy hô hấp.
Khởi phát trẻ sơ sinh không cổ điển: Dạng này thường xuất hiện khi trẻ được 1 tuổi. Trẻ bị yếu cơ, các biểu hiện đặc trưng bao gồm việc chậm phát triển kỹ năng vận động và dị tật tim, tuy nhiên suy tim không phải là triệu chứng thường gặp. Yếu cơ trong loại này dẫn đến vấn đề nghiêm trọng về hô hấp, và hầu hết trẻ mắc bệnh Pompe dạng này chỉ sống được vài năm nếu không có liệu pháp thay thế enzym.
Khởi phát muộn: Là kết quả của thiếu hụt một phần enzyme GAA và có thể bắt đầu từ khi trẻ được 10 tuổi cho đến năm 60 tuổi và vào giai đoạn trưởng thành. Loại này thường nhẹ hơn so với các dạng khởi phát ở trẻ sơ sinh và ít liên quan đến vấn đề tim mạch. Người mắc bệnh ở giai đoạn muộn sẽ trải qua sự yếu cơ dần dần, đặc biệt là ở chân và thân trên, bao gồm các cơ kiểm soát hô hấp. Với sự tiến triển của bệnh, thì vấn đề về các cơ kiểm soát hô hấp vẫn có thể gây ra suy hô hấp và dẫn đến tử vong sau một giai đoạn bệnh kéo dài vài năm. Mặc dù bệnh phát triển chậm hơn so với hai dạng trước, tuổi thọ của người mắc bệnh vẫn ngắn hơn so với người bình thường.
Cơ thể người bệnh dần dần suy yếu đặc biệt là thân và chân (Nguồn: Pexels)
Đặc điểm di truyền và nguyên nhân gây bệnh Pompe
Bệnh Pompe (rối loạn dự trữ glycogen nhóm 2) là một bệnh di truyền gen lặn trên nhiễm sắc thể thường, khi cả hai bản sao của gen đều mang đột biến thì sẽ gây ra bệnh. Thường thì bố mẹ của người bệnh chỉ mang một bản sao của gen đột biến mà không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào của bệnh. Theo số liệu nghiên cứu độc quyền trên 26.000 người Việt Nam và Công bố quốc tế về “Tần suất bệnh thể ẩn ở người Việt Nam” dựa trên thống kê từ 985 mẫu G4500 trên tạp chí Human Mutation IF 4.8 của Gene Solutions, cứ 52 người Việt có 1 người mang gen bệnh Pompe.
Nguyên nhân chính dẫn đến bệnh Pompe (rối loạn dự trữ glycogen nhóm 2) là do các đột biến trên gen GAA, một gen quan trọng tham gia vào việc phân hủy loại phức hợp đường glycogen thành glucose. Đã xác định hơn 550 đột biến khác nhau trên gen GAA ở những người mắc bệnh Pompe. Một số đột biến này có thể dẫn đến hoàn toàn thiếu enzyme axit alpha-glucosidase (còn được gọi là axit maltase), trong khi một số đột biến khác có thể làm giảm hoạt động của enzyme này.
Cả hai trường hợp đều dẫn đến việc thiếu hoặc giảm hoạt động của enzyme GAA, dẫn đến tích tụ glycogen bên trong các lysosome, ngăn cho sự phân hủy các hợp chất glycogen phức tạp thành glucose, là nguồn năng lượng chính cho tế bào.
Các đột biến trên gen GAA gây ra thiếu hụt enzym GAA làm cho Glycogen không thể phân hủy thành Glucose gây ra sự tích tụ Glycogen trong Lysosome tiêu thể. Dẫn đến các tổn thương trên hệ thống cơ như: cơ tim, cơ xương, và cơ hô hấp. Việc tích tụ quá mức Glycogen tại Lysosome cũng giải phóng ra các enzym Lysosome gây hại cho các mô cơ quan, làm gia tăng các triệu chứng của bệnh Pompe.
Phương pháp điều trị bệnh Pompe
Phương pháp điều trị bệnh Pompe (rối loạn dự trữ glycogen nhóm 2) đòi hỏi sự theo dõi và chăm sóc đa chuyên ngành từ các chuyên gia y tế, bao gồm bác sĩ chuyên khoa tim mạch, bác sĩ chuyên khoa thần kinh và bác sĩ trị liệu hô hấp. Điều này giúp quản lý và điều trị hiệu quả các triệu chứng của bệnh.
Việc tìm hiểu các đột biến trên gen GAA đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hiểu rõ các cơ chế sinh học và tính chất của enzyme GAA, đồng thời đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc phát triển liệu pháp thay thế enzyme.
Liệu pháp thay thế enzyme đã được phát triển và thử nghiệm lâm sàng, đặc biệt là trong việc điều trị những bệnh nhân bị bệnh Pompe khởi phát sơ sinh. Nó đã cho thấy hiệu quả trong việc giảm kích thước tim, duy trì chức năng tim bình thường, cải thiện chức năng cơ và giảm tích tụ glycogen. Cụ thể, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã chấp thuận sử dụng thuốc alglucosidase alfa (Myozyme) để điều trị bệnh Pompe loại 2. Thuốc này là một dạng của enzyme GAA, mà người bệnh bị thiếu hoặc suy giảm. Thường thì thuốc được tiêm vào tĩnh mạch mỗi tuần.
Myozyme đã chứng minh sự hiệu quả đáng kể trong việc đảo ngược tổn thương cơ tim và cải thiện tuổi thọ của trẻ sơ sinh mắc bệnh này. Ngoài ra, còn có một loại thuốc alglucosidase alfa khác được gọi là Lumizyme cũng đã được phê duyệt để điều trị bệnh Pompe (rối loạn dự trữ glycogen nhóm 2).
Dù cha hoặc mẹ không biểu hiện bệnh thì trẻ vẫn có nguy cơ mắc bệnh lặn
Sàng lọc bệnh Pompe (rối loạn dự trữ glycogen nhóm 2) như thế nào?
Sàng lọc bệnh Pompe (rối loạn dự trữ glycogen nhóm 2) là một quá trình quan trọng nhằm xác định người mắc bệnh hoặc nguy cơ mắc bệnh trước khi sinh con, nhưng hiện tại chưa được sự quan tâm đủ lớn từ phía của cha mẹ. Quá trình sàng lọc này bao gồm các bước sau:
Sàng lọc trước sinh
Các cặp đôi chuẩn bị sinh con hoặc thai phụ có thể chọn làm xét nghiệm gen triSure Carrier để sàng lọc 2.800 đột biến gây bệnh liên quan 9 bệnh di truyền lặn phổ biến nhất ở người Việt như: Tan máu bẩm sinh Thalassemia thể Alpha, Tan máu bẩm sinh Thalassemia thể Beta, Thiếu men G6PD, Dị ứng sữa (rối loạn chuyển hóa đường galactose), Không dung nạp đạm (Phenylketon niệu), Vàng da ứ mật do thiếu men citrin, Rối loạn phát triển giới tính ở nam do thiếu men 5-alpha reductase, Bệnh Pompe (rối loạn dự trữ glycogen nhóm 2), Bệnh Wilson (rối loạn chuyển hóa đồng).
Để góp phần nâng cao nhận thức về các xét nghiệm di truyền, đặc biệt là xét nghiệm bệnh di truyền lặn đơn gen, Gene Solutions đã và đang áp dụng mô hình kết hợp NIPT sàng lọc dị tật di truyền và sàng lọc bệnh di truyền lặn đơn gen. Cụ thể, khi thai phụ chọn xét nghiệm triSure9.5 trở lên sẽ được thực hiện miễn phí gói triSure Carrier. Tất cả quá trình xét nghiệm này đều chỉ cần một lần lấy máu ở người mẹ.
Qua 2 bài nghiên cứu khoa học về “Combined Gap-Polymerase Chain Reaction and Targeted Next-Generation Sequencing Improve α- and β-Thalassemia Carrier Screening in Pregnant Women in Vietnam” và “Detection of maternal carriers of common α-thalassemia deletions from cell-free DNA” được đăng tải trên các tạp chí y khoa quốc tế uy tín năm 2022, Gene Solutions đã chứng minh được hiệu quả của việc sử dụng cfDNA từ NIPT để phát hiện người mẹ mang gen bệnh lặn.
Việc tầm soát gen bệnh lặn cho thai phụ sẽ giúp phát hiện sớm nguy cơ thai có khả năng mắc các bệnh lý đơn lặn phổ biến, từ đó giúp cho bác sĩ có kế hoạch quản lý thai kỳ hợp lý, chẩn đoán điều trị sớm, cải thiện tiên lượng tối đa cho trẻ mắc bệnh.
Đối với các cặp đôi, tầm soát sớm sẽ giúp chủ động lựa chọn giải pháp hỗ trợ sinh sản phù hợp để không tiếp tục truyền gen bệnh cho thế hệ sau.
Sàng lọc sơ sinh
Trong trường hợp trẻ sơ sinh mới chào đời, bệnh Pompe (rối loạn dự trữ glycogen nhóm 2) có thể được chẩn đoán thông qua xét nghiệm sàng lọc sơ sinh.
– Khám và hỏi triệu chứng: Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra y tế và hỏi về bất kỳ triệu chứng nào xuất hiện. Họ cũng xem xét liệu có thành viên nào trong gia đình có bệnh Pompe (rối loạn dự trữ glycogen nhóm 2) hoặc có triệu chứng tương tự.
– Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu có thể đo mức độ hoạt động của enzyme alpha-glucosidase trong mẫu máu. Những người mắc bệnh thường có hoạt động enzyme ít hơn so với bình thường hoặc có thể không có hoạt động enzyme. Xét nghiệm máu cũng có thể được sử dụng để tìm kiếm đột biến trên gen GAA trong cơ thể.
– Tư vấn chuyên gia: Sau khi chẩn đoán mắc bệnh, tất cả các thành viên trong gia đình nên xét nghiệm và tư vấn với các chuyên gia di truyền. Phân tích đột biến gen là phương pháp đáng tin cậy nhất để xác định người lành mang gen bệnh.
Việc sàng lọc bệnh Pompe (rối loạn dự trữ glycogen nhóm 2) rất quan trọng để đảm bảo chẩn đoán sớm và kế hoạch điều trị hiệu quả cho người mắc bệnh hoặc nguy cơ mắc bệnh.
Tư vấn di truyền
Bệnh Pompe là bệnh di truyền gen lặn trên NST thường (NST số 17), do các đột biến trên gen GAA.
Người mắc bệnh phải nhận đồng thời 2 bản sao của gen đột biến của bố và mẹ. Trường hợp cả bố và mẹ đều là người khỏe mạnh nhưng là người lành mang gen bệnh thì nguy cơ di truyền cho con của họ như sau:
– 25% con là người hoàn toàn khỏe mạnh và không mang gen bệnh
– 50% con là người lành mang gen bệnh
– 25% con là người mắc bệnh
Nguồn tham khảo:
https://www.babysfirsttest.org/newborn-screening/conditions/pompe
https://omim.org/entry/232300/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/gtr/conditions/C0017921/