Ung thư dạ dày là một trong những căn bệnh ung thư có tỷ lệ tử vong cao. Việc thực hiện tầm soát định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm và can thiệp điều trị kịp thời, nâng cao cơ hội điều trị thành công. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng khám phá tầm quan trọng của tầm soát ung thư dạ dày mang lại.
Giới thiệu chung về tầm soát ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày là một trong những loại ung thư phổ biến và nguy hiểm tại Việt Nam, với tỷ lệ mắc bệnh thuộc nhóm cao nhất khu vực châu Á và thế giới, đặc biệt ở nam giới. Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh có xu hướng giảm trong những năm gần đây, ung thư dạ dày vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong các bệnh ung thư đường tiêu hóa, gây lo ngại về sức khỏe cộng đồng.

Tầm soát ung thư dạ dày ở Việt Nam hiện tại vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Nhiều người dân chưa có nhận thức cao về tầm quan trọng của việc phát hiện sớm căn bệnh này, khiến phần lớn các trường hợp ung thư dạ dày thường phát hiện ở giai đoạn muộn. Trong những năm gần đây, một số bệnh viện lớn và phòng khám chuyên khoa đã triển khai các chương trình tầm soát ung thư dạ dày, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng và khuyến khích người dân chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe.
Tại sao cần tầm soát sớm ung thư dạ dày
Trước sự gia tăng ngày càng đáng lo ngại của ung thư dạ dày, việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm là vô cùng quan trọng. Dưới đây là một số lợi ích của việc tầm soát ung thư dạ dày sớm:
- Phát hiện sớm giúp tăng cơ hội điều trị thành công, kéo dài tuổi thọ.
- Tiết kiệm đáng kể chi phí và giảm gánh nặng tài chính so với điều trị muộn.
- Kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ của ung thư dạ dày (HP, viêm loét mãn tính).

Dấu hiệu cảnh báo cần tầm soát ung thư dạ dày
Nếu bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng nào dưới đây, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo từ dạ dày và cần phải tầm soát ung thư dạ dày càng sớm càng tốt:
- Đau hoặc nóng rát vùng thượng vị (trên rốn), kéo dài và không rõ nguyên nhân: Cảm giác đau hoặc nóng rát ở vùng thượng vị, đặc biệt khi kéo dài mà không có nguyên nhân rõ ràng, có thể là dấu hiệu của các vấn đề liên quan đến dạ dày, bao gồm ung thư dạ dày.
- Ợ chua, ợ nóng, trào ngược dạ dày: Ợ chua, ợ nóng và trào ngược dạ dày là những triệu chứng thường gặp ở nhiều người. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng này xuất hiện thường xuyên và không thuyên giảm dù đã điều trị, đó có thể là dấu hiệu của vấn đề nghiêm trọng hơn.
- Buồn nôn, nôn ra máu hoặc đi tiêu phân đen: Nôn ra máu hoặc phân có màu đen (do có máu trong phân) là những dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng của các vấn đề tiêu hóa. Những triệu chứng này không thể bỏ qua và cần được thăm khám kịp thời để xác định nguyên nhân.
- Chán ăn, mệt mỏi, sụt cân nhanh chóng: Chán ăn, cảm giác mệt mỏi và sụt cân không rõ lý do có thể là những dấu hiệu cảnh báo của ung thư dạ dày. Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu cho thấy ung thư đã tác động đến chức năng tiêu hóa và làm giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng của cơ thể.
Lưu ý: Mặc dù các triệu chứng trên có thể xuất phát từ nhiều bệnh lý tiêu hóa khác nhau, nhưng nếu chúng kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng, hãy tìm đến bác sĩ để tầm soát ung thư dạ dày sớm và loại trừ nguy cơ.
Chi tiết về tầm soát ung thư tiêu hóa. THAM KHẢO TẠI ĐÂY
Tầm soát ung thư dạ dày bao gồm những gì?
Mỗi cơ sở y tế sẽ có các phương pháp tầm soát ung thư với mức chi phí khác nhau. Vậy tầm soát ung thư dạ dày làm những gì? Dưới đây là một số bước tầm soát ung thư dạ dày làm những gì mà bạn có thể tham khảo:
Khám lâm sàng & tư vấn
Tầm soát ung thư dạ dày bắt đầu bằng việc khám lâm sàng và tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ sẽ ghi nhận các thông tin quan trọng như tiền sử bệnh lý của bệnh nhân, triệu chứng và các yếu tố nguy cơ liên quan đến ung thư dạ dày. Các yếu tố nguy cơ cần chú ý bao gồm nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP), tiền sử gia đình có người mắc ung thư dạ dày, hoặc các bệnh lý về dạ dày khác như viêm loét dạ dày mãn tính. Thông qua đó, bác sĩ sẽ đánh giá khả năng mắc ung thư dạ dày và quyết định các phương pháp tiếp theo để tầm soát.
Nội soi dạ dày
Nội soi dạ dày được đánh giá là một trong những phương pháp chính xác nhất trong tầm soát ung thư dạ dày. Thủ tục này thường được thực hiện qua hai phương pháp:
- Nội soi gây mê: Sử dụng ống nội soi mềm, đưa qua thực quản vào dạ dày để quan sát trực tiếp niêm mạc dạ dày. Nội soi giúp phát hiện sớm các khối u, polyp, hoặc viêm loét có thể là dấu hiệu của ung thư.
- Nội soi thường: Tương tự như nội soi gây mê, nhưng không sử dụng thuốc gây mê.
Trong quá trình nội soi, nếu phát hiện dấu hiệu bất thường, bác sĩ sẽ lấy mẫu mô từ khu vực nghi ngờ để phân tích dưới kính hiển vi nhằm xác định có tế bào ung thư hay không.

Xét nghiệm vi khuẩn HP
Vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) là nguyên nhân chính gây loét dạ dày và đã được nhiều nghiên cứu chỉ ra là yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Để xác định liệu bệnh nhân có bị nhiễm vi khuẩn này hay không, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm test thở (ure test) hoặc test phân để kiểm tra sự có hiện diện của HP.
Xét nghiệm bổ trợ (nếu cần thiết)
Ngoài các phương pháp tầm soát cơ bản, trong một số trường hợp bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm bổ trợ để xác định rõ hơn tình trạng bệnh:
- Xét nghiệm máu: Các chỉ số liên quan đến ung thư dạ dày như CA 72-4 và CEA là một trong những thông tin chẩn đoán ung thư dạ dày. Tuy nhiên, các chỉ số này không quyết định chính xác việc có ung thư hay không mà chỉ giúp bác sĩ xác định nguy cơ.
- Chẩn đoán hình ảnh: Để đánh giá mức độ xâm lấn của khối u, bác sĩ có thể yêu cầu các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, CT Scan, hoặc MRI. Những xét nghiệm này giúp đánh giá tình trạng của dạ dày và phát hiện ung thư ở các giai đoạn sớm.
- ctDNA (phương pháp mới): Là phương pháp đang được đánh giá khá cao về mức độ chính xác. Điểm đặc biệt là xét nghiệm ctDNA (circulating tumor DNA) có thể phát hiện “tín hiệu” của tế bào ung thư dạ dày chỉ thông qua mẫu máu, ngay cả khi khối u còn rất nhỏ.
Tầm soát ung thư dạ dày ở đâu uy tín?
Việc chọn địa chỉ uy tín giúp đảm bảo quá trình phát hiện bệnh chính xác và an toàn. Nếu bạn đang băn khoăn khám tầm soát sớm ung thư dạ dày ở đâu, dưới đây là một số gợi ý để tìm cơ sở y tế chất lượng:
- Bệnh viện đa khoa & chuyên khoa: Ưu tiên các bệnh viện có chuyên khoa tiêu hóa, cung cấp dịch vụ tầm soát từ khám lâm sàng, nội soi đến xét nghiệm bổ trợ, đảm bảo quy trình khép kín và an toàn.
- Trung tâm nội soi chuyên sâu: Các trung tâm này chuyên cung cấp dịch vụ nội soi chuyên biệt, giúp tầm soát bệnh lý dạ dày chính xác.
Những lưu ý khi chọn địa điểm:
- Tìm hiểu phản hồi từ bệnh nhân cũ: Đánh giá từ người đã khám chữa sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ ràng về chất lượng dịch vụ và tay nghề bác sĩ.
- Kiểm tra thông tin trên website: Website cung cấp thông tin về quy trình, dịch vụ, bảng giá và chính sách bảo hiểm (nếu có).
- Chọn bác sĩ chuyên khoa uy tín: Bác sĩ tiêu hóa giỏi sẽ đảm bảo quá trình tầm soát chính xác và hiệu quả.
Hãy tìm hiểu kỹ và lựa chọn địa chỉ uy tín để đảm bảo chất lượng khi tầm soát ung thư dạ dày.

Tần suất tầm soát ung thư dạ dày
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận vi khuẩn Helicobacter pylori là yếu tố nguy cơ chính gây ung thư dạ dày. Nhiễm H. pylori mạn tính có thể dẫn đến viêm teo dạ dày và những thay đổi tiền ung thư ở niêm mạc dạ dày. Tuy nhiên, WHO không đưa ra khuyến nghị cụ thể về tần suất tầm soát ung thư dạ dày cho toàn dân, mà chủ yếu tập trung vào việc điều trị nhiễm H. pylori và quản lý các yếu tố nguy cơ liên quan.
Theo đó, WHO và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) thường khuyến nghị tầm soát ung thư dạ dày dựa trên các yếu tố nguy cơ cụ thể và tình hình dịch tễ học của từng khu vực.
Hiện nay, những quốc gia có tỷ lệ mắc ung thư dạ dày cao như Nhật Bản và Hàn Quốc đã triển khai các chương trình tầm soát rộng rãi. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có các khuyến cáo cụ thể về tầm soát ung thư dạ dày.
Tại một số bệnh viện lớn ở Việt Nam, việc tầm soát ung thư dạ dày được khuyến nghị cho những người có yếu tố nguy cơ cao, bao gồm:
- Người trên 50 tuổi.
- Người có tiền sử gia đình mắc ung thư dạ dày.
- Người nhiễm H. pylori.
- Người có thói quen ăn uống không lành mạnh hoặc có tiền sử viêm loét dạ dày kéo dài.
Đối với những người có nhu cầu tầm soát ung thư dạ dày, hãy đến các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám và tư vấn, giúp lựa chọn phương pháp tầm soát phù hợp nhất.
Lưu ý trước và sau khi kiểm tra tầm soát ung thư dạ dày
Ngoài việc chọn lựa các trung tâm y tế uy tín, những lưu ý trước và sau khi kiểm tra tầm soát ung thư dạ dày cũng vô cùng quan trọng. Dưới đây là những điều bạn cần chú ý:
1. Trước khi thực hiện
- Nhịn ăn 6 – 8 tiếng nếu thực hiện nội soi gây mê: Cần nhịn ăn khoảng 6 – 8 tiếng trước khi thực hiện (tuỳ vào chỉ định của bác sĩ).
- Thông báo cho bác sĩ các thông tin quan trọng: Thông báo về các loại thuốc đang sử dụng.
- Chuẩn bị tinh thần: Bệnh nhân cần chuẩn bị tinh thần thoải mái và sẵn sàng hợp tác với bác sĩ trong suốt quá trình kiểm tra.
2. Sau khi thực hiện
- Nghỉ ngơi khoảng 30 – 60 phút: Bệnh nhân cần nghỉ ngơi ít nhất từ 30 đến 60 phút để cơ thể hồi phục.
- Tuân thủ hướng dẫn chăm sóc (nếu có): Tuân thủ các hướng dẫn này sẽ giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng và tránh những biến chứng không mong muốn.
- Chủ động theo dõi dấu hiệu bất thường: Nếu gặp phải bất kỳ triệu chứng nào bất thường , cần báo ngay cho bác sĩ hoặc đến bệnh viện để được kiểm tra kịp thời.
Cách phòng ngừa ung thư dạ dày hiệu quả
Bên cạnh việc tầm soát ung thư dạ dày định kỳ, phòng ngừa cũng đóng vai trò quan trọng. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa hiệu quả giúp giảm nguy cơ mắc ung thư dạ dày:
1. Duy trì chế độ ăn lành mạnh
Chế độ ăn uống có vai trò rất quan trọng trong việc phòng ngừa ung thư dạ dày. Việc thay đổi thói quen ăn uống sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh:
- Giảm thức ăn nhiều muối: Thức ăn chứa nhiều muối, đặc biệt là thực phẩm chế biến sẵn hoặc thực phẩm muối mặn, có thể gây hại cho niêm mạc dạ dày và làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
- Tránh đồ nướng và thực phẩm chế biến cao nhiệt: Đồ nướng, thịt xông khói và thực phẩm chế biến ở nhiệt độ cao có thể tạo ra các hợp chất độc hại (như amin dị vòng), làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
- Tăng cường rau xanh và trái cây tươi: Các loại rau xanh, trái cây tươi cung cấp vitamin và khoáng chất. Ngoài ra, loại thực phẩm này cũng chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ tế bào trong cơ thể và giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư.

2. Hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá và chất kích thích
- Rượu bia: Tiêu thụ quá nhiều rượu bia làm tổn thương niêm mạc dạ dày, gây viêm loét và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các tế bào ung thư.
- Thuốc lá: Nicotine và các hóa chất trong thuốc lá có thể làm tổn thương mô dạ dày và làm tăng khả năng mắc ung thư.
- Chất kích thích: Các chất kích thích như cà phê, đồ uống có chứa caffeine, hoặc các loại đồ uống có gas, có thể làm kích ứng niêm mạc dạ dày, đặc biệt là khi uống quá nhiều.
3. Quản lý căng thẳng và tránh stress kéo dài
Căng thẳng kéo dài có thể làm suy giảm hệ miễn dịch và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý, bao gồm ung thư dạ dày. Để phòng ngừa ung thư dạ dày:
- Giảm stress: Có thể thực hành yoga, thiền, hoặc tham gia các hoạt động thể thao nhẹ nhàng để giảm căng thẳng và giữ tinh thần thoải mái.
- Ngủ đủ giấc: Hãy ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi đêm để cơ thể có thể phục hồi, giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn và ngăn ngừa bệnh tật.
4. Kiểm tra và điều trị triệt để vi khuẩn Helicobacter pylori (HP)
Vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) là một trong những nguyên nhân chính gây viêm loét dạ dày mãn tính và là yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng phát triển ung thư dạ dày. Việc kiểm tra và điều trị triệt để vi khuẩn HP rất quan trọng trong việc phòng ngừa ung thư dạ dày:
- Kiểm tra định kỳ vi khuẩn HP: Nếu xuất hiện các triệu chứng bất thường, bạn nên kiểm tra xem có bị nhiễm vi khuẩn HP hay không. Việc kiểm tra có thể thực hiện qua các xét nghiệm máu, test thở hoặc xét nghiệm phân.
- Điều trị triệt để HP: Nếu kết quả xét nghiệm dương tính với vi khuẩn HP, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn này.
Xem thêm: Các thông tin truyền thông khác của Gene Solutions
Chủ động tầm soát ung thư dạ dày, phòng ngừa nguy cơ tiềm ẩn
Thói quen tầm soát ung thư dạ dày định kỳ sẽ giúp bạn phòng ngừa những nguy cơ tiềm ẩn từ ung thư dạ dày, đặc biệt đối với những người có yếu tố nguy cơ cao. Hãy chủ động tìm hiểu và lựa chọn địa chỉ uy tín, kết hợp với một lối sống lành mạnh để nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.