Nhận diện dấu hiệu ung thư đại trực tràng không thể bỏ qua

Ung thư đại trực tràng là một trong những loại ung thư phổ biến và nguy hiểm nếu không được phát hiện kịp thời. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ những dấu hiệu ung thư đại trực tràng cần lưu ý để chủ động bảo vệ sức khỏe.

Tổng quan về ung thư đại trực tràng

Ung thư đại trực tràng là gì?

Ung thư đại trực tràng là loại ung thư bắt nguồn từ đại tràng hoặc trực tràng, là những phần cuối cùng của đường tiêu hóa. Đại tràng còn gọi là ruột già, có chức năng hấp thu nước và các chất dinh dưỡng còn lại sau quá trình tiêu hóa, còn trực tràng là đoạn cuối của đại tràng, nối với hậu môn để đào thải phân ra ngoài.

Ung thư đại trực tràng là loại ung thư bắt nguồn từ đại tràng hoặc trực tràng
Ung thư đại trực tràng là loại ung thư bắt nguồn từ đại tràng hoặc trực tràng

Ung thư đại trực tràng hình thành khi các tế bào niêm mạc trong đại tràng hoặc trực tràng phát triển bất thường, phân chia mất kiểm soát và tạo thành khối u ác tính. Quá trình phát triển của ung thư thường bắt đầu từ các polyp — là những khối u lành tính nhỏ trên niêm mạc đại trực tràng. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, các polyp này có thể tiến triển thành ung thư theo thời gian.

Ung thư đại trực tràng là một trong những loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới và có tỉ lệ tử vong cao. Bệnh có thể xảy ra ở cả nam và nữ, thường gặp ở người trên 50 tuổi, nhưng ngày càng có xu hướng trẻ hóa do nhiều yếu tố như chế độ ăn uống, lối sống và yếu tố di truyền.

Tầm quan trọng của nhận diện sớm

Khi ung thư được phát hiện ở giai đoạn sớm, kích thước khối u thường còn nhỏ, chưa xâm lấn sâu hoặc di căn đến các cơ quan khác, do đó các phương pháp điều trị như phẫu thuật triệt căn, hóa trị hoặc xạ trị có hiệu quả cao hơn và tỷ lệ chữa khỏi cũng lớn hơn. Theo các nghiên cứu, ung thư đại trực tràng phát hiện sớm có tỉ lệ chữa khỏi gấp 4 lần ung thư phát hiện ở giai đoạn tiến xa, di căn.

Ngược lại, ung thư phát hiện muộn thường đã di căn xa, khó kiểm soát, khiến việc điều trị phức tạp và kết quả điều trị cũng kém hơn. Điều này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, mà còn làm tăng chi phí điều trị và làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống.

Ngoài ra, nhận diện sớm cũng giúp giảm thiểu các biến chứng nghiêm trọng như tắc ruột, chảy máu kéo dài, hoặc khối u gây đau đớn và suy giảm chức năng tiêu hóa. Tóm lại, việc nhận biết sớm ung thư đại trực tràng sẽ góp phần cứu sống, đồng thời bảo vệ sức khỏe lâu dài và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Xem thêm: Tầm soát ung thư Đại-trực tràng

Những dấu hiệu ung thư đại trực tràng thường gặp

1.Thay đổi thói quen đi ngoài (Táo bón, tiêu chảy)

Một trong những dấu hiệu cảnh báo sớm của ung thư đại trực tràng là sự thay đổi bất thường trong thói quen đi đại tiện, bao gồm táo bón kéo dài, tiêu chảy không rõ nguyên nhân.

Táo bón kéo dài xảy ra khi phân cứng và khó đi đại tiện, gây cảm giác khó chịu. Khi khối u phát triển trong lòng đại tràng hoặc trực tràng, nó có thể làm hẹp lòng ruột, cản trở quá trình di chuyển của phân và gây ra táo bón lâu ngày.

Ngược lại, tiêu chảy kéo dài hoặc liên tục cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư đại trực tràng, do khối u kích thích niêm mạc ruột, làm tăng nhu động và khiến người bệnh đi ngoài nhiều lần với phân lỏng,có chất nhầy hoặc máu. Đồng thời, khối u cũng có thể làm hẹp lòng ruột hoặc gây viêm nhiễm, dẫn đến phân dẹt hoặc có hình dạng bất thường.

Thay đổi thói quen đi ngoài là một trong những dấu hiệu ung thư đại trực tràng thường gặp
Thay đổi thói quen đi ngoài là một trong những dấu hiệu ung thư đại trực tràng thường gặp

2. Máu trong phân hoặc chảy máu hậu môn

Máu trong phân có thể xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau, máu đỏ tươi thường liên quan đến tổn thương gần hậu môn hoặc trực tràng, trong khi máu sẫm hoặc đen thường xuất phát từ các vị trí cao hơn trong đại tràng. Hiện tượng chảy máu hậu môn có thể biểu hiện dưới dạng máu nhỏ giọt, thấm trên giấy vệ sinh hoặc chảy ra sau khi đi đại tiện, thường do khối u phát triển làm tổn thương và phá vỡ các mạch máu nhỏ ở niêm mạc đại trực tràng.

Tuy nhiên, máu trong phân hoặc chảy máu hậu môn không chỉ do ung thư mà còn có thể do các bệnh lý khác như trĩ, nứt hậu môn, viêm loét đại tràng hoặc polyp lành tính. Vì vậy, khi xuất hiện dấu hiệu ung thư đại trực tràng kéo dài hoặc tái phát, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được thăm khám để có kết quả chính xác.

3. Đau bụng vùng hố chậu

Vùng hố chậu, nằm ở phía dưới bên trái hoặc phải bụng, là vị trí của đại tràng sigma và trực tràng. Khi khối u phát triển tại đây, nó có thể kích thích niêm mạc ruột gây đau âm ỉ hoặc đau quặn từng cơn , nhất là khi đại tràng co bóp để đẩy phân qua vùng tắc nghẽn.

Tắc nghẽn một phần lòng ruột cũng làm tăng áp lực trong đại tràng, gây khó chịu và đau bụng. Nếu không điều trị kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến tắc ruột, gây đau dữ dội và cần cấp cứu.

4. Mót đại tiện, cảm giác phân chưa được thải trừ hết

Hiện tượng phân chưa được thải trừ hết xảy ra khi khối u làm hẹp lòng đại trực tràng hoặc gây viêm loét niêm mạc, dẫn đến việc phân khó di chuyển hoàn toàn ra ngoài sau mỗi lần đại tiện. Người bệnh sẽ có cảm giác vẫn còn phân trong trực tràng dù đã vừa đi vệ sinh xong, gây khó chịu và làm tăng tần suất đi đại tiện.

Cảm giác này gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, đồng thời có thể dẫn đến những rối loạn chức năng tiêu hóa khác như đau bụng, đầy hơi, hoặc thậm chí táo bón kéo dài.

Ngoài ung thư, cảm giác đi đại tiện không hết còn có thể gặp trong các bệnh lý khác như hội chứng ruột kích thích (IBS), viêm đại tràng, polyp đại trực tràng hoặc các rối loạn cơ vòng hậu môn. Do đó, để xác định chính xác nguyên nhân, người bệnh nên đi khám chuyên khoa tiêu hóa để được bác sĩ kiểm tra.

5. Sụt cân không nguyên nhân

Trong trường hợp ung thư đại trực tràng, quá trình phát triển của khối u làm thay đổi chuyển hóa trong cơ thể, gây tăng tiêu hao năng lượng và ảnh hưởng đến hấp thu dinh dưỡng. Khối u cũng có thể tiết ra các chất gây viêm hoặc độc tố làm giảm cảm giác thèm ăn, dẫn đến việc ăn uống kém và giảm cân.

Giảm cân bất thường thường đi kèm với các triệu chứng ung thư đại trực tràng khác như mệt mỏi, chán ăn, đau bụng hoặc thay đổi thói quen đi ngoài. Đặc biệt, khi giảm cân nhanh và không có nguyên nhân, người bệnh cần được thăm khám kỹ lưỡng để loại trừ các bệnh lý nghiêm trọng, trong đó có ung thư đại trực tràng.

6. Mệt mỏi kéo dài & thiếu máu

Trong trường hợp người bệnh mắc ung thư đại trực tràng, mệt mỏi kéo dài không đơn thuần chỉ là cảm giác mệt mỏi sau lao động hay thiếu ngủ; mà có thể là trạng thái mất năng lượng liên tục, không cải thiện dù đã nghỉ ngơi. Nguyên nhân chính của tình trạng này liên quan đến sự suy giảm chức năng cơ thể do ung thư gây ra, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất và làm giảm khả năng hấp thu dưỡng chất.

Thiếu máu trong đại trực tràng thường do sự suy giảm của khối u gây ra
Thiếu máu trong đại trực tràng thường do sự suy giảm của khối u gây ra

Thiếu máu trong ung thư đại trực tràng thường xuất phát từ chảy máu mạn tính trong lòng ruột do khối u gây tổn thương niêm mạc. Máu mất dần qua phân làm giảm lượng hồng cầu trong máu, dẫn đến thiếu máu thiếu sắt. Người bệnh thường có các biểu hiện như da xanh xao, chóng mặt, tim đập nhanh, khó thở và cảm giác yếu ớt toàn thân.

7. Sưng hạch ở vùng bụng hoặc đùi

Hạch lympho là các cấu trúc nhỏ trong hệ bạch huyết có chức năng lọc và loại bỏ các tế bào bất thường, vi khuẩn, virus và chất lạ ra khỏi cơ thể. Khi khối u đại trực tràng phát triển, các tế bào ung thư có thể xâm nhập vào hệ bạch huyết và lan đến các hạch lympho gần đó hoặc xa hơn. Sự hiện diện của tế bào ung thư trong hạch lympho làm cho hạch sưng to, cứng và đôi khi gây đau khi chạm vào.

  • Vùng bụng: Các hạch lympho nằm sâu trong ổ bụng có thể sưng lên do di căn từ khối u ở đại trực tràng. Tuy nhiên, do vị trí sâu nên sưng hạch vùng này thường khó nhận biết bằng mắt thường mà cần qua thăm khám lâm sàng kỹ càng.
  • Vùng đùi: Sưng hạch ở đùi, đặc biệt là vùng bẹn, có thể là dấu hiệu của sự di căn hạch xa, tuy ít gặp hơn nhưng vẫn là một cảnh báo quan trọng cần được lưu ý.

Sưng hạch do ung thư thường khác với sưng hạch do viêm nhiễm thông thường ở chỗ hạch thường cứng, không di động và không đau hoặc ít đau hơn. Nếu phát hiện hạch sưng bất thường kéo dài, người bệnh nên đi khám chuyên khoa để làm các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh.

Khi nào nên đi khám và tầm soát ung thư đại trực tràng?

Tầm soát ung thư đại trực tràng nên được thực hiện dựa trên độ tuổi, yếu tố nguy cơ và các dấu hiệu ung thư đại trực tràng cụ thể mà người bệnh gặp phải. Cụ thể:

1. Người trên 50 tuổi

Nhóm người trên 50 tuổi nên bắt đầu tầm soát ung thư đại trực tràng định kỳ, ngay cả khi không có bất kỳ triệu chứng hay yếu tố nguy cơ nào.

  • Nếu chọn phương pháp nội soi đại trực tràng, thì nên thực hiện mỗi 5 đến 10 năm một lần.
  • Nếu làm xét nghiệm máu ẩn trong phân (FOBT hoặc FIT), thì nên thực hiện mỗi 1 đến 2 năm một lần.

2. Người có yếu tố nguy cơ cao

Những người mang yếu tố nguy cơ có thể mắc ung thư đại trực tràng cao như:

  • Có tiền sử gia đình mắc ung thư đại trực tràng hoặc polyp đại trực tràng.
  • Mắc các bệnh viêm ruột mạn tính như viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn.
  • Có tiền sử bản thân từng bị polyp đại tràng hoặc ung thư đại trực tràng.

Với nhóm này, việc tầm soát nên bắt đầu sớm hơn (thường từ 40 tuổi hoặc sớm hơn theo chỉ định bác sĩ) và được thực hiện thường xuyên hơn, tùy thuộc vào mức độ nguy cơ.

3. Người có triệu chứng nghi ngờ

  • Thay đổi thói quen đi đại tiện kéo dài (táo bón hoặc tiêu chảy bất thường).
  • Máu trong phân hoặc chảy máu hậu môn.
  • Đau bụng vùng hố chậu hoặc cảm giác phân chưa được thải hết.
  • Sút cân không rõ nguyên nhân hoặc mệt mỏi kéo dài.
  • Khi xuất hiện những dấu hiệu này, nên đi khám và thực hiện các xét nghiệm tầm soát ngay để phát hiện sớm bệnh.
  • Người có lối sống không lành mạnh: Chế độ ăn nhiều chất béo, ít rau xanh, hút thuốc lá, uống rượu bia, ít vận động cũng làm tăng nguy cơ và cần được lưu ý đi tầm soát định kỳ.

Tóm lại, việc tầm soát ung thư đại trực tràng nên bắt đầu từ độ tuổi 50 ở người bình thường và sớm hơn với người có yếu tố nguy cơ, hoặc ngay khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ.

Việc tầm soát ung thư đại trực tràng còn phụ thuộc vào nhu cầu và yếu tố nguy cơ cá nhân
Việc tầm soát ung thư đại trực tràng còn phụ thuộc vào nhu cầu và yếu tố nguy cơ cá nhân

Các phương pháp tầm soát ung thư đại trực tràng

1. Nội soi đại trực tràng (Colonoscopy)

Nội soi đại trực tràng là phương pháp tầm soát ung thư đại trực tràng chính xác và phổ biến nhất hiện nay. Đây là kỹ thuật sử dụng một ống mềm, nhỏ có gắn camera ở đầu để đưa vào bên trong đại tràng và trực tràng qua hậu môn, cho phép bác sĩ quan sát toàn bộ niêm mạc bên trong ruột.

Ưu điểm của nội soi là có thể phát hiện trực tiếp các polyp, tổn thương tiền ung thư hoặc ung thư ở giai đoạn sớm. Đồng thời, trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể tiến hành sinh thiết hoặc cắt bỏ polyp, ngăn ngừa chúng tiến triển thành ung thư.

Nội soi đại trực tràng là phương pháp tầm soát chính xác nhất
Nội soi đại trực tràng là phương pháp tầm soát chính xác nhất

2. Xét nghiệm máu ẩn trong phân (FOBT/FIT)

Xét nghiệm máu ẩn trong phân (FOBT – Fecal Occult Blood Test hoặc FIT – Fecal Immunochemical Test) là phương pháp tầm soát không xâm lấn, dễ thực hiện và có chi phí thấp.

Phương pháp này nhằm phát hiện máu trong phân, đây là dấu hiệu tiềm ẩn của các tổn thương trong đại trực tràng như polyp hoặc ung thư. FIT được đánh giá cao hơn FOBT vì có độ nhạy và độ đặc hiệu tốt hơn, đồng thời không yêu cầu kiêng ăn trước khi lấy mẫu.

Nếu kết quả xét nghiệm máu ẩn trong phân dương tính, người bệnh sẽ được chỉ định nội soi đại trực tràng để xác định chính xác nguyên nhân và tiến hành xử lý.

Mặc dù xét nghiệm này không thể thay thế hoàn toàn nội soi, nhưng nó là bước sàng lọc đầu tiên hiệu quả, đặc biệt phù hợp với những người chưa có biểu hiện ung thư đại trực tràng hoặc nguy cơ thấp.

3. Xét nghiệm ctDNA

Xét nghiệm ctDNA (circulating tumor DNA) là phương pháp tầm soát ung thư mới, dựa trên việc phát hiện các đoạn DNA của tế bào ung thư giải phóng vào máu.

Ưu điểm của ctDNA là khả năng phát hiện dấu ấn sinh học ung thư từ rất sớm, trước khi khối u ung thư có thể nhìn thấy trên hình ảnh học hoặc nội soi. Đồng thời quy trình lấy máu sẽ đơn giản và tiện lợi cho bệnh nhân, đặc biệt các bệnh nhân e ngại quá trình xâm lấn của nội soi đại trực tràng. Đồng thời xét nghiệm này có thể giúp theo dõi hiệu quả điều trị, phát hiện tái phát và đánh giá tiến triển bệnh.

Đối với những người có yếu tố nguy cơ cao hoặc có tiền sử ung thư, ctDNA có thể là công cụ hỗ trợ hữu ích để bổ sung cho các phương pháp tầm soát truyền thống do có độ nhạy và đặc hiệu cao hơn.

Xét nghiệm ctDNA sử dụng mẫu máu để phân tích DNA của khối u lưu hành trong máu
Xét nghiệm ctDNA sử dụng mẫu máu để phân tích DNA của khối u lưu hành trong máu

Câu hỏi thường gặp (FAQ)

Câu hỏi 1: Ung thư đại trực tràng là gì?

Ung thư đại trực tràng là bệnh lý ác tính phát sinh từ các tế bào niêm mạc ở đại tràng hoặc trực tràng, hai phần cuối cùng của ruột già.

Khi các tế bào này phát triển không kiểm soát, chúng tạo thành khối u ác tính, có thể xâm lấn mô lân cận và lan rộng đến các cơ quan khác. Đây là một trong những loại ung thư phổ biến và có tỷ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị sớm.

Câu hỏi 2: Dấu hiệu ung thư đại trực tràng có thể nhầm lẫn với bệnh tiêu hóa khác, làm sao phân biệt?

Nhiều triệu chứng của ung thư đại trực tràng như thay đổi thói quen đi đại tiện, đau bụng hay có máu trong phân thường dễ nhầm lẫn với các bệnh tiêu hóa khác như hội chứng ruột kích thích, viêm loét đại tràng, trĩ hoặc nhiễm khuẩn đường tiêu hóa.

Điểm khác biệt giữa các loại bệnh này với ung thư là thời gian và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng. Nếu các dấu hiệu này kéo dài, ngày càng nặng hơn và liên quan đến những biểu hiện cảnh báo ung thư đại trực tràng, bạn nên chủ động đến bệnh viện để được bác sĩ khám và kiểm tra kỹ lưỡng.

Câu hỏi 3: Tôi nên làm xét nghiệm nào để tầm soát ung thư đại trực tràng?

Phương pháp tầm soát ung thư đại trực tràng sẽ được lựa chọn dựa trên độ tuổi, nguy cơ và tình trạng sức khỏe của bạn. Nội soi đại trực tràng (colonoscopy) được xem là tiêu chuẩn vàng vì giúp bác sĩ nhìn trực tiếp vào bên trong ruột và có thể loại bỏ những polyp có nguy cơ trở thành ung thư.

Nếu bạn chưa có triệu chứng và thuộc nhóm nguy cơ thấp, xét nghiệm máu ẩn trong phân (FOBT hoặc FIT) là bước đầu dễ thực hiện, chi phí thấp và hiệu quả. Đối với những người có nguy cơ cao hoặc có tiền sử gia đình mắc ung thư đại trực tràng, bác sĩ có thể khuyên bạn làm nội soi định kỳ hoặc các xét nghiệm hiện đại hơn như ctDNA để phát hiện sớm.

Câu hỏi 4: Xét nghiệm máu ẩn trong phân có chính xác không?

Xét nghiệm máu ẩn trong phân là phương pháp sàng lọc hiệu quả nhưng không hoàn hảo. Xét nghiệm FIT có độ nhạy và độ đặc hiệu cao hơn xét nghiệm FOBT, giúp phát hiện máu rất nhỏ trong phân do tổn thương niêm mạc ruột. Tuy nhiên, xét nghiệm này không phát hiện được tất cả các trường hợp ung thư hoặc polyp, và có thể cho kết quả âm tính giả nếu khối u không chảy máu khi lấy mẫu.

Vì vậy, nếu kết quả xét nghiệm dương tính, bạn cần làm nội soi đại trực tràng để xác định chính xác và điều trị kịp thời. Đây là xét nghiệm phù hợp cho sàng lọc ban đầu, đặc biệt với những người chưa có triệu chứng.

Câu hỏi 5: Bao lâu nên tầm soát định kỳ nếu không có triệu chứng?

Đối với người trên 50 tuổi không có yếu tố nguy cơ đặc biệt, khuyến cáo nên thực hiện nội soi đại trực tràng định kỳ mỗi 5–10 năm để phát hiện sớm ung thư đại trực tràng. Nếu lựa chọn xét nghiệm máu ẩn trong phân (FIT), nên làm xét nghiệm này mỗi năm hoặc hai năm, theo hướng dẫn của bác sĩ.

Đối với những người có nguy cơ cao hơn, như có tiền sử gia đình mắc ung thư đại trực tràng, bệnh viêm ruột mạn tính hoặc từng có polyp, tần suất tầm soát sẽ được tăng lên, thường là mỗi 1–3 năm, tùy theo mức độ nguy cơ và khuyến cáo chuyên môn.

Việc duy trì lịch tầm soát đều đặn là cách hiệu quả nhất để phát hiện sớm và ngăn chặn sự phát triển của ung thư đại trực tràng, từ đó nâng cao cơ hội điều trị thành công.

Kết luận

Nếu bạn gặp phải những biểu hiện bất thường kéo dài, đặc biệt là thay đổi thói quen đại tiện, đau bụng hoặc xuất huyết, hãy chủ động đi khám để được chẩn đoán chính xác và can thiệp kịp thời. Việc tầm soát định kỳ cùng với hiểu biết đầy đủ về các dấu hiệu ung thư đại trực tràng sẽ giúp nâng cao cơ hội điều trị thành công và hạn chế các biến chứng nguy hiểm.

Hy vọng những thông tin hữu ích về dấu hiệu ung thư đại trực tràng trong bài viết sẽ giúp bạn và người thân có thêm kiến thức để chủ động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe hiệu quả hơn. Hẹn gặp lại trong những bài viết tiếp theo.

Công nghệ gen vì sức khoẻ cộng đồng

Facebook
X
LinkedIn

Chuyên gia GENE SOLUTIONS đang lắng nghe bạn !

Chuyên gia GENE SOLUTIONS đang lắng nghe bạn !