Teo cơ tủy sống (Spinal Muscular Atrophy – SMA)

Teo cơ tủy sống (Spinal Muscular Atrophy - SMA) là một tình trạng di truyền hiếm gặp, đặc trưng bởi tình trạng yếu cơ tiến triển và teo cơ. Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến chức năng vận động, nhưng cũng thường gây ra các vấn đề về nói, nuốt, hô hấp cùng với các triệu chứng khác.

Teo cơ tủy sống (Spinal Muscular Atrophy – SMA) là một tình trạng di truyền hiếm gặp, đặc trưng bởi tình trạng yếu cơ tiến triển và teo cơ. Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến chức năng vận động, nhưng cũng thường gây ra các vấn đề về nói, nuốt, hô hấp cùng với các triệu chứng khác.

Các dạng SMA phổ biến nhất là do đột biến gen SMN1, dẫn đến sự thiếu hụt protein SMN (survival motor neuron protein), một loại protein quan trọng giúp duy trì sự sống của tế bào thần kinh vận động. SMA ước tính ảnh hưởng đến khoảng 1 trong 10.000 trẻ sơ sinh, và tần suất người lành mang gen bệnh khoảng 1/48. Người mang gen bệnh thường là những cá nhân khỏe mạnh có một đột biến SMA nhưng không có triệu chứng, tuy nhiên họ có thể truyền gen đột biến này cho con cái của mình.

Teo cơ tủy sống SMA là nguyên nhân di truyền phổ biến nhất gây tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, sự xuất hiện của các phương pháp điều trị điều chỉnh bệnh đã thay đổi đáng kể tiên lượng của những người mắc bệnh này.

Teo cơ tủy sống (Spinal Muscular Atrophy - SMA) 1

Các loại bệnh teo cơ tủy sống SMA

Teo cơ tủy sống SMA được chia thành 5 nhóm chính dựa trên độ tuổi khởi phát triệu chứng và việc trẻ mắc các thể nặng hơn có đạt được các mốc phát triển vận động hay không.

  • Type 0: Đây là dạng hiếm gặp nhất và nghiêm trọng nhất của SMA, được xác định bởi các triệu chứng xuất hiện trước khi sinh, khi thai nhi vẫn còn trong bụng mẹ. Trẻ mắc SMA type 0 thường cần hỗ trợ y tế ngay sau khi sinh để duy trì sự sống, và hầu hết không thể sống quá 6 tháng tuổi.
  • Type 1: SMA type 1 là dạng phổ biến nhất của bệnh, đồng thời cũng là một trong những thể nghiêm trọng nhất. Triệu chứng xuất hiện ngay từ khi sinh hoặc trong vòng 6 tháng đầu đời. Nếu không có điều trị, hầu hết trẻ mắc SMA type 1 sẽ không bao giờ có thể tự ngồi mà không cần hỗ trợ, và phần lớn không thể sống quá 2 tuổi.
  • Type 2: đây là dạng SMA phổ biến thứ hai, được đặc trưng bởi các triệu chứng xuất hiện trong khoảng từ 6 đến 18 tháng tuổi. Nếu không có điều trị, hầu hết trẻ mắc SMA type 2 có thể tự ngồi nhưng không thể đứng hoặc đi lại một cách độc lập, và theo thời gian có thể mất khả năng tự ngồi. Bệnh nhân mắc SMA type 2 thường có thể sống đến tuổi trưởng thành, mặc dù tuổi thọ có thể bị giảm nếu không có điều trị.
  • Type 3: Một trong những dạng SMA nhẹ hơn, type 3 có các triệu chứng xuất hiện sau 18 tháng tuổi, trong thời thơ ấu hoặc thanh thiếu niên. Nó cũng được gọi là SMA trẻ em (juvenile SMA) hoặc hội chứng Kugelberg-Welander. Những người mắc SMA type 3 có thể đi lại độc lập, nhưng nếu không có điều trị, họ có thể mất dần khả năng này khi bệnh tiến triển. Tuổi thọ của bệnh nhân SMA type 3 dường như không bị ảnh hưởng.
  • Type 4: dạng nhẹ nhất của bệnh và cũng là một trong những dạng hiếm gặp nhất. Triệu chứng thường xuất hiện ở tuổi trưởng thành, thường là sau 35 tuổi. Những người mắc SMA type 4 thường không mất khả năng đi lại, và tuổi thọ không bị ảnh hưởng.
  • Ngoài năm loại SMA chính, tất cả đều do đột biến gen SMN1 trên nhiễm sắc thể 5, còn có một số dạng SMA khác do đột biến ở các gen khác. Những bệnh này cũng đặc trưng bởi tình trạng yếu cơ và teo cơ. Một số dạng hiếm gặp bao gồm: SMA liên kết nhiễm sắc thể X ở trẻ sơ sinh (X-linked infantile SMA), SMA kèm suy hô hấp type 1 (SMARD1), SMA chủ yếu ảnh hưởng chi dưới (SMA-LED), SMA kèm động kinh giật cơ tiến triển, SMA type Finkel (SMAFK), Teo cơ tủy sống – hành tủy (SBMA, hay còn gọi là bệnh Kennedy), Teo cơ tủy xa (DSMA).

Nguyên nhân gây ra bệnh teo cơ tủy sống SMA

Các dạng SMA phổ biến nhất là do đột biến gen SMN1, gen này cung cấp hướng dẫn để tạo ra protein SMN. Do đột biến, cơ thể sản xuất không đủ protein SMN.

Thiếu hụt protein SMN ảnh hưởng đến tất cả các tế bào trong cơ thể, nhưng tế bào thần kinh vận động (những tế bào chuyên biệt kiểm soát vận động) đặc biệt nhạy cảm với sự suy giảm này. Trong SMA, thiếu hụt protein SMN khiến các tế bào thần kinh vận động suy yếu, thoái hóa và chết dần. Kết quả là, cơ bắp không nhận được tín hiệu thần kinh cần thiết để hoạt động, dẫn đến yếu cơ và cuối cùng là teo cơ theo thời gian.

Teo cơ tủy sống (Spinal Muscular Atrophy - SMA) 3

SMA được di truyền như thế nào?

Mỗi người thừa hưởng hai bản sao của gen SMN1, một từ mỗi cha mẹ. SMA là một bệnh di truyền lặn trên nhiễm sắc thể thường, có nghĩa là một người sẽ chỉ phát triển bệnh nếu cả hai bản sao SMN1 đều mang đột biến gây bệnh.

Những người chỉ có một bản sao SMN1 đột biến được gọi là người mang gen bệnh (carrier). Họ không mắc SMA nhưng có thể truyền đột biến này cho con cái của mình. Nếu cả bố và mẹ đều là người mang gen, xác suất di truyền bệnh cho con cái như sau:

  • 25% con mắc SMA.
  • 50% con là người mang gen bệnh.
  • 25% con không mắc bệnh và không mang gen đột biến.

Teo cơ tủy sống (Spinal Muscular Atrophy - SMA) 5

Triệu chứng của teo cơ tủy sống SMA

Triệu chứng đặc trưng của SMA là yếu cơ, và tình trạng này sẽ tiến triển nặng hơn theo thời gian. Yếu cơ thường ảnh hưởng nhiều hơn đến các cơ hông và vai, hơn là các cơ ở bàn tay và bàn chân. Ngoài ra, cơ chân thường bị ảnh hưởng nhiều hơn cơ tay.

Yếu cơ thường gây ra khó khăn trong việc di chuyển. Một số triệu chứng phổ biến khác của SMA bao gồm:

  • Khó thở.
  • Mệt mỏi.
  • Vẹo cột sống (scoliosis).
  • Trật khớp háng và xương dễ gãy.
  • Cứng khớp (contractures), khiến các khớp bị giới hạn khả năng vận động.
  • Trào ngược dạ dày (GERD) và các vấn đề tiêu hóa khác.
  • Run rẩy (tremors).
  • Cử động lưỡi không tự chủ.
  • Khó nói.

Tiên lượng của SMA

Tiên lượng của SMA có sự khác biệt đáng kể tùy thuộc vào loại bệnh. Nếu không được điều trị, bệnh nhân mắc các thể nặng như SMA type 0 và type 1 thường không sống quá giai đoạn sơ sinh, trong khi bệnh nhân SMA type 2 có thể sống đến tuổi trưởng thành. Đối với SMA type 3 và type 4, tuổi thọ thường không bị ảnh hưởng.

Điều trị bệnh teo cơ tủy sống SMA

Mặc dù chưa có phương pháp chữa khỏi SMA, nhưng các liệu pháp đã được phê duyệt có thể làm chậm hoặc thậm chí ngăn chặn sự tiến triển của bệnh. Ngoài ra, có nhiều hình thức chăm sóc hỗ trợ giúp những người mắc SMA duy trì sức khỏe tốt hơn và có một cuộc sống chất lượng hơn.

Điều trị bằng thuốc: có thể làm chậm sự tiến triển của SMA, tuy nhiên chi phí rất đắt đỏ. Những loại thuốc này cũng được phê duyệt rộng rãi ở nhiều quốc gia khác, tuy nhiên, chỉ định cụ thể có thể khác nhau tùy theo từng nơi. Không có phương pháp điều trị nào trong ba liệu pháp SMA này được phê duyệt để điều trị các dạng SMA hiếm gặp hơn (SMA không liên quan đến nhiễm sắc thể 5).

  • Evrysdi (risdiplam) là một loại thuốc dùng đường uống hàng ngày, có thể uống trực tiếp hoặc qua ống dẫn thức ăn. Thuốc đã được FDA phê duyệt cho mọi lứa tuổi.
  • Spinraza (nusinersen) được tiêm vào tủy sống mỗi bốn tháng một lần và đã được FDA phê duyệt cho mọi lứa tuổi.
  • Zolgensma (onasemnogene abeparvovec-xioi) là một liệu pháp gen chỉ cần tiêm một lần, đã được FDA phê duyệt cho trẻ em dưới 2 tuổi.

Các phương pháp điều trị không dùng thuốc: Bên cạnh các loại thuốc nhằm làm chậm sự tiến triển của bệnh, nhiều bệnh nhân SMA cũng được hưởng lợi từ các phương pháp chăm sóc y tế khác và sử dụng các thiết bị chuyên dụng. Một số phương pháp hỗ trợ này bao gồm:

  • Vật lý trị liệu (physiotherapy), giúp duy trì và cải thiện chức năng vận động.
  • Liệu pháp hoạt động trị liệu (occupational therapy), giúp bệnh nhân thích nghi với các hoạt động hàng ngày.
  • Thiết bị hỗ trợ di chuyển, từ xe lăn, nạng cho đến xe đẩy chuyên dụng, giúp bệnh nhân đi lại dễ dàng và thoải mái hơn.
  • Liệu pháp hô hấp và thiết bị hỗ trợ hô hấp, bao gồm máy thở, thiết bị hỗ trợ ho và máy BiPAP (bi-level positive pressure), giúp cải thiện khả năng thở.
  • Tư vấn dinh dưỡng và thiết bị hỗ trợ ăn uống, như ống thông dạ dày, để đảm bảo bệnh nhân nhận đủ dinh dưỡng.
  • Liệu pháp ngôn ngữ, giúp cải thiện khả năng nói, cũng như hỗ trợ nhai và nuốt.
  • Các biện pháp phòng ngừa và quản lý vẹo cột sống, bao gồm liệu pháp tư thế, sử dụng nẹp chỉnh hình hoặc phẫu thuật trong những trường hợp nghiêm trọng.
  • Liệu pháp rung toàn thân (whole-body vibration therapy), giúp cải thiện chức năng vận động và khả năng di chuyển.
  • Hỗ trợ tinh thần, bao gồm tư vấn tâm lý và các nhóm hỗ trợ, giúp bệnh nhân quản lý sức khỏe tâm lý tốt hơn.

Phương pháp chẩn đoán bệnh teo cơ tủy sống SMA

Trước khi xét nghiệm di truyền trở nên phổ biến, SMA chủ yếu được chẩn đoán thông qua đánh giá chức năng cơ và tế bào thần kinh vận động. Các phương pháp này bao gồm điện cơ đồ (EMG) và đo tốc độ dẫn truyền thần kinh, giúp đo hoạt động điện trong cơ bắp và các tế bào thần kinh vận động điều khiển chúng, cũng như sinh thiết cơ, trong đó một mẫu nhỏ cơ được lấy để kiểm tra trong phòng thí nghiệm.

Ngày nay, các xét nghiệm này hiếm khi được sử dụng trong chẩn đoán SMA, nhưng chúng có thể hữu ích trong những trường hợp không điển hình, khi chẩn đoán còn chưa chắc chắn.

Hiện nay, tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán SMA là xét nghiệm di truyền, thường được thực hiện trên một mẫu máu nhỏ. Xét nghiệm này có thể xác định các đột biến gây bệnh trong gen SMN1 hoặc các gen khác gây ra các dạng SMA hiếm gặp hơn.

Sàng lọc di truyền trước sinh – Giải pháp ngăn ngừa teo cơ tủy sống

Hiện nay, các hiệp hội uy tín trên thế giới như Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) và Hiệp hội Di truyền Y khoa Hoa Kỳ (ACMG) đều khuyến cáo nên thực hiện sàng lọc người lành mang gen bệnh di truyền trước hôn nhân hoặc khi mang thai để có kế hoạch sinh con an toàn.

Tại Việt Nam, Gene Solutions tiên phong phát triển xét nghiệm Carrier Premium, giúp phát hiện 20 bệnh di truyền lặn phổ biến và nghiêm trọng nhất, bao gồm teo cơ tủy sống (SMA), Thalassemia, Pompe, tăng sản thượng thận bẩm sinh…

Xét nghiệm được ứng dụng các công nghệ hiện đại nhất trên thế giới, bao gồm công nghệ giải trình tự gen thế hệ mới NGS kết hợp GAP-PCR và kỹ thuật MLPA (Multiplex Ligation – Dependent Probe Amplification). Đây là giải pháp giúp phát hiện những người lành mang gen bệnh hiệu quả, từ đó xác định nguy cơ truyền bệnh cho con cái. Điều này giúp cha mẹ có kế hoạch phù hợp trong việc sinh con, chẳng hạn như lựa chọn các phương pháp hỗ trợ sinh sản để không sinh con mắc bệnh di truyền, tránh nỗi đau mất con hoặc gánh nặng tài chính sau này. Khi phát hiện sớm các yếu tố di truyền, bác sĩ có thể lên kế hoạch chăm sóc và theo dõi thai kỳ đặc biệt hơn, điều trị cho trẻ sau sinh kịp thời và hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đặc biệt, từ năm 2025, Gene Solutions đã tích hợp xét nghiệm sàng lọc teo cơ tủy sống SMA và hội chứng NST X dễ gãy (còn gọi Fragile X, là nguyên nhân di truyền phổ biến nhất gây chậm phát triển trí tuệ và các vấn đề hành vi, khó khăn trong học tập của trẻ) vào gói xét nghiệm triSure NIPT. Điều này đồng nghĩa với việc thai phụ có thể phát hiện sớm nguy cơ di truyền mà không cần làm thêm xét nghiệm riêng lẻ, giúp tối ưu chi phí và nâng cao hiệu quả sàng lọc.

Chẩn đoán di truyền trước sinh/sau sinh bằng xét nghiệm GS-SMA

Xét nghiệm GS-SMA có thể thực hiện trên mẫu ối hoặc mẫu máu, phết niêm mạc để chẩn đoán trước và sau sinh bệnh teo cơ tủy sống.

Phạm vi khảo sát: GS-SMA khảo sát mất exon 7-8 và tất cả các đột biến điểm gây bệnh trên gen SMN1 và khảo sát số bảng sao (copy) của gen SMN2 giúp tiên lượng độ nặng của bệnh.

SMN2 Copy  

Number 

SMA Clinial Phenotype 
  SMA I  SMA II  SMA III/IV 
1  96%  4%  0% 
2  79%  16%  5% 
3  15%  54%  31% 
≥4  1%  11%  88% 

 

Nguồn tham khảo:

https://smanewstoday.com/what-is-spinal-muscular-atrophy/

https://www.ninds.nih.gov/health-information/disorders/spinal-muscular-atrophy

 

 

Công nghệ gen vì sức khoẻ cộng đồng

SẢN PHẨM LIÊN QUAN

Chuyên gia GENE SOLUTIONS đang lắng nghe bạn !

Chuyên gia GENE SOLUTIONS đang lắng nghe bạn !