Mỗi câu chuyện cá nhân có thể trở thành nguồn động lực lớn, giúp cộng đồng tìm được sức mạnh để đương đầu và chiến thắng bệnh tật. Trong không gian ấm áp của CLB bệnh nhân ung thư, được tổ chức tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM vừa qua vào ngày 23 tháng 4, Gene Solutions cảm thấy rất vinh dự khi được lắng nghe câu chuyện truyền cảm hứng của chú Phạm Xuân Oanh.
Chú Phạm Xuân Oanh, gần 70 tuổi, là hình mẫu của sự lạc quan và năng lượng tích cực. Tất bật với cuộc sống bận rộn hàng ngày, chú không bao giờ nghĩ rằng mình có thể mắc ung thư. Tuy nhiên, cuộc sống không lúc nào thiếu bất ngờ và thử thách cho mỗi người.
Câu chuyện của chú Phạm Xuân Oanh
Trước lúc phát hiện bệnh, chú Oanh luôn cảm thấy khỏe mạnh, nhưng một khoảng thời gian, chú bắt đầu cảm thấy nóng trong người, khó đi nặng và chảy máu. Thay vì nằm trong tâm thế bị động vì lo lắng, chú quyết định tới bệnh viện ung bướu để thăm khám. Bác sĩ đã nhanh chóng phát hiện ra một khối u gần hậu môn.
Như bao người khác, tin tức này đã khiến chú cảm thấy hoang mang và choáng váng. Tuy nhiên, sau khi giành một khoảng thời gian để bình tâm lại, chú đã quyết không để ung thư trở thành bản án tử của mình cũng như tâm lý của người thân. Chú đã quyết định bàn bạc với vợ và chỉ thông báo cho con trai lớn về tình trạng sức khỏe của mình, để tránh làm ảnh hưởng đến tinh thần của cả gia đình.
Sau khi trải qua phẫu thuật, chú Oanh cảm thấy khỏe mạnh như thường, sinh hoạt và làm việc không có gì khác biệt so với trước. Dù có một số tác dụng phụ như làm cho tay chân bị đen, nhưng chú đã được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc và phương pháp điều trị phù hợp để giảm thiểu những khó chịu này.
Về phần dinh dưỡng, chú không cần kiêng cữ quá mức nhưng được khuyên nên ăn nhiều hoa quả và rau củ. Trong những giai đoạn đầu của điều trị, mặc dù khó khăn trong việc ăn uống, chú vẫn đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể bằng cách xay thức ăn và nấu thành nước uống.
Lời khuyên từ chú gửi đến cộng đồng bệnh nhân ung thư
Chú Oanh luôn khuyên những người khác rằng việc tuân thủ theo phác đồ điều trị khoa học là rất quan trọng. Chú cũng nhấn mạnh việc không nên tin tưởng vào những phương pháp không có cơ sở khoa học.
Tập thể dục đều đặn
Chú Oanh duy trì thói quen tập thể dục đều đặn mỗi sáng tại chung cư nơi mình sinh sống. Chú đi bộ khoảng 6km mỗi sáng, luyện tập vừa sức, đủ để giữ gìn sức khỏe mà không gây quá tải cho cơ thể.
Duy trì tinh thần lạc quan
Mặc dù phải đối mặt với bệnh tật, chú Phạm Xuân Oanh vẫn luôn giữ thái độ tích cực và lạc quan. Chú tin rằng mỗi ngày trôi qua là một món quà và mình cần sống trọn vẹn với từng khoảnh khắc. Điều này không chỉ giúp chú vượt qua bệnh tật mà còn truyền cảm hứng cho những người xung quanh.
Suy nghĩ của chú về các phương pháp điều trị
Chú Oanh khuyên rằng người bệnh nên có một hướng đi rõ ràng và dứt khoát, tránh lan man theo nhiều phương pháp không chính thống. Chú nhấn mạnh việc tập trung vào liệu trình khoa học mà bác sĩ đã đề ra và chỉ tham khảo ý kiến của chuyên gia khi thực sự cần thiết. Điều này giúp chú giữ vững tâm lý và thể chất qua từng giai đoạn điều trị.
Hành trình về phía trước
Hành trình của chú Phạm Xuân Oanh chưa kết thúc. Mỗi ngày với chú là một cơ hội để san sẻ, yêu thương và chia sẻ kinh nghiệm sống với mọi người. Chú tiếp tục tham gia các hoạt động cộng đồng, giao lưu với bạn bè và gia đình, nhắc nhở mọi người về giá trị của sức khỏe và tầm quan trọng của việc tuân thủ điều trị.
Xem thêm: Câu chuyện chiến đấu với bệnh ung thư trực tràng của anh Nguyễn Xuân Hai
Lời kết: Tầm quan trọng của việc tầm soát sớm ung thư
Mặc dù câu chuyện của chú Phạm Xuân Oanh là một nguồn cảm hứng về tinh thần lạc quan và khả năng vượt qua bệnh tật, chúng ta cũng cần nhận thức được rằng không phải ai cũng có thể trải qua quá trình điều trị ung thư một cách dễ dàng. Câu chuyện của chú nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc tầm soát ung thư sớm.
Việc phát hiện ung thư ở giai đoạn đầu không chỉ gia tăng khả năng chữa khỏi mà còn giảm đáng kể sự cần thiết cho các phương pháp điều trị nặng nề và tốn kém sau này. Tầm soát sớm giúp các bác sĩ có thể can thiệp kịp thời, đưa ra lựa chọn điều trị phù hợp, và tránh được những biến chứng không mong muốn.
Thông qua câu chuyện của chú Oanh tại CLB bệnh nhân ung thư tại bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, hy vọng rằng mỗi người, đặc biệt là những người ở độ tuổi có nguy cơ cao sẽ tự giác hơn trong việc thực hiện các xét nghiệm tầm soát. Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Sự chủ động của bạn có thể là tiền đề dẫn đến một tương lai khỏe mạnh.