Nhiều triển vọng trong cá thể hóa điều trị đích và nhận diện sớm tái phát ung thư trên bệnh nhân Việt Nam.

Mục lục
    Add a header to begin generating the table of contents

    Tháng 12.2022, nghiên cứu của các nhà Khoa học Việt Nam về Ung thư Vú và Ung thư Đại trực tràng cho thấy có thể phát hiện sớm tái phát ung thư đến 13 tháng và nhận diện chính xác loại đột biến gene để hỗ trợ điều trị đích hiệu quả hơn.

    Theo đó, hai tạp chí chuyên về Ung thư thuộc hệ thống SCIE, ISI và có chỉ số ảnh hưởng (Impact factor) cao là Molecular OncologyFrontiers in Oncology đã đăng tải 2 nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Di truyền Y học- Gene Solutions và cộng sự cho thấy một xét nghiệm gene có thể được sử dụng để giúp cá thể hóa trong điều trị ung thư, hỗ trợ các bác sĩ trong việc thiết lập điều trị đích và giám sát sự tồn dư tối thiểu của khối u sau điều trị triệt căn dựa trên việc phân tích, định lượng DNA của khối u lưu hành trong máu (ctDNA).

    Tại Hội nghị khoa học Gen Đông Nam Á (Southeast Asia Genomic Conference 2022) do Bộ Y tế Indonesia tổ chức vào tháng 12.2022, TS Nguyễn Hoài Nghĩa, Trưởng nhóm nghiên cứu kiêm CEO Gene Solutions đã giới thiệu về ứng dụng ctDNA hiện là  xu hướng của thế giới phục vụ cho nền y học chính xác, đặc biệt là trong lĩnh vực ung thư.

    Phát hiện tồn dư tối thiểu của khối u sau phẫu thuật trong Ung thư đại trực tràng.

    Tồn dư tối thiểu của khối u (Minimal residual disease-MRD) là một khái niệm tương đối mới trong điều trị ung thư, MRD được cho là còn sự tồn tại DNA của khối u trong máu của bệnh nhân sau khi phẫu thuật triệt căn cho dù trên lâm sàng khối u đã được phẫu thuật viên cắt bỏ triệt để. Trước đây xét nghiệm MRD đã được FDA Hoa Kỳ chấp thuận sử dụng trong ung thư hệ tạo huyết, gần đây các xét nghiệm MRD trên hệ u đặc được chấp thuận để theo dõi tái phát sớm trong các ung thư như phổi, vú, đại trực tràng và bàng quang (trước khi bác sĩ có thể phát hiện tái phát bằng hình ảnh)

    Trong đề tài nghiên cứu với chủ đề “Đặc điểm bộ gen khối u và sự cá thể hóa trong theo dõi DNA khối u lưu hành trong máu (ctDNA) ở bệnh nhân ung thư đại trực tràng tại Việt Nam” đăng tải trên tạp chí Frontiers in Oncology, xét nghiệm cá thể hóa K-Track® được sử dụng như “công nghệ lõi” để theo dõi và phân tích các dấu ấn sinh học từ khối u đại trực tràng.

    Xét nghiệm gen phục vụ cho nền y học chính xác hiện đang được xem là xu hướng chung của thế giới, đặc biệt là tại các nước có trình độ y học phát triển. Ảnh Gene Solutions

    Dựa trên một panel gen gồm 95 gen quan trọng liên quan đến ung thư, mẫu khối u của bệnh nhân được thu thập và giải trình tự bằng công nghệ giải trình tự gene thế hệ mới NGS để xác định phổ đột biến khối u. Nhóm nghiên cứu đã ứng dụng các thuật toán tin sinh học để xác định 4-6  các đột biến đặc trưng hàng đầu cho từng cá thể, khuếch đại từng gene trong nhóm 4-6 gene này bằng  công nghệ Multiplex PCR và sử dụng chúng để theo dõi sự tồn tại của DNA đến từ khối u lưu hành trong máu (ctDNA) dựa trên việc thu thập mẫu máu nhiều lần. Hơn nữa, việc tìm được các CtDNA với nồng độ rất thấp trong máu bệnh nhân ung thư sau phẫu thuật được hỗ trợ bằng công nghệ giải trình tự gene thế hệ mới NGS  có độ phủ siêu sâu (Ultra-deep NGS). Đồng thời để loại trừ các đột biến phát sinh trong máu không do ung thư, các đột biến từ tế bào bạch cầu được bắt cặp và loại bỏ.

    Theo đó, kết quả cập nhật từ nghiên cứu cho thấy APC, TP53 và KRAS là ba gen đột biến hàng đầu được xác định trong nghiên cứu này. Trong đó 41.7% bệnh nhân mang đột biến KRAS và NRAS có thể gây kháng Cetuximab và Panitumumab; 41.7% bệnh nhân mang đột biến đã có thuốc điều trị đích được phê duyệt hoặc đang trong giai đoạn thử nghiệm.

    Sử dụng các đột biến hàng đầu đã được lựa chọn trên từng bệnh nhân, nghiên cứu phát hiện được ctDNA trong máu trước phẫu thuật trên 90.5% bệnh nhân, trong khi xét nghiệm dấu ấn sinh học CEA chỉ tăng trong 41.3% bệnh nhân này. Phân tích sau 16 tháng theo dõi sau phẫu thuật triệt căn cho thấy có 2 bệnh nhân phát hiện ctDNA trong máu có tình trạng ung thư tái phát với thời gian phát hiện sớm hơn so với chẩn đoán lâm sàng từ 4 đến 10.5 tháng. Dấu ấn sinh học CEA không thể giúp dự đoán tái phát trên 2 ca này.

    Các kết quả xét nghiệm cá thể hóa K-Track® dựa trên việc định lượng CtDNA trong máu hứa hẹn là một xét nghiệm có tác động kép trong việc giám sát sự tồn dư tối thiểu của khối u sau điều trị triệt căn đồng thời góp phần cho việc thiết lập điều trị đích trên bệnh nhân ung thư ĐTT. Bên cạnh đó, nghiên cứu giúp đặt nền móng cho việc phát triển điều trị ung thư cá thể hóa ở Việt Nam và các nước đang phát triển khác.

    Phát hiện sớm tái phát ung thư vú từ 7 – 13 tháng

    Nghiên cứu với chủ đề “Bối cảnh di truyền và sự cá thể hóa trong theo dõi đột biến trên khối u ở bệnh nhân ung thư vú tại Việt Nam” đăng tải trên tạp chí Molecular Oncology cho thấy tính khả dụng của phương pháp xét nghiệm gen nhằm phát hiện ctDNA – dấu ấn DNA của khối u lưu hành trong máu và phân tích các đặc điểm của chúng để theo dõi, đánh giá nguy cơ tái phát và di căn sau phẫu thuật ung thư vú.

    Xét nghiệm gene với tên gọi K-Track® đã phát hiện các đột biến có nguồn gốc từ khối u ở 95 gen nhằm phát hiện ctDNA của tế bào ung thư tồn dư trong máu với độ nhạy 94.8% và độ đặc hiệu > 99% ở ngưỡng phát hiện là 0.05%.

    Một phát hiện trong nghiên cứu cho thấy, sau 15 tháng theo dõi, 100% ca phát hiện ctDNA trong máu sau phẫu thuật (3 trong tổng số 134 bệnh nhân) có tình trạng ung thư tái phát với thời gian phát hiện sớm hơn so với chẩn đoán lâm sàng từ 7 đến 13 tháng.

    Kết quả chính của nghiên cứu chỉ ra các đặc điểm đột biến khối u trên bệnh nhân ung thư vú ở Việt Nam khá tương đồng với các đặc điểm được báo cáo ở các nghiên cứu đoàn hệ khác tại Châu Á với tần số đột biến gen TP53 cao hơn so với dân số Châu Âu. Những thay đổi trong tín hiệu PIK3CA và PI3K chiếm ưu thế, đặc biệt trong nhóm bệnh nhân ung thư vú thể tam âm.

    Bên cạnh đó, nghiên cứu này là nghiên cứu đầu tiên cung cấp bộ dữ liệu về biến thể xôma (đột biến tế bào sinh dưỡng) tìm thấy trên bệnh nhân ung thư vú ở Việt Nam, đặt nền móng cho phát triển liệu pháp chăm sóc và điều trị ung thư cá thể hóa.

    Triển vọng từ “điều trị phổ quát ” đến y học chính xác, cá thể hóa.

    Cá thể hóa và y học chính xác, đặc biệt là trong lĩnh vực ung thư hiện đang được ứng dụng rộng rãi tại các nước có nền y học tiên tiến như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Châu Âu.

    Liệu pháp điều trị đích cũng như theo dõi tồn dư sau phẫu thuật, theo dõi hoặc dự báo khả năng tái phát của 1 loại khối u được xem là những tiến bộ đột phá trong điều trị ung thư tại Việt Nam hiện nay nếu so với khoảng 15 năm về trước (được xem là giai đoạn “điều trị phổ quát ”, mỗi bệnh nhân được hóa trị theo mẫu số chung áp dụng cho nhiều bệnh nhân và các thuốc hóa trị nhắm vào đồng thời cả tế bào lành và tế bào ung thư, gây nhiều tác dụng phụ).

    Giải trình tự gen thế hệ mới (NGS) là công nghệ lõi trong phát triển các xét nghiệm gene theo dõi tái phát và hỗ trợ điều trị đích trong ung thư. Ảnh : Gene Solutions

    Nghiên cứu của Gene Solutions đặc biệt có ý nghĩa khi mà các loại ung thư như ung thư phổi, ung thư đại trực tràng, ung thư vú… thường phải làm xét nghiệm xác định đột biến gen để quyết định bệnh nhân có phù hợp với điều trị đích không và phù hợp với loại thuốc nào. Đây cũng là hai loại ung thư nằm trong top 5 các bệnh ung thư có số ca mắc và tử vong hàng đầu tại Việt Nam.

    Theo TS Trần Lê Sơn, thành viên nhóm nghiên cứu thuộc Viện Di truyền Y học  – Gene Solutions, các nghiên cứu này đồng thời tạo ra tiền đề giúp Gene Solutions phát triển một xét nghiệm với tính cá thể hóa, hỗ trợ các bác sĩ lâm sàng trong việc khảo sát tồn dư của khối u sau điều trị triệt căn và thiết lập điều trị đích trên bệnh nhân ung thư. Bên cạnh đó, các nghiên cứu giúp đặt nền móng cho việc thúc đẩy phát triển điều trị ung thư cá thể hóa ở Việt Nam cũng như các nước đang phát triển.

    Với phương châm xuyên suốt “Công nghệ gen vì sức khoẻ cộng đồng”, Gene Solutions luôn tập trung nghiên cứu và phát triển các xét nghiệm gene phục vụ nền y học chính xác… Từ đó mang đến các giải pháp y tế hiện đại, đồng hành và hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ chăm sóc sức khoẻ cho cộng đồng nói chung cũng như chăm sóc, điều trị hiệu quả hơn cho bệnh nhân Ung thư.

    Bài viết liên quan

    Bình luận

    Chuyên gia GENE SOLUTIONS đang lắng nghe bạn !

    Tư vấn di truyền